Những công trình mới của 'ý Đảng, lòng dân'

Tại 13 tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL, bằng các nguồn vốn ngân sách, vốn xã hội hóa, chính quyền các địa phương cũng tập trung đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, xóa bỏ tình trạng giao thông cách trở do sông, rạch chằng chịt để kinh tế- xã hội vùng đất Chín rồng 'cất cánh' vươn lên, cùng với sự phát triển không ngừng của cả nước.

Như đã đề cập ở bài 1, giao thông đường bộ ở vùng ĐBSCL đã được Quốc Hội, Chính phủ và các Bộ ngành TW rất quan tâm, đầu tư; đã có nhiều công trình đưa vào hoạt động phát huy hiệu quả kinh tế- xã hội. Bên cạnh những kết quả đạt được thì so với điều kiện hiện nay với mức dân số gần 20 triệu người, nguồn ngân sách đầu tư cho hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL thời gian qua chỉ chiếm hơn 15% so với cả nước là chưa tương xứng, nhiều địa phương đôi lúc vẫn xảy ra “điểm nghẽn” về giao thông.

Do đó, hiện nay, chủ trương của Đảng- Nhà nước tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống giao thông khu vực này. Ngoài việc tu sửa, nâng cấp các tuyến đường xuống cấp thì nhiều tuyến cao tốc, cầu bắc qua sông lớn đang được khẩn trương thi công để sớm đưa vào khai thác.

Dự án cầu Mỹ Thuận 2 bắt qua sông Tiền nối liền Tiền Giang - Vĩnh Long do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, với nguồn vốn hơn 5.000 tỷ đồng cũng ở giai đoạn thi công nước rút.

Cầu Rạch Miễu hiện hữu đã quá tải nên việc gấp rút xây cầu Rạch Miễu 2 là hết sức cần thiết

Cầu Rạch Miễu hiện hữu đã quá tải nên việc gấp rút xây cầu Rạch Miễu 2 là hết sức cần thiết

Cầu Mỹ Thuận 2 nằm trên trục đường cao tốc từ TP.HCM đi thành phố Cần Thơ, kết nối hai tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ là trục đường huyết mạch, có lưu lượng giao thông lớn bậc nhất trong các trục quốc lộ chính trong khu vực.

Sau khi hoàn thành, cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận Cần Thơ sẽ nối thông tuyến cao tốc từ TP.HCM về Cần Thơ, tạo nên sự gắn kết chặt chẽ thông thương giữa trung tâm kinh tế thương mại phía Nam và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, góp phần hoàn thiện hệ thống vận tải, logistic trong khu vực, đồng thời giảm áp lực giao thông ngày càng lớn cho cầu Mỹ Thuận hiện hữu và quốc lộ 1A, đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa và hành khách ngày càng tăng cao, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hóa, xã hội khu vực Tây Nam Bộ.

Hiện nay Bộ GT-VT và 2 tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long đã thống nhất phương án xây dựng cầu Đình Khao bắc ngang sông Cổ Chiên theo hình thức PPP, với tổng mức đầu tư trên 3.200 tỷ đồng. Công trình có quy mô 2 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ, bề rộng mặt đường 11 m, bề rộng nền đường 12 m, vận tốc thiết kế 80 km/h. Địa điểm thực hiện dự án tại huyện Long Hồ (tỉnh Vĩnh Long) và huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre). Người dân trong khu vực ĐBSCL nói chung, người dân 2 tỉnh Bến Tre và Vĩnh Long nói riêng rất vui khi biết có dự án này đồng thời mong muốn dự án sẽ sớm được khởi công và đưa vào sử dụng góp phần thúc đẩy kinh tế trong khu vực phát triển.

Sau khi có cầu Đình Khao, thì bến phà Đình Khao trở thành quá khứ

Sau khi có cầu Đình Khao, thì bến phà Đình Khao trở thành quá khứ

Ông Hồ Thanh Tùng ở huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long, một trong những hộ nằm trong vùng dự án cho biết: "Dân chúng tôi sẵn sàng hiến đất, Nhà nước bỏ vật tư vào làm. Công trình này hoàn thành sẽ giúp đời sống nhân dân chúng tôi sẽ phát triển mạnh hơn".

Tại Bến Tre và Tiền Giang còn có cầu Rạch Miễu 2 bắc ngang sông Tiền để “chia lửa” cho cây cầu Rạch Miễu hiện hữu đã quá tải. Cầu này do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư trên 6.800 tỷ đồng bằng nguồn vốn Ngân sách Nhà nước. Dù gặp nhiều khó khăn về mặt bằng, nguồn vật liệu cát nhưng dự án này phấn đấu phải hoàn thành vào năm 2026.

