Những cuốn sách chữa lành được yêu thích trên BookTok

Nhờ phong trào BookTok, các cuốn sách chữa lành đã được nhiều độc giả biết đến hơn và nhận được những phản hồi tích cực trên cộng đồng người đọc tại Việt Nam.

 Sneha Banerjee (Blogger trên Bookwwritten) review những cuốn sách chữa lành. Ảnh: Bookwwritten.

Sneha Banerjee (Blogger trên Bookwwritten) review những cuốn sách chữa lành. Ảnh: Bookwwritten.

Cuộc sống đôi khi có thể là một chuyến đi tàu lượn siêu tốc. Nó có những ngã rẽ khác nhau và đầy những thăng trầm. Một số người có thể mạnh dạn tìm kiếm những lời khuyên và sự định hướng để vượt qua giai đoạn khó khăn.

Số còn lại thì ngần ngại tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người khác. Đây là lúc họ cần một cuốn sách chữa lành. Nó có thể trở thành một người bạn đồng hành trong thời điểm cần thiết. Sau đây là danh sách những cuốn thuộc chủ đề chữa lành, tự lực được yêu thích trên BookTok mà cộng đồng yêu sách bình chọn.

1. Những đứa trẻ không có ô (Hí Dương Tử)

Cuốn sách là tập hợp các câu chuyện bài học cuộc sống đến từ sự quan sát và lắng nghe của tác giả. Với sự nhạy cảm, Hí Dương Tử đã gom chúng lại thành một dòng suy tưởng về hành trình tìm kiếm thành công. Tác giả tập trung vào những chiêm nghiệm ở điểm bắt đầu của con người để nêu lên thông điệp rằng, bất kỳ ai cũng có cơ hội ngang bằng với nhau để phát triển. “Sinh ra trong nghèo khó không phải lỗi của bạn nhưng nếu để chết trong nghèo khó thì đó là lỗi của bạn", câu nói của Bill Gates được trích trong cuốn sách.

 Bìa cuốn sách Những đứa trẻ không có ô. Ảnh: Bookreview.

Bìa cuốn sách Những đứa trẻ không có ô. Ảnh: Bookreview.

Đồng thời, tác giả mô tả quá trình trưởng thành và đưa ra những bài học về sự tự lập. Cuốn sách không cố gắng phê phán những người có "ô dù" mà tập trung vào các định hướng phát triển bản thân.

Bởi cuộc sống, ai cũng đi tìm chỉ một thứ, đó là hạnh phúc. "Trên đầu không có ô, phải chạy nhanh hơn người khác. Trước mặt không ai dắt, nhất định phải nhìn đường thật kĩ. Đằng sau không ai chống lưng, tuyệt đối không gục ngã. Nếu bạn không dũng cảm, ai sẽ kiên cường thay bạn đây", tác giả viết trong cuốn sách Những đứa trẻ không có ô.

Nhiều người đọc trên Goodreads chia sẻ đây là cuốn sách có lối viết gần gũi và nêu ra những vấn đề của người trẻ thời nay. Ai cũng có thể thấy một phần hình ảnh của mình phản chiếu trong đó.

2. Không ai có thể làm bạn tổn thương trừ khi bạn cho phép (Yoo Eun Jung)

Cuốn sách xoay quanh các chủ đề về tâm lý, chánh niệm và cách chữa lành cho bản thân. Tác giả chia sẻ về những hội chứng tâm lý khiến cuộc sống không được như ý, mẹo giao tiếp, cách tôn trọng bản thân và căn nguyên bệnh trầm cảm.

Các câu chuyện trong cuốn sách đều lấy chất liệu từ thực tế. Đó là những lời bộc bạch từ các bệnh nhân tâm lý mà tác giả tiếp xúc hàng ngày. Mặc dù cuốn sách viết về các rắc rối của người trẻ tại Hàn Quốc nhưng đó là những vấn đề thời đại ai cũng có thể trải qua.

 Sách Không ai có thể làm bạn tổn thương trừ khi bạn cho phép. Ảnh: Noron.

Sách Không ai có thể làm bạn tổn thương trừ khi bạn cho phép. Ảnh: Noron.

