Những con dế bị căm ghét đang tiến vào thực đơn nhà hàng ở Italy

Côn trùng dần trở thành nguồn thực phẩm mới tại châu Âu nhờ lợi ích vượt trội. Tuy nhiên, làn sóng phản đối việc ăn côn trùng vẫn diễn ra mạnh mẽ, đặc biệt tại Italy.

Trong căn phòng nhỏ gần dãy Alps ở miền Bắc Italy, những thùng hàng chứa hàng triệu con dế được xếp chồng lên nhau.

Nhảy và kêu ầm ĩ - những con dế này sắp trở thành món ăn.

Quá trình chế biến rất đơn giản: Dế được đông lạnh, đun sôi, sấy khô và sau đó nghiền thành bột.

Tại trang trại dế Italian Cricket - trang trại côn trùng lớn nhất Itlay - khoảng một triệu con dế sẽ biến thành nguyên liệu thực phẩm mỗi ngày.

Ăn dế, kiến và sâu đã phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới như châu Á trong hàng nghìn năm, theo BBC.

Giờ đây, sau khi Liên minh châu Âu (EU) chấp thuận dùng côn trùng làm thực phẩm cho con người, nhiều người đặt câu hỏi liệu thái độ người dân nơi đây về món ăn này sẽ thay đổi thế nào?

Ý kiến trái chiều

Theo dữ liệu từ công ty dư luận toàn cầu YouGov, ở châu Âu, không nơi nào chứng kiến làn sóng phản đối việc ăn côn trùng mạnh mẽ hơn tại Italy. Sự phản đối đó đến ngay từ cấp cao nhất - chính phủ đã triển khai các bước để cấm sử dụng côn trùng khi làm pizza và mì ống.

“Chúng tôi sẽ phản đối, bằng mọi cách và ở mọi nơi, sự điên rồ này sẽ làm nghèo đi nền nông nghiệp và văn hóa của chúng tôi”, Phó thủ tướng Matteo Salvini viết trên Facebook.

Thực khách tại nhà hàng ở Turin (Italy) đang thử món ăn làm từ dế vì tò mò. Ảnh: Francesco Tosto/BBC.

Nhưng liệu mọi chuyện có thay đổi khi một số nhà sản xuất Italy gần đây đã sáng tạo công thức làm mì ống, pizza và snack từ dế?

“Những gì chúng tôi làm ở đây rất bền vững”, Ivan Albano, người điều hành trang trại Italian Cricket, nói. “Để sản xuất một kg bột dế, chúng tôi chỉ sử dụng khoảng 12 lít nước”.

Trong khi đó, theo ông, để sản xuất cùng lượng protein tương tự từ bò sẽ cần hàng nghìn lít nước.

Bột dế màu nâu nhạt, có thể được sử dụng trong sản xuất mì ống, bánh mì, bánh kếp, thanh năng lượng, và thậm chí cả đồ uống thể thao.

Nuôi côn trùng cũng chỉ cần một phần nhỏ diện tích đất so với sản xuất thịt. Đặc biệt, do tình trạng ô nhiễm mà ngành công nghiệp thịt và sữa gây ra, ngày càng nhiều nhà khoa học tin rằng côn trùng có thể là chìa khóa để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Tại nhà hàng gần Turin - đầu bếp Simone Loddo đã điều chỉnh công thức làm mì ống tươi với bột nhào có 15% bột dế.

Một số thực khách từ chối thử món mì ống tagliatelle dế, nhưng những người đã nếm thử đều ngạc nhiên về vị ngon của nó.

Ngoài hương vị, bột dế còn là thực phẩm chứa nhiều vitamin, chất xơ, khoáng chất và axit amin. Chẳng hạn, một đĩa như vậy cung cấp sắt và magiê cao hơn so với miếng bít tết thăn thông thường.

Đây có thể là lựa chọn thực tế cho những người muốn ăn ít thịt hơn, nhưng vấn đề chính là giá cả.

“Nếu bạn muốn mua thức ăn làm từ dế, nó sẽ khá tốn kém”, Ivan nói. "Bột dế là sản phẩm xa xỉ. Nó có giá khoảng 60 euro (hơn 65 USD) mỗi kg. Lấy mì ống dế làm ví dụ, một gói mì có thể có giá lên tới 8 euro (hơn 8,7 USD)".

Con số này cao gấp 8 lần so với mì ống thông thường ở siêu thị.

Phản đối

Hiện tại, thức ăn từ côn trùng vẫn là lựa chọn phụ trong xã hội phương Tây, bởi nông dân có thể bán gia cầm và thịt bò với giá thấp hơn.

Tagliatelle dế ăn kèm bí xanh, thịt xông khói, phô mai parmesan và húng quế. Ảnh: Francesco Tosto/BBC.

