Những dấu chân mở đường - Bài 2: Để vùng đất biên cương kết thành trái ngọt

Với lý tưởng sống 'Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt', trong năm 2023, gần 400 đồng chí đảng viên đã kết nghĩa với 1.183 hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, hơn 300 hộ gia đình nhờ đó mà vươn lên thoát nghèo tại các bản làng biên giới tỉnh Kon Tum.

Tạo nguồn Đảng viên tiên phong thi đua yêu nước

Năm 2016, Trung tá A Tỉnh khi ấy là Trưởng ban Vận động quần chúng, Phòng Chính trị, Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum được tăng cường về Đồn Biên phòng Đăk Long làm cán bộ tăng cường xã, đảm nhận chức Phó bí thư Đảng ủy xã Đăk Long (huyện Đăk Glei).

Sự có mặt của Trung tá A Tỉnh đã giúp đồng bào Xơ Đăng và Giẻ Triêng có thêm “điểm tựa” vững chắc, thắt chặt tình quân dân. Ngoài việc tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên tại cơ sở vững mạnh, Trung tá A Tỉnh còn tiên phong kết nạp thêm 6 đảng viên mới, xóa trắng đảng viên tại chi bộ Đăk Ak sau hơn 1 thập kỷ.

Cán bộ Đồn Biên phòng Đăk Long giúp đồng bào thu hoạch khoai mì (sắn).

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng nói: "Đảng là gồm các đảng viên mà tổ chức nên. Mọi công việc Đảng đều do đảng viên làm. Mọi nghị quyết Đảng đều do đảng viên chấp hành. Mọi chính sách của Đảng đều do đảng viên mà thấu đến quần chúng. Mọi khẩu hiệu, mọi kế hoạch của Đảng đều do đảng viên cố gắng thực hiện". Thấm nhuần lời dạy của Bác, Trung tá A Tỉnh khẳng định: “Giải pháp cơ bản mang tính chiến lược lâu dài phải chú trọng xây dựng tổ chức, xây dựng con người, công việc đó bắt nguồn từ việc “nhân giống”, xây dựng đội ngũ đảng viên ở những vùng trắng”.

Từ đảng viên mới của chi bộ Đăk Ak do Trung tá A Tỉnh bồi dưỡng, kết nạp, ông A Xay đã trở thành Bí thư chi bộ mẫu mực, đi đầu trong mọi hoạt động, phong trào. Ông cho biết, được đứng trong hàng ngũ của Đảng là vinh dự và ước mơ từ nhiều năm nay của bản thân. Trở thành đảng viên dưới sự giúp đỡ của Trung tá A Tỉnh, ông thay đổi rất nhiều, có thêm hiểu biết những chính sách của Đảng và Nhà nước rồi từ đó truyền đạt cho bà con ở trong thôn.

Cán bộ Đồn Biên phòng Mô Rai hướng dẫn đồng bào trồng cây điều phát triển kinh tế.

Ông A Xay cho biết thêm: "Già đã thay đổi nếp nghĩ cách làm, hướng dẫn bà con phát triển kinh tế, tự lực cố gắng vươn lên thoát nghèo bền vững. Năm 2023, già cũng đã bồi dưỡng, giới thiệu thêm 2 quần chúng ưu tú theo học lớp cảm tình Đảng để chuẩn bị kết nạp vào tháng 3 năm 2024".

Còn tại Đồn Biên phòng Mo Rai (xã Mô Rai, huyện Sa Thầy), mô hình “Đảng viên đội công tác địa bàn tham gia sinh hoạt tại các chi bộ thôn, kết nghĩa giúp các hộ gia đình khó khăn trên địa bàn vươn lên thoát nghèo” đã trở thành điểm sáng tại làng Le (nơi sinh sống của đồng bào Rơ Măm, một trong số dân tộc ít người), hàng năm đều kết nạp mới từ 4-5 đảng viên mới. Từ chi bộ ít đảng viên, thậm chí phải sinh hoạt ghép, đến nay, Chi bộ làng Le có hơn 40 đảng viên và đứng đầu trong 7 chi bộ của xã Mô Rai.

Theo Thiếu tá Hồ Hữu Ngạn, Chính trị viên Đồn Biên phòng Mo Rai, các đồng chí đảng viên của đồn được phân công đã hiệp đồng phối hợp, tham mưu cho Chi bộ làng Le phân công đảng viên chi bộ phụ trách hộ gia đình. Chi bộ làng Le được chia thành 4 tổ, mỗi tổ 5 thành viên phụ trách 40-50 hộ gia đình để tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, khuyến khích người dân phát triển kinh tế.

Bức tranh về cuộc sống vùng biên của Đăk Long đã ngày ấm no nhờ sự đồng hành của đảng viên Biên phòng.