"Đừng đóng sập cánh cửa tiến vào tương lai bằng kiểu suy nghĩ số đông này. Những suy nghĩ tiêu cực một khi đã cắm rễ sâu vào tâm hồn thì ta sẽ không dễ dàng loại bỏ chúng, thậm chí chỉ cần tình hình xấu đi một chút là chúng sẵn sàng bật ra khống chế tư tưởng của ta. Đừng tự đóng những chiếc dấu tiêu cực lên cuộc đời mình và chặn hết mọi cánh cửa của hy vọng", tác giả Yoo Eun Jung viết trong cuốn sách.

Thông điệp to lớn mà người bác sĩ tâm lý này muốn gửi đến là việc chúng ta luôn được lựa chọn để sống trong hạnh phúc hay đau khổ. Con người hãy tận hưởng từng phút giây, yêu thương cả những khiếm khuyết của mình, không ngừng hoàn thiện nó.

3. Một lít nước mắt (Aya Kitou)

Cuốn sách là tự truyện của Aya Kitou, cô gái Nhật 15 tuổi phải đối diện với thực tế rằng chứng thoái hóa tiểu não dần lấy mất tiếng nói và khả năng tự điều khiển cơ thể của cô ấy. Aya sinh ra trong một gia đình bình thường. "Ba tôi 41 tuổi. Ông là người hay cáu kỉnh, nhưng với tôi, ba là một người tuyệt vời. Mẹ tôi thì 40 tuổi. Tôi thỉnh thoảng hay ra vẻ người lớn trước mặt mẹ, nên bị mẹ rầy la hoài", Aya viết.

 Cuốn sách được chuyển thể thành bộ phim cùng tên vào năm 2005. Ảnh: Spiderum.

Cuốn sách được chuyển thể thành bộ phim cùng tên vào năm 2005. Ảnh: Spiderum.

Khi bước sang tuổi 14, độ tuổi dễ bị dao động tâm lý bởi những lời nói xung quanh, Aya đã phải chịu đựng hàng nghìn lời xì xào bàn tán của bạn bè về căn bệnh hiếm của mình. Nhưng cô không hề tuyệt vọng.

Aya nghĩ: "Mình sẽ không bỏ cuộc. Bởi mọi người đều làm mọi thứ từng bước một". Aya luôn nhớ về sự hy sinh của bố mẹ dành cho mình. Gia đình là động lực lớn nhất để cô chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Ngày 23/5/1988, Aya ra đi. Qua câu chuyện của Aya, người đọc có thể thấy được các bài học về nghị lực, chấp nhận khó khăn và trân trọng cuộc sống.

4. Bố con cá gai (Cho Chang-In)

Các độc giả của phong trào BookTok từng đánh giá cuốn sách Bố con cá gai là một bản giao hưởng về tình phụ tử. Câu chuyện xoay quanh nhân vật Jeong Ho Yeon. Anh có một quá khứ đầy gian khổ khi cha anh, vì tai nạn đã mất một chân. Tình cảnh nghèo khó đẩy ông vào con đường tù tội. Cho đến khi mãn hạn, cha Ho Yeon lại chọn cách tự tử vì không muốn làm gánh nặng cho gia đình.

 Bố con cá gai là một tác phẩm được xuất bản lần đầu vào năm 2000. Ảnh: Nhã Nam.

Bố con cá gai là một tác phẩm được xuất bản lần đầu vào năm 2000. Ảnh: Nhã Nam.

Khi trưởng thành, Ho Yeon trở thành một nhà thơ triển vọng. Nhưng một lần nữa, gánh nặng cơm áo gạo tiền lại khiến anh phải từ bỏ giấc mơ văn chương của mình. Trớ trêu thay, con trai anh, Daum mắc phải căn bệnh ung thư quái ác. Vợ Ho Yeon bỏ đi, mình anh phải gánh vác tất cả.

Nghĩ lại về những trống vắng thời niên thiếu của bản thân, Ho Yeon sẵn sàng dâng hiến tất cả sức lực để cứu được người con trai. Tác phẩm nói về tình yêu gia đình với đầy đủ những mảng sáng tối, nhẹ nhàng nhưng đầy những nuối tiếc. Sau nhiều năm được phát hành Bố con cá gai vẫn nằm trong danh sách must read của nhiều reviewer.

Đức Huy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-cuon-sach-chua-lanh-duoc-yeu-thich-tren-booktok-post1411876.html