“Thịt tôi sản xuất rẻ hơn nhiều so với bột dế và có chất lượng rất tốt”, Claudio Lauteri, người sở hữu trang trại gần Rome, cho biết.

Nhưng không chỉ nằm ở giá cả, đó còn là vấn đề về sự chấp nhận xã hội. Trên khắp Italy, số người sống đến 100 tuổi trở lên đang tăng nhanh. Nhiều người coi chế độ ăn Địa Trung Hải là “Chén Thánh” cho lối sống lành mạnh.

“Người Italy đã ăn thịt trong nhiều thế kỷ. Với sự điều độ, nó chắc chắn tốt cho sức khỏe”, Claudio nói.

Ông tin rằng thức ăn từ côn trùng có thể là mối đe dọa đối với truyền thống ẩm thực Italy - vốn là điều thiêng liêng ở nước này.

“Những sản phẩm này là rác rưởi”, ông nói. "Chúng tôi không quen với chúng, chúng không phải là một phần của chế độ ăn Địa Trung Hải. Và chúng có thể là mối đe dọa đối với con người: Chúng ta không biết việc ăn côn trùng có thể gây ra những gì cho cơ thể mình".

"Tôi hoàn toàn phản đối sản phẩm thực phẩm mới này. Tôi từ chối ăn chúng", ông cho hay.

Trong khi việc nuôi côn trùng đang gia tăng ở châu Âu thì sự phản đối ý tưởng này cũng tăng theo. Một thành viên trong đảng cực hữu Những người anh em Italy mô tả quyết định phê duyệt côn trùng làm thực phẩm của EU là "gần như điên rồ".

Thủ tướng Giorgia Meloni, người từng gọi Italy là "siêu cường thực phẩm", đã thành lập Bộ “Made in Italy” khi bà đắc cử, với mục đích bảo vệ truyền thống.

Trong bối cảnh lo ngại côn trùng có thể được liên kết với hình ảnh ẩm thực Italy, 3 bộ trưởng chính phủ nước này đã công bố 4 sắc lệnh nhằm kiểm soát chặt chẽ.

"Những loại bột này không được nhầm lẫn với thực phẩm sản xuất tại Italy", Francesco Lollobrigida, bộ trưởng Nông nghiệp, nói.

Điều cần thiết

Thực phẩm côn trùng không chỉ gây chia rẽ ý kiến ở Italy. Ở Ba Lan, nó đã trở thành chủ đề nóng trước cuộc bầu cử.

Vào tháng 3/2023, các chính trị gia từ hai đảng đã cáo buộc lẫn nhau về việc đưa ra chính sách buộc công dân ăn côn trùng. Lãnh đạo đảng đối lập chính, Donald Tusk, đã gọi chính phủ là "người quảng bá súp sâu".

Đầu bếp Simone Loddo làm mì ống bằng bột dế. Ảnh: Francesco Tosto/BBC.

“Thật không may, vẫn còn rất nhiều thông tin sai lệch về việc ăn côn trùng”, Daniel Scognamiglio, người điều hành nhà hàng phục vụ món mì tagliatelle dế, cho biết.

"Tôi từng bị ghét bỏ, bị chỉ trích. Truyền thống ẩm thực có ý nghĩa thiêng liêng đối với nhiều người. Họ không muốn thay đổi thói quen ăn uống của mình", ông nói.

Nhưng ông cho biết mọi thứ dần thay đổi khi ngày càng có nhiều người - thường vì tò mò - đang gọi các món làm từ dế trong thực đơn.

Với dân số toàn cầu hiện vượt quá 8 tỷ người, người ta lo ngại nguồn tài nguyên của hành tinh có thể gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu lương thực của con người.

Theo ước tính của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc, sản xuất nông nghiệp trên toàn thế giới sẽ phải tăng 70%.

Chuyển sang các loại protein thân thiện với môi trường - chẳng hạn côn trùng - có thể trở thành điều cần thiết.

Cho đến nay, khả năng sản xuất và thương mại hóa thức ăn côn trùng còn hạn chế. Với sự chấp thuận của EU, ngành này được kỳ vọng sẽ phát triển và giá sẽ giảm đáng kể.

Ivan kể lại ông đã nhận được nhiều yêu cầu về sản phẩm của mình từ các nhà hàng và siêu thị.

"Tác động đến môi trường gần như bằng không. Chúng tôi là một mảnh ghép có thể cứu lấy hành tinh này", ông nói.

Minh An

Nguồn Znews: https://znews.vn/nhung-con-de-bi-cam-ghet-dang-tien-vao-thuc-don-nha-hang-o-italy-post1453891.html