Ông Đặng Ngọc Minh, Giám đốc Văn phòng Điều hành cầu Rạch Miễu 2 (thuộc Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận, Bộ GTVT) cho biết: "Hiện nay, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đã có văn bản gửi Bộ GTVT đăng ký vốn bổ sung. Ngoài ra, Ban cũng cam kết bố trí vốn đầy đủ cho Tiền Giang trong tháng 11 năm 2023. Còn vật liệu cát hiện đang khó khăn, các nhà thầu đang tập trung tìm các nguồn cát, một số đơn vị đã huy động đá về rồi, để phục vụ công tác gia tải cho kịp thời. Tiến độ thì hiện nay sẽ ép phần cầu chính, đang cố gắng rút hoàn thành trong năm 2025. Anh em đang tìm cách rút nhanh tiến độ”.

Một tin vui đối với người dân vùng ĐBSCL hiện nay là Chính phủ đã có chủ trương xây dựng tuyến đường ven biển đi qua 7 tỉnh là: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, với tổng mức đầu tư gần 43.000 tỷ đồng. Cụ thể, đoạn qua tỉnh Tiền Giang dài 31km (mức đầu tư 5.591 tỷ đồng); qua Bến Tre 27km (mức đầu tư 8.409 tỷ đồng); Trà Vinh hơn 62km(mức đầu tư 8.717 tỷ đồng); Sóc Trăng 85km (mức đầu tư 5.918 tỷ đồng); Kiên Giang gần 70km (mức đầu tư 2.326 tỷ đồng); Bạc Liêu gần 55km (mức đầu tư 3.441 tỷ đồng) và Cà Mau hơn 85km (mức đầu tư 8.310 tỷ đồng).

Đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ hiện đang đẩy nhanh tiến độ

Đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ hiện đang đẩy nhanh tiến độ

Theo quy hoạch, tuyến đường ven biển dài hơn 700 km sẽ kết nối từ TP.HCM qua Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau tới Kiên Giang. Tuyến đường ven biển này khi hình thành sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế -xã hội khu vực ĐBSCL và chia sẻ áp lực giao thông với các tuyến đường hiện hữu.

Tại tỉnh Sóc Trăng, địa phương có nhiều dự án giao thông trọng điểm quốc gia đi qua tỉnh được khởi công và đang trong quá trình xây dựng, như: đường Cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng; dự án xây dựng Cầu Đại Ngãi kết nối 2 tỉnh Trà Vinh-Sóc Trăng. Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, đoạn qua tỉnh Sóc Trăng có chiều dài khoảng 58km, tổng mức đầu tư gần 12.000 tỷ đồng.

Đối với Dự án cầu Đại Ngãi, với tổng mức đầu tư hơn 8.000 tỷ đồng, dự án này có chiều dài toàn tuyến hơn 15km với 2 cầu vượt chính là cầu Đại Ngãi 1 và cầu Đại Ngãi 2, nằm trên quốc lộ 60, nối hai tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng. Đây là công trình chiến lược, là trục giao thông quan trọng ven biển kết nối với các tỉnh ĐBSCL. Công trình là niềm mong ước từ lâu của người dân hai 2 tỉnh Trà Vinh – Sóc Trăng nói riêng và các tỉnh ven biển khu vực ĐBSCL nói chung.

Ông Hứa Thành Nghĩa, người dân ở xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên chia sẻ: "Chúng tôi rất hy vọng có đường cao tốc thì hàng hóa dễ thông thương hơn, tức là hàng hóa đi ra nước ngoài dễ dàng hơn. Đối với dự án cầu Đại Ngãi thì nếu từ Sóc Trăng đi TP.HCM thay vì mình đi đường QL1A trước đây thì mình đi qua đường Đại Ngãi, sẽ không phải qua phà, giảm được thời gian về thành phố và các tỉnh miền Tây, dễ dàng, thông thương hơn, hàng hóa đa dạng hơn. Giá trị kinh tế đơn nhiên sẽ cao hơn, tức là chi phí giao thông giảm sẽ nâng được giá sản phẩm của mình lên".

Nhiều tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ vùng ĐBSCL đang được nâng cấp, mở rộng đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân

Nhiều tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ vùng ĐBSCL đang được nâng cấp, mở rộng đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân

Ngoài 2 dự án lớn của quốc gia, Sóc Trăng cũng đang xây dựng tuyến đường trục phát triển kinh tế phía Đông và phía Tây của tỉnh trong giai đoạn 2021-2025. Dự án này có tổng chiều dài hơn 56km, đi qua các địa phương thị xã Ngã Năm, huyện Thạnh Trị, huyện Mỹ Xuyên và thị xã Vĩnh Châu với tổng mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng. Dự án được xây dựng, kết nối giao thông với các trục đường quốc lộ có tính chất liên kết vùng; hình thành trục giao thông đối nội, đối ngoại để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Ông Lâm Hoàng Nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng thông tin thêm: "Đường trục phát triển Đông Tây kết nối từ Quản lộ Phụng Hiệp kết nối với đường Nam sông Hậu và kết nối với cảng biển Trần Đề thì chúng tôi cũng đang tập trung đẩy mạnh các tiến độ để làm sao cuối năm 2024 sẽ cơ bản thông xe kỹ thuật và đến giữa năm 2025 hoàn thành toàn bộ tuyến để đưa vào hoạt động tối đa công suất.

