Những cô gái Nhật Bản cõng bia đi bán trên sân bóng chày

Những cô gái trẻ làm 'uriko' sẽ phải cõng trên vai thùng bia nặng 15 kg suốt 3 tiếng, chạy khắp khán đài để phục vụ khán giả đang xem thể thao.

 Những cô gái cõng thùng bia trên vai để phục vụ khán giả xem bóng chày. Ảnh: Two Second Street.

Những cô gái cõng thùng bia trên vai để phục vụ khán giả xem bóng chày. Ảnh: Two Second Street.

Giữa tiếng hô vang của hàng nghìn khán giả ở Tokyo Dome - sân nhà của đội bóng chày nổi tiếng nhất Nhật Bản Yomiuri Giants - một "đội quân" hơn 100 cô gái với thùng bia nặng 15-17 kg trên lưng đang chuẩn bị vào ca làm việc.

Họ là "uriko", những người làm nghề bán bia trên sân thể thao, với đồng phục dạ quang, quần đùi hoặc chân váy ngắn, Japan Today đưa tin.

Vất vả

Rất dễ nhận ra các "uriko" trong trang phục sặc sỡ, cài hoa trên mái tóc bên dưới chiếc mũ lưỡi trai. Một số người đeo miếng đệm đầu gối vì phải quỳ lúc rót bia để tránh cản trở tầm nhìn của khán giả.

Khi bán hết, các cô gái sẽ thay thùng bia với tốc độ nhanh nhất. Mỗi đêm, một "uriko" làm việc năng suất có thể đổi thùng 10-12 lần.

Trong một trận đấu vào buổi đêm tại Tokyo Dome, nhóm này có thể bán ra hơn 20.000 ly bia.

 "Uriko" là nghề vất vả, đòi hỏi thể lực và tính kiên nhẫn. Ảnh: Rich Freeman.

"Uriko" là nghề vất vả, đòi hỏi thể lực và tính kiên nhẫn. Ảnh: Rich Freeman.

Mariko Matsumoto, một "uriko", cho biết cô thường xây dựng quan hệ thân thiết với khách hàng quen. Mối quan tâm chính của cô là doanh số bán hàng chứ không phải công việc này vất vả ra sao.

"Tôi chú ý đến số lượng bán được của những cô gái khác và cũng nghĩ đến con số của chính mình. Tôi thường cố gắng để bán được nhiều ly hơn ngày hôm trước".

Honoka Hagiwara, một "uriko" đã cõng trên lưng thùng bia nặng 15 kg trong 3 giờ, thừa nhận thời gian đầu sẽ rất khó khăn khi cô phải làm quen với những cơn đau cơ bắp vì công việc mang vác và đi lại liên tục khá nặng nhọc.

"Tôi mới làm việc này được hơn một năm và giờ đã quen với nó hơn", cô nói.

Lương của các "uriko" dựa trên hoa hồng, nghĩa là bán càng nhiều bia càng có nhiều tiền. Nhưng với Hagiwara, không để khách hàng phải chờ đợi là ưu tiên hàng đầu của cô.

"Phải đi nhanh nhất có thể, miệng luôn tươi cười, cố gắng không cản trở việc khách hàng xem trận đấu nhưng cũng phải để họ có ấn tượng tốt về mình", cô mô tả.

Hagiwara cho rằng đàn ông cũng nên thử công việc này. Tuy nhiên, không phải ai cũng thoải mái với ý tưởng nam giới bán bia.

Tất cả "uriko" làm việc ở đây đều là phụ nữ, dù Tokyo Dome khẳng định công việc này dành cho bất kỳ ai, không riêng giới tính nào.

 Các "uriko" luôn niềm nở để thu hút khách hàng. Ảnh: Japantrends.

Các "uriko" luôn niềm nở để thu hút khách hàng. Ảnh: Japantrends.

"Một người đàn ông bán bia ở sân vận động sao? Tôi chưa bao giờ nghĩ về điều đó", Sachiko Shibuya (64 tuổi) đang xem trận đấu cùng bạn mình, nói với Japan Today.

Còn Yoshie Eki (59 tuổi) cho biết bà không bận tâm ai là người phục vụ đồ uống. "Nếu đến sân bóng chày, tôi sẽ mua bia, điều đó giúp tâm trạng tôi phấn chấn hơn".

Ở chiều ngược lại, không phải cô gái nào cũng có trải nghiệm tích cực với nghề này. Một cựu "uriko" từng miêu tả công việc này "đáng sợ" trên tờ Asahi Shimbun.

"Tôi dần nhận ra đang không chỉ bán bia và đồ ăn nhẹ, mà bán cả chính mình", cô nói, kể về việc khách hàng yêu cầu chụp ảnh và đưa danh thiếp có số liên lạc của họ.

Ở Nhật Bản, phong trào #Metoo phát triển đã thách thức nhiều tiêu chuẩn công việc của phụ nữ, như giày cao gót hay truyền thống yêu cầu họ phục vụ trà nước cho đồng nghiệp. Tuy nhiên, "uriko" vẫn là một nghề được số đông yêu thích, dù vẫn gây ra tranh cãi.

Đinh Phạm

Nguồn Znews: https://lifestyle.zingnews.vn/nhung-co-gai-nhat-ban-cong-bia-di-ban-tren-san-bong-chay-post1441995.html