Những chuyến xe mang sứ mệnh 'Nghĩa đồng bào!' (kỳ cuối)

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế đến đón bà con và động viên các anh chị em làm nhiệm vụ lấy mẫu. Ảnh: TRẦN QUỚI

Bài cuối: Ấm áp tình quê hương

Quốc lộ 1, ngày bình thường là triệu triệu lượt người và phương tiện lưu thông. COVID đến như giặc đến. Con đường thiên lý vắng lặng, không còn xe nhỏ xe to, rầm rập. Có những ngày, những đoàn xe máy lỉnh kỉnh, đoàn người lam lũ, đùm túm về quê như một cuộc “di dân” vô tiền khoáng hậu. Ngày đi đêm nghỉ, màn trời chiếu đất, nheo nhóc con thơ. Cũng không ít trường hợp dở khóc dở cười, giữa ngã ba đường mà không biết về đâu… Trong hoàn cảnh đó, càng thấm hơn hai tiếng quê hương và nghĩa đồng bào!

Trong lúc khó khăn, nguy nan nhất, những người con xa quê mừng đến rơi nước mắt khi quê nhà dang rộng vòng tay yêu thương, như người mẹ đón con vào lòng chở che, cùng vượt qua sóng gió…

Đêm trước của quyết định đón đồng bào

Không ít người lo lắng, thậm chí phản ứng: Dịch ở địa phương đang lo chưa nổi, lại đón thêm người về từ vùng dịch. Lo sao nổi, gánh sao nổi? Chẳng mấy chốc mà toang!

Y tế là vấn đề đáng lo ngại nhất khi máy móc phục vụ xét nghiệm, điều trị COVID-19 còn quá thiếu thốn; nhân lực vừa thiếu vừa yếu, đang còn phải “học việc” từ các tổ công tác từ tuyến Trung ương về tăng cường. Mỗi ngày mẫu tồn chưa trả kết quả kịp cứ nối đuôi (thời điểm tháng 7). Số ca mắc đã vượt lên bốn chữ số, điều mà dù đã chuẩn bị tâm lý nhưng vẫn không khỏi hoang mang bởi sức lây lan quá nhanh của dịch bệnh. Thêm lượng người từ TP Hồ Chí Minh về sẽ rất khó trong thời điểm hiện tại.

Nhưng điều đó sao khó khăn bằng Sài Gòn mỗi ngày ghi nhận vài ba nghìn ca nhiễm? Sài Gòn không còn đủ sức cưu mang tất cả đồng bào như sự hào hiệp thường ngày…

Không biết đã có bao nhiêu cuộc họp đêm hôm, phân tích đủ điều lợi hại. Tỉnh Phú Yên quyết định đón đồng bào mình về quê tránh dịch vừa để “chia lửa” cùng TP Hồ Chí Minh trong lúc căng mình chống dịch, vừa là trách nhiệm của chính quyền chăm lo người dân và hơn hết là tính nhân văn, là nghĩa đồng bào. “Việc hỗ trợ người dân quê hương Phú Yên, dù ở bất kỳ đâu trên đất nước, sinh sống và làm việc là trách nhiệm của các cấp ủy đảng và chính quyền tỉnh. Đặc biệt, trong thời gian này, khi TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đang triển khai nhiều biện pháp thắt chặt để chống dịch thì việc hỗ trợ bà con Phú Yên ở khu vực này được chúng tôi đặc biệt quan tâm”, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Đại Dương phát biểu.

Ngày 23/7, UBND tỉnh chính thức ban hành kế hoạch đón bà con ở TP Hồ Chí Minh về quê tránh dịch.

Ngày 28/7, chuyến xe đầu tiên đón đồng bào trở về quê hương trong niềm rưng rưng xúc động!

Một người về, cả cộng đồng lo

Đón được một đoàn người về quê trong kế hoạch phải cần hàng trăm người làm việc để đảm bảo công tác thông tin, tiếp nhận đăng ký, lập danh sách, tổ chức các chuyến xe, test nhanh, lấy mẫu xét nghiệm, phục vụ hậu cần, đón về địa phương… Sở LĐ-TB-XH chủ trì cùng Sở GT-VT, Y tế phối hợp huy động lực lượng các sở ngành: TT-TT, VH-TT-DL,Tỉnh đoàn, Công an cùng tham gia. Các địa phương cấp huyện, cấp xã bố trí lực lượng và kế hoạch để sẵn sàng đón người về quê, cách ly an toàn…

Một tổ chức xã hội và một doanh nghiệp tham gia chương trình đón đồng bào về quê tránh dịch một cách tận tâm, tận lực chính là Hội Đồng hương Phú Yên tại TP Hồ Chí Minh và Công ty CP Xe khách Phương Trang Futa buslines (Công ty Xe Phương Trang)…

GS.TS Trình Quang Phú, Chủ tịch Hội Đồng hương Phú Yên tại TP Hồ Chí Minh, nhận trách nhiệm ủy thác của tỉnh với nhiều cảm xúc: mừng, lo khó tả. “Mừng là vì bà con khó khăn được đón về quê, không phải cơ nhỡ, nguy cơ lây bệnh rất cao. Mừng vì tỉnh có quyết định nhân nghĩa, nhân văn. Nhưng cũng rất lo lắng, trong bối cảnh dịch bệnh, giãn cách vô cùng khó khăn, làm thế nào để đảm bảo an toàn nhất…”, GS Phú chia sẻ.

