Những cuốn sách luật ở Việt Nam thời Pháp thuộc

Những quyển sách luật xưa cũ xuất bản từ đầu thế kỷ 20 thời Pháp thuộc ít nhiều góp phần vào nền móng cho sự phát triển của hệ thống pháp luật Việt Nam.

Năm 1858, người Pháp nổ súng xâm lược nước ta. Năm 1884, triều đình nhà Nguyễn đồng ý nhượng xứ Bắc Kỳ và Nam Kỳ cho Pháp, Việt Nam bị chia cắt thành ba khu vực Bắc Kỳ, Nam Kỳ và Trung Kỳ (Trung Kỳ do triều đình nhà Nguyễn cai quản).

Để thuận tiện trong việc cai trị Bắc Kỳ, Nam Kỳ, người Pháp bắt đầu soạn thảo và ban hành luật để phục vụ lợi ích cho họ. Tuy nhiên, nếu nhìn dưới góc độ quản trị xã hội, chúng ta sẽ thấy hệ thống này vô tình thổi vào nền luật pháp Việt Nam lúc đó những giá trị nhất định.

Tháng 3 năm 1884, "Bộ dân luật Nam Kỳ giản yếu" ra đời, đánh dấu bộ luật dân sự đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam xây dựng dựa theo tinh thần của nền pháp chế phương Tây. Bằng sự tiếp thu những giá trị văn hóa pháp lý phương Tây, pháp luật Việt Nam thời điểm đó có sự giao thoa với các tục lệ, tập quán, góp phần xóa bỏ những tục lệ lạc hậu của xã hội phong kiến.

BáoPháp Luật TP.HCM xin giới thiệu một vài hình ảnh về các quyển sách luật quý hiếm của Việt Nam giai đoạn này.

"Bộ dân luật Nam Kỳ giản yếu" ban hành ngày 26-3-1884 tại Sài Gòn. Đây là bộ luật dân sự đầu tiên ở nước ta được xây dựng theo tinh thần của nền pháp chế phương Tây. Ảnh: TƯ LIỆU CỦA TÁC GIẢ.

"Bản tóm tắt bộ dân luật An Nam" được xuất bản năm 1884 tại Sài Gòn. Văn bản này được xem là bộ luật dân sự đầu tiên ở Việt Nam được viết bằng chữ Quốc ngữ. Ảnh: M.A.H.

"Bộ dân luật An Nam chiếu theo bộ dân luật Đại Pháp" được xuất bản vào năm 1904 tại Sài Gòn do quan chánh án L. Bourayne làm việc tại tòa Bến Tre viết bằng tiếng Pháp. Ảnh: TƯ LIỆU CỦA TÁC GIẢ.

"Luật hình sự tố tụng thi hành trong các tòa Nam án Bắc Kỳ" của tác giả Lê Văn Phúc, xuất bản năm 1922. Ảnh: Y.V.

Sách "Luật tố tụng dùng trong các tòa án Nam Kỳ" do chính quyền Liên bang Đông Dương xuất bản năm 1924 tại Hà Nội. Ảnh: M.A.H.

Một quyển sách của tác giả Tân Nam Tử, tức Nguyễn Văn Vĩnh, xuất bản năm 1925. Nguyễn Văn Vĩnh (1882 – 1936) là nhà tân học, nhà báo, nhà văn, nhà chính trị nổi tiếng đầu thế kỷ 20, một trong những người có công phổ cập chữ Quốc ngữ cho dân chúng và xây dựng nền báo chí Việt Nam. Ảnh: M.A.H.

"Pháp luật lược luận" xuất bản năm 1926 của tác giả Phan Văn Trường (1876 - 1933). Năm 1908, ông lên đường sang Pháp theo học ngành Luật tại Đại học Sorbonne, Paris. Sau đó, ông trình luận án Tiến sĩ và hành nghề luật. Ông được coi là Tiến sĩ luật đầu tiên của Việt Nam. Ảnh: M.A.H.

"Bộ dân luật thi hành tại các tòa Nam án Bắc Kỳ" hay còn gọi là "Bộ dân luật Bắc Kỳ", xuất bản năm 1931 tại Hà Nội. Trước đó, "Bộ dân luật Nam Kỳ giản yếu" đã được ban hành từ năm 1884 dành riêng cho lãnh thổ Nam Kỳ. Do không thể áp dụng bộ luật này vào Bắc Kỳ nên người Pháp đã soạn thảo một bộ dân luật để áp dụng tại đây. Ảnh: M.A.H.

Tựa sách về phổ biến pháp luật của ông Phan Văn Thiết (1902-1987), nhan đề "Dân luật bổn quốc" hoặc gọi là "Luật hộ An Nam ở Nam Kỳ". Quyển sách xuất bản năm 1936 tại Sài Gòn, nội dung đề cập đến: Quyền con người, quyền sở hữu và những cách chiếm quyền sở hữu. Ảnh: M.A.H.

"Luật Lao động" của tác giả Phan Văn Thiết xuất bản năm 1936 tại Sài Gòn.Trong hình, quyển sách ghi thông tin đã tái bản đến "ngàn thứ 5" tức đã có hơn 5.000 quyển sách được in. Ảnh: Y.V.

"Phụ nữ và pháp luật", xuất bản năm 1939 tại Sài Gòn, tác phẩm thể hiện tư tưởng công bình về người phụ nữ của LS Phan Văn Thiết. Quyển sách là kết quả cho quá trình hấp thu những tinh hoa văn hóa phương Tây về vấn đề "nữ quyền" khi ông sống và học tập tại Pháp. Ảnh: Y.V.

"Quyển sách nói về hình và hộ giải nghĩa" của tác giả Tran-Balle, xuất bản năm 1940 tại Sài Gòn có mục đích giúp dân chúng chủ động tìm hiểu pháp luật, hướng dẫn cách viết đơn từ thưa kiện. Ảnh: M.A.H.

Hoàng Việt Hộ Luật (Phần Quốc Ngữ), do nhà in Tiếng Dân của Huỳnh Thúc Kháng in và phát hành năm 1941 tại Huế. Đây là bộ luật dân sự áp dụng ở Trung kỳ, do Bộ Tư pháp và quan Cố vấn Bộ Tư pháp biên tập. Bộ luật này ban hành bởi Nghị định của Toàn quyền Đông Dương ngày 21-10-1936. Ảnh: VINCENT VŨ DƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/nhung-cuon-sach-luat-o-viet-nam-thoi-phap-thuoc-post751527.html