Những cơ hội và thách thức trong nền kinh tế số châu Á

Nền kinh tế số châu Á đang trên đà bùng nổ, mang đến tiềm năng to lớn cho tăng trưởng và thịnh vượng. Tuy nhiên, để tận dụng tối đa tiềm năng này, các quốc gia châu Á cần có định hướng chiến lược rõ ràng để giải quyết những thách thức đi kèm.

Ảnh minh họa.

Cuộc cách mạng kỹ thuật số đang lan rộng khắp châu Á, định hình lại nền kinh tế, xã hội và thói quen sinh hoạt hàng ngày của hàng triệu người, báo hiệu một kỷ nguyên mới của chuyển đổi công nghệ. Hơn nữa, nền kinh tế số đang thúc đẩy những thay đổi và cải thiện ở nhiều khu vực, đặc biệt là ở các quốc gia có đầu tư nhất quán vào tiến bộ kỹ thuật số, chẳng hạn như Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ.

Nền kinh tế số của một quốc gia được tạo thành từ một số ngành, bao gồm thương mại điện tử, công nghệ tài chính, truyền thông kỹ thuật số và phát triển phần mềm. Các ngành này đã trở thành yếu tố thiết yếu trong tăng trưởng kinh tế của châu Á, mang lại những cơ hội mới cho người lao động, doanh nghiệp và những nhà đổi mới sáng tạo.

Các cơ hội tăng trưởng của nền kinh tế số châu Á

Theo Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), nền kinh tế số bao gồm các sản phẩm và ngành công nghiệp kỹ thuật số đóng góp vào Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của một quốc gia và bao gồm nhiều hoạt động kinh tế khác nhau.

Một nghiên cứu của Đại học Khoa học xã hội Singapore (SUSS) cho rằng, lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) cần sự kết hợp của phần cứng, phần mềm, tư vấn CNTT và dịch vụ viễn thông để đảm bảo thành công của nền kinh tế số. Ngoài ra, quá trình chuyển đổi số cần chú ý đến cả khía cạnh xã hội và công nghệ.

Một trong những mục tiêu chính của việc mở rộng nền kinh tế số ở châu Á là thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số và đảm bảo rằng, tất cả các tầng lớp xã hội đều có thể hưởng lợi từ cuộc cách mạng số. Điều này liên quan đến việc tăng cường khả năng cung cấp kết nối internet với giá cả phải chăng và dễ tiếp cận, khuyến khích phát triển kỹ năng số và đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số ở các vùng xa xôi và chưa được phục vụ đầy đủ.

Theo báo cáo thường niên e-Conomy SEA 2023 do Google, Temasek và Bain & Company công bố, các doanh nghiệp kỹ thuật số đã chuyển trọng tâm sang kiếm tiền để đạt được mục tiêu của mình. Vào năm 2023, nền kinh tế số khu vực Đông Nam Á đã đạt doanh thu 100 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 27% kể từ năm 2021 và dự kiến sẽ đạt 300 tỷ USD vào năm 2025.

Việc áp dụng rộng rãi các dịch vụ tài chính kỹ thuật số (DFS) đã đóng góp đáng kể vào sự phát triển của nền kinh tế số, chiếm hơn một nửa tổng số giao dịch. Hơn nữa, sự thay đổi này không chỉ cho thấy sở thích của người tiêu dùng đang không ngừng thay đổi mà còn đại diện cho một cơ hội quan trọng để các doanh nghiệp tạo ra lợi nhuận trong lĩnh vực công nghệ tài chính đang phát triển.

Các doanh nghiệp trực tuyến và nền tảng thương mại điện tử cũng đang đóng góp vào nền kinh tế số trong khu vực. Các nền tảng thương mại điện tử đang tập trung vào việc thu hút khách hàng trung thành có giá trị và mở rộng nguồn thu, với ước tính tổng giá trị giao dịch (GMV) đạt 186 tỷ USD vào năm 2025.

Trong khi đó, ngành cho vay trực tuyến đang phát triển, được hỗ trợ bởi các hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ thiếu dịch vụ tài chính, đang trở thành một nguồn thu đáng kể trong lĩnh vực dịch vụ tài chính. Ngành du lịch và vận tải ở Đông Nam Á cũng đóng góp vào sự tăng trưởng này, với du lịch trực tuyến của Thái Lan chứng kiến mức tăng 85% trong năm 2023 so với năm trước đó.

Các quốc gia trong khu vực thúc đẩy phát triển kinh tế số như thế nào?

Nền kinh tế số đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế ở khu vực châu Á. Các quốc gia trong khu vực đang triển khai nhiều sáng kiến sáng tạo nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số.

Chẳng hạn như tại Ấn Độ, chính phủ đã triển khai sáng kiến “Digital India” để đẩy nhanh việc tích hợp công nghệ số và giảm thiểu bất bình đẳng giữa các vùng thành thị và nông thôn.