Ngoài ra cũng đang lập dự án để vay vốn Ngân hàng ADB (Ngân hàng Phát triển Châu Á) đầu tư tuyến đường bộ ven biển kết nối từ Bạc Liêu lên Sóc Trăng, Trà Vinh và kết nối dài đến thành phố Hồ Chí Minh và một số chương trình dự án khác, chúng tôi tập trung chỉ đạo để làm sao đạt mục tiêu đến năm 2030 Sóc Trăng sẽ là một tỉnh khá".

Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454 ngày 1/9/2021, khu vực đồng bằng sông Cửu Long được quy hoạch 06 tuyến cao tốc với tổng chiều dài khoảng 1.166km, quy mô từ 4 đến 6 làn xe. Quốc hội cũng đã thông qua chủ trương tiếp tục đầu tư 12 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 dài 729 km các đoạn đi qua miền Trung và từ Cần Thơ đến Cà Mau. Trong đó, có 109 km cao tốc 4 làn xe đi qua các địa phương gồm Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau. Cụ thể, dự án thành phần đầu tiên là cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang có chiều dài 37 km, tổng mức đầu tư 9.768 tỷ đồng. Dự án thứ hai là cao tốc Hậu Giang - Cà Mau có chiều dài 72 km, với tổng mức đầu tư 17.485 tỷ đồng.

Theo kế hoạch của Chính phủ, các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 nói chung và hai dự án thành phần đi qua khu vực ĐBSCL nói riêng sẽ cơ bản hoàn thành vào năm 2025, một số hạng mục sẽ hoàn thành trong năm 2026.

Ngoài ra, khu vực miền Tây cũng có 2 dự án đường cao tốc được Bộ GTVT đầu tư từ nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đó là, cao tốc An Hữu - Cao Lãnh dài 27,43 km, 4 làn xe qua địa phận tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang, có tổng mức đầu tư khoảng 6.054 tỷ đồng; cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài hơn 188 km, tổng mức đầu tư khoảng 49.745 tỷ đồng. Hai dự án này sẽ hoàn thành vào năm 2027 .

Mật độ phương tiện lưu thông nhiều khu vực quá tải cần có những công trình cấp thiết. (Ảnh: NT)

Mật độ phương tiện lưu thông nhiều khu vực quá tải cần có những công trình cấp thiết. (Ảnh: NT)

Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, khu vực ĐBSCL còn có thêm dự án cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu dài 212 km, gồm bốn làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h. Dự án được chia thành hai đoạn tuyến gồm đoạn Hà Tiên - Rạch Giá và Rạch Giá - Bạc Liêu. Trong đó đoạn Hà Tiên - Rạch Giá dự kiến được đầu tư trước năm 2030 và đoạn còn lại sẽ được đầu tư sau năm 2030. Ngoài ra, tuyến cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh cũng được đưa vào quy hoạch đến năm 2030 với chiều dài 188 km gồm bốn làn xe.

Dự án được chia thành ba đoạn tuyến, gồm: đoạn Cửa khẩu Dinh Bà (Đồng Tháp) - Cao Lãnh; đoạn Cao Lãnh (Đồng Tháp) - An Hữu (Tiền Giang); đoạn An Hữu (Tiền Giang) - Trà Vinh. Trong đó, đoạn Cao Lãnh (Đồng Tháp) - An Hữu (Tiền Giang) dự kiến được đầu tư trước năm 2030. Còn hai đoạn tuyến còn lại sẽ được đầu tư sau năm 2030.

Có thể khẳng định, dù trong điều kiện đất nước còn khó khăn nhưng Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương đã và đang rất quan tâm, đầu tư phát triển hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL. Tại 13 tỉnh, thành trong vùng, bằng các nguồn vốn ngân sách, vốn xã hội hóa, chính quyền các địa phương cũng tập trung đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, xóa bỏ tình trạng giao thông cách trở do sông, rạch chằng chịt để kinh tế- xã hội vùng đất Chín rồng “cất cánh” vươn lên, cùng với sự phát triển không ngừng của cả nước.

Bài 1: Những công trình bứt phá làm thay đổi diện mạo ĐBSCL

Nhật Trường-Chanh Tuy-Thạch Hồng/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/nhung-cong-trinh-moi-cua-y-dang-long-dan-post1056951.vov