Những dấu ấn trong cuộc đời cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger đã qua đời ngày 29/11, hưởng thọ 100 tuổi. Ông Henry Kissinger, nhân vật đã có ảnh hưởng sâu rộng đến các vấn đề toàn cầu dưới thời Tổng thống Richard Nixon và Gerald Ford trong khoảng thời gian từ 1969 đến 1977, từng nhận được giải Nobel hòa bình, nhưng cũng nhận về không ít lời chỉ trích.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger trong cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại dinh thự Novo-Ogaryovo bên ngoài Moscow, ngày 6 tháng 6 năm 2006

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger trong cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại dinh thự Novo-Ogaryovo bên ngoài Moscow, ngày 6 tháng 6 năm 2006

Những thành tựu ngoại giao

Trong tám năm liên tục, đầu tiên trên vai trò cố vấn an ninh quốc gia, sau đó là ngoại trưởng, và có thời gian giữ cả hai cương vị, ông Kissinger đã đóng vai trò chi phối chính sách đối ngoại của Mỹ. Ông đã tiến hành các chuyến “ngoại giao con thoi” đầu tiên trong nỗ lực tìm kiếm hòa bình ở Trung Đông. Ông sử dụng các cuộc đàm phán bí mật để khôi phục mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Ông là người khởi xướng các cuộc đàm phán ở Paris mà cuối cùng mở đường cho việc Mỹ rút khỏi cuộc chiến tranh Việt Nam. Ông cũng theo đuổi sự hòa hoãn với Liên Xô để dẫn đến các thỏa thuận kiểm soát vũ khí.

Lãnh đạo của Henry Kissinger

Quyền lực của Henry Kissinger đã tăng lên trong thời kỳ hỗn loạn của vụ bê bối Watergate, khi nhà ngoại giao hòa hợp về mặt chính trị đảm nhận vai trò giống như đồng tổng thống khi vai trò của Tổng thống Nixon đang suy yếu. “Không còn nghi ngờ gì nữa, lòng kiêu hãnh của tôi đã bị khơi dậy”, Kissinger sau này viết về ảnh hưởng ngày càng mở rộng của mình trong vụ Watergate. Theo Walter Isaacson, người viết cuốn tiểu sử “Kissinger” năm 1992, Kissinger sau đó đã nói với các đồng nghiệp tại Nhà Trắng rằng ông là người đã ngăn Tổng thống Nixonlàm những việc có thể “khiến nổ tung thế giới”.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger tại buổi họp báo ngày 12/10/1973 tại trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ ở Washington

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger tại buổi họp báo ngày 12/10/1973 tại trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ ở Washington

Những lời chỉ trích

Trong nhiều thập kỷ, Kissinger đã đấu tranh với quan điểm cho rằng các điều khoản hòa bình ở Việt Nam, ông và cựu Tổng thống Nixon đã đạt được vào năm 1972, vốn đã có từ năm 1969, do đó khiến cuộc chiến tranh kéo dài một cách không cần thiết với cái giá là hàng chục nghìn sinh mạng của người Mỹ. Ông cũng bị buộc tội vì cho phép nghe lén điện thoại của các phóng viên và nhân viên Hội đồng An ninh Quốc gia của chính mình để chặn các vụ rò rỉ tin tức trong Nhà Trắng dưới thời cựu tổng thống Nixon. Ông Kissinger cũng bị chỉ trích về vụ đánh bom và cuộc xâm lược của quân đồng minh vào Campuchia vào tháng 4 năm 1970, nhằm phá hủy các tuyến đường tiếp tế của miền Bắc cho miền Nam Việt Nam. “Cuộc xâm nhập” đó, như cách gọi của Nixon và Kissinger, bị một số người đổ lỗi là đã góp phần khiến Campuchia rơi vào tay quân nổi dậy Khmer Đỏ.

Kissinger cũng đã mắc một số sai lầm nặng nề, mang tính chiến lược. Chẳng hạn, Kissinger là người sớm ủng hộ việc mở rộng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), một quyết định mà các nhà quan sát đã dự đoán sẽ không tạo ra hòa bình lâu dài ở châu Âu, mà thay vào đó dẫn đến xung đột trực tiếp với Nga.

Kissinger cũng ủng hộ cuộc xâm lược Iraq năm 2003 - chắc chắn là một trong những sai lầm chiến lược lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ - và phản đối thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với Iran.

Kissinger cũng đã không lường trước được rằng việc giúp Trung Quốc trỗi dậy thông qua chính sách can dự sẽ đẩy nhanh sự xuất hiện của một đối thủ cạnh tranh ngang hàng với Mỹ.

Những năm tháng sau này

Kissinger đã thực hiện các chuyến đi khắp thế giới, tạo dựng được danh tiếng của một chính khách lớn tuổi được kính trọng, có những bài phát biểu, đưa ra lời khuyên cho cả các tổng thống thuộc Đảng Cộng hòa cũng như Đảng Dân chủ và quản lý một doanh nghiệp tư vấn toàn cầu đầy lợi nhuận. Nhưng những ghi chép từ thời Nixon, được phát hành qua nhiều năm, mang theo những tiết lộ đôi khi khiến ông bị soi mói một cách gay gắt.

Tuy nhiên, danh tiếng lừng lẫy đến ngày nay của Kissinger là điều không thể phủ nhận. Việc Kissinger đón sinh nhật thứ 100 vào năm nay trong khi hầu hết những người chỉ trích và đối thủ chính đã qua đời, cho phép thời gian xóa nhòa đi ký ức về những sai lầm trong quá khứ và giúp người ủng hộ đánh bóng danh tiếng của ông. Ngoài ra, không ai từng làm việc chăm chỉ hoặc sống lâu hơn để đạt được và duy trì ảnh hưởng, uy tín như Kissinger./.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/nhung-dau-an-trong-cuoc-doi-cuu-ngoai-truong-my-henry-kissinger-206118.htm