Hội Đồng hương triệu tập ngay cuộc họp online để phác thảo, triển khai công việc. Ai cũng nhất trí, đồng lòng, hết sức vì đồng bào quê hương. Năm nay đã ngoài 80, nhưng GS Trình Quang Phú vẫn trực tiếp chỉ đạo công việc. Trong từng đợt đưa bà con về quê, ông và phu nhân phơ phơ dáng lão trực tiếp ra tận bến xe để xử lý những việc khó, động viên anh em, bà con.

Các anh em hội đồng hương được phân thành 3 bộ phận: thu thập thông tin, dữ liệu bà con đăng ký về, lập danh sách, sàng lọc đối tượng ưu tiên; bộ phận trực tiếp điều phối tại Bến xe Miền Đông và bộ phận hậu cần, lo vận động và phân phối suất ăn, nước uống hỗ trợ bà con. Trưởng từng bộ phận là 3 ủy viên ban thường vụ hội, trẻ, khỏe nhất: Thẩm Văn Hương, Nguyễn Tấn Hoàng Cương và Đào Hồng Việt. Mỗi bộ phận có 3-5 người, chia nhau công việc, chạy tít mù.

Các anh chị em hầu như gác lại hết công việc riêng ở công ty, gia đình để lo cho bà con về quê. Những ngày đầu đăng ký, mỗi người nhận gần 500 cuộc gọi/ngày, các anh phải nhiều đêm thức trắng để xử lý dữ liệu, xét duyệt, lên danh sách... Bộ phận điều phối tại bến xe và hậu cần thì chạy mướt mồ hôi trong bộ đồ bảo hộ để lo việc gọi tên, kiểm tra các thủ tục và đặc biệt là phải test nhanh từng người trước khi lên xe (hai đợt đầu tiên); rồi lo từng phần ăn, nước uống cho bà con lên xe…

Công ty Xe Phương Trang (TP Hồ Chí Minh, có chi nhánh tại Phú Yên) là đơn vị đầu tiên và duy nhất hưởng ứng lời kêu gọi của tỉnh trong việc hỗ trợ đón bà con ở Sài Gòn về quê tránh dịch với điều kiện là: vô điều kiện, hoàn toàn miễn phí, số đầu xe từ 20 chiếc, thậm chí nhiều hơn, đáp ứng yêu cầu của tỉnh.

Ông Nguyễn Đình Hậu, Giám đốc Chi nhánh nhà xe Phương Trang tại Phú Yên, nói: “Khi có chủ trương của Chính phủ, thành phố, Ban lãnh đạo Tập đoàn Phương Trang đã lên kế hoạch điều xe khẩn cấp với 5.000 chuyến, vận chuyển miễn phí cho bà con các tỉnh về quê tránh dịch. Riêng với Phú Yên, tỉnh khó khăn lại là vùng trọng điểm dịch, nhưng lãnh đạo tỉnh đã quyết tâm đưa bà con về quê, nên xe Phương Trang sẵn sàng hỗ trợ theo yêu cầu thực tế và vô điều kiện”.

Không chỉ vậy, Công ty Xe Phương Trang còn dành kinh phí hỗ trợ tỉnh Phú Yên nhiều thiết bị vật tư y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, với 5.000 bộ test kháng nguyên tiêu chuẩn, 50 máy tạo ô xy. Dịch bệnh kéo dài, các doanh nghiệp vận tải dừng hoạt động, mất doanh thu, hành động chung tay góp sức của Công ty Xe Phương Trang hỗ trợ Phú Yên trong phòng chống dịch là vô cùng trân quý.

Hình ảnh đoàn xe khách màu đỏ Phương Trang - Futa buslines nối dài rời đi trên đường phố Tuy Hòa buổi chiều muộn và tập kết về sân vận động Tuy Hòa sáng sớm cách ngày hôm sau có xe cảnh sát dẫn đường đã trở thành hình ảnh đẹp, nhân nghĩa trong lòng người dân Phú Yên…

Nhiều tháng qua, người dân làm thuê ở TP Hồ Chí Minh mất việc làm, không có thu nhập, việc ăn ở rất khó khăn. Chúng ta phải thấy và hiểu hoàn cảnh của người dân chúng ta như vậy. Nếu chúng ta không chủ động kế hoạch đón thì người dân bằng mọi cách về quê tự phát, ồ ạt, lúc đó không thể quản lý được làn sóng dịch lây lan từ đây. Đón người dân về quê trước hết là nghĩa vụ, là trách nhiệm chính trị, đồng thời chia sẻ áp lực với TP Hồ Chí Minh, là nghĩa đồng bào trong lúc khó khăn.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế, Trưởng Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh

Được trở về nhà giữa lúc dịch bủa vây ở Sài Gòn có lẽ là hạnh phúc lớn lao nhất của tôi. Còn nhiều người dân tha hương giữa vùng dịch chưa biết về đâu. Biết bao lời muốn nói để cảm ơn tỉnh nhà đã có quyết định nhân văn, sự chung tay hào hiệp của nhiều người để có những chuyến xe yêu thương. Tôi và cả những người về quê trên những chuyến xe hạnh phúc này, xin tự hứa sẽ thực hiện nghiêm túc các quy định cách ly, phòng chống dịch để an toàn cho cộng đồng, không phụ tình cảm quê hương.

Anh Lê Quang Công ở xã Hòa Bình 1, huyện Tây Hòa

TRẦN QUỚI

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/89/262637/nhung-chuyen-xe-mang-su-menh--nghia-dong-bao---ky-cuoi.html