Sau thời gian triển khai mô hình này, ông A Thái, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn làng Le phấn khởi chia sẻ về bước đầu thành công: “Làng Le đã thay da đổi thịt khi có sự góp sức của đảng viên Đồn Biên phòng Mo Rai, các anh đã cùng với chi bộ phát hiện, bồi dưỡng và tìm ra được đội ngũ đảng viên tiên phong công phá đói nghèo. Nhờ đó mà thu nhập bình quân đầu người đạt 25,5 triệu đồng/năm, cả làng còn 46 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 20,7%”.

Thay đổi nếp nghĩ, cách làm vươn lên phát triển kinh tế

Nói về sự thay da đổi thịt của Đăk Plô, Chủ tịch UBND xã Đăk Plô Lê Văn Vinh luôn cảm ơn và ghi nhận những đóng góp của các đồng chí đảng viên của Đồn Biên phòng Đăk Blô (huyện Đăk Glei) trong việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào.

Ông Vinh cho biết, tính đến tháng 12-2023, 100% hộ gia đình trên địa bàn xã Đăk Plô (huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum) đã cam kết thực hiện xóa bỏ 4 hủ tục lạc hậu ăn sâu, bám chặt trong nhận thức, tiềm thức của đồng bào, đời sống của nhân dân trong xã được nâng lên rõ rệt về cả vật chất lẫn tinh thần, thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt 19,5 triệu đồng đã tăng lên 35 triệu đồng vào năm 2023. Đây thực sự là một thay đổi căn bản, làm nền tảng cho việc xóa nghèo bền vững cho địa phương.

Đồn Biên phòng Đăk Blô luôn phân công đảng viên của Đội công tác địa bàn hàng tháng xuống chi bộ các thôn sinh hoạt, quan tâm chăm lo đời sống và kết nghĩa giúp đỡ hộ nghèo.

Trung tá Võ Văn Cường, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Đăk Blô chia sẻ, thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững", Đồn đã xây dựng kế hoạch và nội dung tuyên truyền sát với tình hình thực tế trên địa bàn. Phối hợp với UBND xã tổ chức 32 đợt lưu động với 327 lượt cán bộ chiến sĩ tham gia tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh, ăn chín uống sôi, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu và phong tục không còn phù hợp trên địa bàn; tuyên truyền pháp luật cho nhân dân được 12 buổi với 524 lượt người nghe; tham gia lao động giúp dân được 147 ngày công.

Cùng với việc thay đổi nếp nghĩ cách làm, phân công đảng viên của Đội công tác địa bàn hàng tháng xuống chi bộ các thôn sinh hoạt và kết nghĩa giúp đỡ hộ nghèo; tham mưu xây dựng nghị quyết, lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ hàng tháng; tham mưu cho Đảng ủy xã làm tốt công tác phát triển đảng viên. Các mô hình về trồng cam, sâm dây, hỗ trợ heo giống, bò giống, ngan và hướng dẫn các hộ gia đình khó khăn vươn lên thoát nghèo cũng được chú trọng. Đến nay, Đồn có 4 đảng viên tham gia sinh hoạt tại 4 chi bộ thôn, 19 đảng viên phụ trách 69 hộ gia đình.

Khẳng định tính đúng đắn của Cuộc vận động, Đại tá Lê Minh Chính, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum bày tỏ: “Việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số có thêm cơ hội giảm nghèo bền vững. Đồng bào đã có nhận thức, từ bỏ tư tưởng trông chờ và ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, tự lực vươn lên phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ổn định cuộc sống, củng cố, giữ vững quốc phòng, an ninh, xây dựng địa bàn biên giới vững mạnh, an toàn”.

Các đơn vị cơ sở biên phòng tỉnh Kon Tum luôn triển khai thực hiện bằng những việc làm cụ thể, sát thực với phương châm “ba bám, bốn cùng”, “trọng dân, hiểu dân, gần dân, học dân, có trách nhiệm với dân”.

Đại tá Lê Minh Chính cho biết thêm, Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum cũng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị cơ sở triển khai thực hiện bằng những việc làm cụ thể, sát thực với phương châm “3 bám, 4 cùng”, “trọng dân, hiểu dân, gần dân, học dân, có trách nhiệm với dân” và “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”.

Đồng thời đề ra chủ trương, giải pháp nhằm phát triển kinh tế theo thế mạnh của từng vùng gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), thúc đẩy các mô hình phát triển kinh tế tạo ra nhiều việc làm, tăng năng suất lao động. Đến nay, trên địa bàn biên giới thành lập 10 tổ hợp tác, có 14/17 sản phẩm đăng ký đạt tiêu chuẩn OCOP.

Có thể thấy, những dấu chân của các anh đã được in đậm bằng cả mồ hôi, công sức trên từng tấc đất biên cương miền đất đỏ. Các anh coi đồng bào như người thân ruột thịt để rồi khi “tắt lửa tối đèn” lại cùng sẻ chia những khó khăn đời thường, cùng nhau vượt qua gian khổ để vùng đất biên cương kết thành trái ngọt.

Bài, ảnh: HỒNG PHÚC

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Phóng sự Điều tra xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/nhung-dau-chan-mo-duong-bai-2-de-vung-dat-bien-cuong-ket-thanh-trai-ngot-765443