Những cuốn sách cổ bị che giấu suốt 5 thế kỷ ở Tây Ban Nha

Đã hai thập kỷ trôi qua kể từ khi phát hiện ra các cuốn sách cổ do một thầy tế giấu trong bức tường nhà vào khoảng năm 1500. Một trong số đó là kinh Koran từ thời đế chế Almohad.

Muhammad Al-Ŷayyār là vị thầy tế được đề cập đến. Ông biết chiêm tinh học, toán học và thơ ca. Ông là một luật gia đầy kinh nghiệm và quan tâm cả đến những điều mê tín và tin tức nóng hổi xung quanh.

Là một tù nhân trong nhiều năm ở Seville, Tây Ban Nha, công việc của ông là sao chép sách, cho đến khi được trả tự do và được bổ nhiệm làm alfaquí - chuyên gia luật - và sau đó là imam - thầy cúng của Aqūtạ (nay được gọi là Cútar).

Bối cảnh lịch sử của Tây Ban Nha

Cútar khi đó là một thị trấn nông thôn nhỏ ở quận Axarquia thuộc tỉnh Málaga. Ông đến đó vào ngày 9 tháng 8 năm 1490. Tất cả đã được ông kể lại trong giấy cói: các vụ xét xử thừa kế và ly hôn, những suy tư cá nhân, cuộc chinh phục Granada của hoàng gia Tây Ban Nha năm 1492 và trận động đất tàn phá Málaga ngay sau đó.

 Những cuốn sách cổ chia sẻ nhiều điều về Tây Ban Nha xa xưa. Ảnh: elpais.

Những cuốn sách cổ chia sẻ nhiều điều về Tây Ban Nha xa xưa. Ảnh: elpais.

Vào khoảng năm 1500, khi buộc phải chuyển sang Cơ đốc giáo hoặc rời bỏ nơi đang sinh sống, ông quyết định làm điều thứ hai. Mang trong mình hy vọng được trở về, ông đã giấu ba cuốn sách trong bức tường của ngôi nhà: hai cuốn sách do ông viết và một cuốn kinh Koran có niên đại từ thế kỷ 12 hoặc 13. Những tác phẩm này có thể không bao giờ được thế hệ sau biết đến nếu như các công nhân không sửa sang ngôi nhà.

Và sau lần đầu được phát hiện, chúng vẫn tiếp tục được cất giấu suốt 500 năm cho đến ngày 28 tháng 6 năm 2003. Và năm nay, nhân kỷ niệm 20 năm ngày công bố sách, chủ nhân của ngôi nhà, Magdalena Santiago chia sẻ lại: “Lúc đó rất là bất ngờ. Không ai nghĩ rằng những cuốn sách này sẽ xuất hiện khi ngôi nhà cũ nát gần như sắp sập".

Chúng được gói trong rơm và nằm trong những bức tường rộng của ngôi nhà cổ. Trên khắp Tây Ban Nha cũng đã phát hiện một số cuốn sách khác từ thời kỳ này được cất giấu trong các bức tường. Tuy nhiên, cuốn kinh Koran tại Cútar là một trong hai cuốn sách cổ nhất từng được phát hiện ở Tây Ban Nha.

Chất liệu và nội dung đặc biệt

María Isabel Calero, một chuyên gia nghiên cứu các tác phẩm này tại Đại học Málaga 20 năm trước, cho biết: “Đó là một phát hiện đặc biệt”.

Ngày nay, sau khi được phục hồi bằng giấy tráng phủ, những cuốn sách này đang được bảo quản tại khu lưu trữ Archivo Histórico Provincial de Málaga, do chính quyền khu vực Andalusia quản lý. Trong đó, cuốn kinh Koran có hình vuông và có niên đại từ thế kỷ 13, thời kỳ đế chế Almohad kiểm soát Tây Ban Nha. Cuốn sách được làm từ giấy da bê và da cừu, trang trí bằng viền đăng ten, nút thắt Solomon, vỏ sò và hình hoa màu đỏ. Chữ cũng được viết bằng mực đen và xanh lá cây để có thể tồn tại qua nhiều thế kỷ.

 Nhiều nội dung đã được phát hiện sau khi cuốn sách được phục chế. Ảnh: elpais.

Nhiều nội dung đã được phát hiện sau khi cuốn sách được phục chế. Ảnh: elpais.

Có hai giả thuyết giải thích nguyên nhân cuốn sách nằm trong tay của Al-Ŷayyār và cách ông cẩn thận cất giấu nó như vậy sau lệnh cấm văn bản tôn giáo của người Hồi giáo vào đầu thế kỷ 16. Giả thuyết đầu tiên cho rằng đây có thể là vật gia truyền của gia đình. Kinh Koran được truyền từ đời cha sang đời con và mỗi người thừa kế đều muốn bảo tồn bằng mọi giá.

Giả thuyết thứ hai là cuốn sách này thuộc về nhà thờ Hồi giáo ở Cútar - nhà thờ hiện tại của làng được xây dựng vào thế kỷ 16. Với vai trò là thầy tế, ông đã quyết định giấu cuốn sách này đi để nó không bị phá hủy.

Dù là lý do nào, ông Al-Ŷayyār vẫn tin rằng ông sẽ lấy lại nó vào một ngày nào đó. Chuyên gia Calero nói: “Cốt lõi của câu chuyện này là nỗi sợ hãi: rằng ai đó sẽ phát hiện ra những cuốn sách này và chúng sẽ bị phá hủy”.

Trong quá trình nghiên cứu của mình, bà thậm chí còn ấn tượng hơn với hai cuốn sách cá nhân còn lại, chúng “đầy sự tò mò” và có nhiều chú thích, dòng cổ nhất là từ năm 1500.

Al-Ŷayyār là tác giả chính của hai cuốn sách này nhưng còn nhiều điều cần quan tâm hơn nữa vì có một số kiểu chữ viết tay khác nhau giữa các trang. Có một cuốn dày 111 trang giấy Ả Rập và liên quan đến công việc của một người sao chép văn bản tại thành thị.

Một số nội dung khác, đề cập tới các trường hợp phân chia đất đai, hôn nhân, thừa kế, tranh chấp hàng xóm hay ly thân được kể lại dưới dạng các chương riêng lẻ. Ngoài ra còn có các trang dành riêng cho toán học, bảng cửu chương được viết đầy đủ, một số bài thơ và phép tính Mặt trời mọc và Mặt trời lặn trong các ngày của tháng Ramadan.

Cuốn sách thứ hai, dày 134 trang viết trên giấy Italy, có nhiều nội dung mang tính cá nhân hơn. Có cả những phần được sao chép từ những cuốn sách khác và những bài giảng (“Đừng bất công khi bạn có quyền lực”), những câu hỏi bí truyền và mê tín. Cuốn sách cũng ghi nhiều bài thơ của chính ông, những tin tức ảnh hưởng đến cá nhân tác giả, chẳng hạn như cuộc chinh phục Granada và Vélez-Málaga của Cơ đốc giáo và trận động đất năm 1494 đã phá hủy “150 ngôi nhà” ở thủ đô.

Minh Hoa

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-cuon-sach-co-bi-che-giau-suot-5-the-ky-o-tay-ban-nha-post1444413.html