Digital India là một sáng kiến do Chính phủ Ấn Độ khởi động vào năm 2015 với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số và đảm bảo rằng, tất cả người dân Ấn Độ đều có thể tiếp cận các dịch vụ kỹ thuật số. Sáng kiến này bao gồm một loạt các chương trình và dự án nhằm cải thiện kết nối internet, thúc đẩy việc sử dụng các dịch vụ kỹ thuật số, phát triển các kỹ năng kỹ thuật số và đổi mới trong lĩnh vực công nghệ.

Sáng kiến này đã mang lại những tiến bộ đáng kể, giúp hàng triệu người lần đầu tiên được tiếp cận internet và các dịch vụ kỹ thuật số đồng thời giúp cải thiện đời sống của hàng triệu người dân Ấn Độ và góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế Ấn Độ.

Tại Trung Quốc, sáng kiến “Made in China 2025” là một chiến lược công nghiệp do chính phủ Trung Quốc đề xuất vào năm 2015 với mục tiêu nâng cao năng lực sản xuất của Trung Quốc và biến nước này thành cường quốc công nghệ cao vào năm 2025. Sáng kiến này tập trung vào 10 ngành công nghiệp then chốt, bao gồm: rô-bốt, máy móc gia công chính xác, thiết bị điện tử, vật liệu tiên tiến, xe điện, dược phẩm y tế, hàng không vũ trụ, hải quân, công nghệ thông tin thế hệ tiếp theo và hệ thống máy móc thông minh.

Sáng kiến “Made in China 2025” được xem là một bước ngoặt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của Trung Quốc. Sáng kiến này nhằm mục đích nâng cao năng lực sản xuất của Trung Quốc, giảm thiểu sự phụ thuộc của Trung Quốc vào nhập khẩu, khuyến khích đổi mới và nâng cao vị thế của Trung Quốc trên trường quốc tế.

Sáng kiến này của Chính phủ Trung Quốc đã có tác động đáng kể đến nền kinh tế Trung Quốc, theo đó nó đã giúp thúc đẩy đầu tư vào các ngành công nghiệp then chốt, thúc đẩy đổi mới và giúp Trung Quốc trở thành nhà sản xuất các sản phẩm công nghệ cao lớn nhất thế giới.

Trong khi đó, Chính phủ Singapore lại đưa ra sáng kiến “Smart Nation” là một chiến lược do Chính phủ Singapore đề xuất vào năm 2014 nhằm biến Singapore thành một quốc gia thông minh, nơi công nghệ được sử dụng để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và cải thiện hiệu quả hoạt động của chính phủ.

Sáng kiến này bao gồm nhiều dự án khác nhau, tập trung vào ba lĩnh vực chính là nền kinh tế thông minh, chính phủ thông minh và xã hội thông minh.

Sáng kiến Smart Nation đã đạt được những tiến bộ đáng kể kể từ khi được ra mắt. Singapore hiện được công nhận là một trong những quốc gia thông minh nhất trên thế giới. Sáng kiến này đã giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân Singapore, thúc đẩy đổi mới và tăng cường khả năng cạnh tranh kinh tế của đất nước.

Những thách thức kỹ thuật số ở khu vực châu Á

Mặc dù đã có những tiến bộ đáng kể trong quá trình số hóa tại các quốc gia trong khu vực nhưng khoảng cách kỹ thuật số vẫn là một mối đe dọa đối với tiềm năng phát triển kỹ thuật số ở khu vực châu Á.

Việc tiếp cận công nghệ tiên tiến phân bố không đồng đều giữa các quốc gia và bên trong mỗi quốc gia, tạo ra những trở ngại đáng kể cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) trong nỗ lực áp dụng những công nghệ này. Khoảng cách này càng trầm trọng hơn do thiếu hụt nhân lực có kỹ năng về công nghệ số, cũng như khuôn khổ pháp lý không đầy đủ.

Sự tồn tại của sự bất bình đẳng kỹ thuật số không chỉ cản trở tiến bộ kinh tế mà còn hạn chế sự phát triển năng lực cá nhân, thể hiện qua tỷ lệ truy cập Internet thấp ở các quốc gia như Indonesia. Ở Bangladesh, việc triển khai Internet giá rẻ bị cản trở bởi tốc độ kết nối chậm, điều này ngăn cản sự phát triển toàn diện của các cơ hội kỹ thuật số.

Ngoài ra, luôn có mối lo ngại về quyền riêng tư dữ liệu và an ninh mạng do số lượng các mối đe dọa an ninh mạng ngày càng tăng song song với những cải tiến về công nghệ. Việc rò rỉ dữ liệu và tấn công mạng nhấn mạnh đến nhu cầu cấp thiết về các biện pháp an ninh mạng mạnh mẽ và sự hợp tác giữa các quốc gia châu Á.

Để tận dụng đầy đủ khả năng của kỷ nguyên số, các quốc gia châu Á cần thiết lập một kế hoạch chiến lược cho các nỗ lực hợp tác, chẳng hạn như khung chính sách dữ liệu tích hợp, cùng với các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và nguồn nhân lực để làm nền tảng cho sự phát triển kinh tế số bền vững.

Phan Văn Hòa (Theo Telecomreviewasia)

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/nhung-co-hoi-va-thach-thuc-trong-nen-kinh-te-so-chau-a-post288232.html