Những chuyến xe mang sứ mệnh 'Nghĩa đồng bào!'

Em Nguyễn Thị Bé Y bị bệnh bại não cùng cha mẹ về quê trên chuyến xe yêu thương. Ảnh: TRẦN QUỚI

Dịch tràn đến thành phố lớn nhất nước, mà ngày thường dung nạp vài triệu người dân khắp các tỉnh thành, ngấp nghé lấy đi hơi thở, tính mạng. Về quê hay ở lại, khi các phương tiện vận tải đã dừng hoạt động từ lâu, ngay ngoài cửa “dây y tế, chốt kiểm tra” đang giăng kín lối.

Cho đến lúc này, Phú Yên là tỉnh đón đồng bào ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam về quê tránh dịch một cách kiên trì, bền bỉ, có kế hoạch bài bản. Quan điểm, chủ trương được thống nhất từ Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự đồng thuận của cả xã hội. Đón người dân quê trở về nhà tránh dịch là trách nhiệm, nghĩa vụ của chính quyền, cũng là “chia lửa” với TP Hồ Chí Minh trong công tác phòng, chống dịch… và hơn hết là tính nhân văn, “nghĩa đồng bào”! Những chuyến xe yêu thương đã dệt nên những câu chuyện cổ tích với nhiều cảnh đời trong thời buổi COVID-19.

Bài 1: Hành trình về quê của những người con xa xứ

Dịch ập đến với TP Hồ Chí Minh khiến nhiều người không trở tay kịp cho cuộc sống giãn cách kéo dài hàng tháng trời. Những người dân ở các tỉnh về tạm cư, làm thuê, làm mướn càng khó khăn. Đứt bữa, chờ cơm từ thiện, ước mơ về quê trở nên xa xỉ với họ trong thời buổi dịch COVID-19 bao vây trong “lồng giãn cách”… Phú Yên có trên cả chục nghìn người lâm vào cảnh khó khăn như vậy, mong muốn về quê tránh dịch.

Cụ ông Lê Sỹ (71 tuổi), quê TX Đông Hòa đang nghĩ đến việc đạp chiếc xe cà tàng, phương tiện ông dùng rong ruổi bán vé số hàng ngày để vượt 500km về nhà, thì thật may ông nghe được tỉnh Phú Yên có chương trình đón người về quê bằng xe giường nằm. Ông Sỹ lọ mọ đăng ký và được chấp nhận trong chuyến xe đầu tiên đón người về quê vào ngày 28/7. Như một giấc mơ giữa cơn bí bách của dịch COVID-19, ông Sỹ thở phào, nhẩm tính nếu đi xe đạp, mỗi ngày sức già cố gắng thì cũng được 200 cây số. 3 ngày mới về được nhà, đó là chưa kể những rủi ro, bất trắc dọc đường.

Chuyện nhà ông An, bé Y

Câu chuyện ông lão 70 tuổi dự định đạp xe vượt 500km về quê đã gây xúc động cho cả cộng đồng. Nhưng cuộc sống người xa quê làm thuê ở TP Hồ Chí Minh giữa những ngày COVID-19 bủa vây còn bao cảnh đời khó khăn, ở lại cũng không xong, mà về chỉ có nước… đi bộ!

Vợ chồng ông An quê xã An Chấn (huyện Tuy An), vào TP Hồ Chí Minh bán vé số cách đây hơn 5 năm. Hai vợ chồng ông đùm túm cả đứa con gái Nguyễn Thị Bé Y (SN 2002) không may bị bệnh bại não lúc mới được một tuổi. Khi dịch chưa bùng phát, mỗi ngày ông An và bà Yến thay phiên nhau người đi bán vé số, người ở nhà lo cho con gái. Mỗi ngày thu nhập tốt nhất chừng 300.000 đồng, cũng tạm đủ gói ghém cuộc sống và thuốc thang cho con. Dịch đến, số dừng xổ, vé dừng bán. Nhưng con vẫn phải cần uống thuốc; cuộc sống chi tiêu đắt đỏ, thắt ngặt. Hơn một tháng, vợ chồng ông An bà Yến ngồi bó gối nhìn con, mà ngơ ngẩn, thở dài trong nước mắt.

Chung nhà trọ vợ chồng ông An, còn có hai mẹ con chị Gái, ở cùng xã An Chấn cũng bán vé số. Cả tháng rồi những người nghèo bán vé số như ông An, bà Gái phải sống nhờ những bữa cơm từ thiện qua ngày. Cơm từ thiện ngày có ngày không, có khi hai ba ngày không thấy, nghe có cơm từ thiện, chạy vội ra điểm chốt phong tỏa thì đã hết, đành quay về. “Về quê bữa đói bữa no, còn bà con hàng xóm, có rau có củ qua ngày. Phố phường vắng tanh, không đi làm, tiền không có, chết đói trước khi chết vì COVID”, bà Yến chặc lưỡi.

Xài điện thoại “cùi bắp” nên chẳng biết cách nào để lên mạng đăng ký theo chương trình của tỉnh đón bà con về quê. Nghe loáng thoáng, ông An hỏi thăm đi test nhanh cho mình, cho vợ, giữ cẩn thận giấy xét nghiệm âm tính. Sáng sớm, hai gia đình đùm túm, đỡ đứa con gái bại não lên xe lăn, đi bộ ra Bến xe Miền Đông, cầu may có xe xin theo về.

Hai gia đình khốn khổ ấy đã may mắn được về trên chuyến xe đợt thứ 4 của tỉnh vào ngày 4/8.

Bà con về quê được lấy mẫu xét nghiệm khẳng định PCR. Ảnh TRẦN QUỚI

Cảnh đời chị Thảo

Vợ chồng anh Nguyễn Hữu Phúc, chị Nguyễn Thị Thảo (thôn Ngọc Phước, xã Bình Ngọc, TP Tuy Hòa) cũng trải qua hành trình trở về quê cạn khô nước mắt.

Giữa tháng 5 vừa rồi, hai vợ chồng quyết định đưa con gái vào TP Hồ Chí Minh thuê nhà ở trọ và đi làm thuê kiếm tiền chữa căn bệnh thiếu máu mãn tính bẩm sinh cho con (năm học này lên lớp 4) và kiếm tiền mua sách vở, quần áo chuẩn bị năm học mới. Chị Thảo xin phụ quán cơm, anh Phúc đi phụ hồ, ai thuê gì làm nấy. Làm chưa được bao lâu thì dịch ập đến. Cả nhà ăn thâm vào những đồng tiền ít ỏi dự phòng mang theo. “Nghe lóng” được chương trình đón người dân về quê, anh Phúc chị Thảo xin chủ nhà cho nợ tiền trọ, cả nhà thức dậy từ 4 giờ sáng, dắt díu nhau, hỏi thăm đường, cuốc bộ từ quận 8 đến Bến xe Miền Đông đã 3 giờ chiều, bụng đói lả. “Chủ nhà trọ thương tình cho nợ, mình hứa về quê làm ăn được mai mốt đưa con vào khám bệnh sẽ trả. Trong túi còn đúng 20.000 đồng, mua hai ổ bánh mì không, hỏi thăm đường, đi bộ gần 10 tiếng đồng hồ mới đến bến xe”, chị Thảo xúc động.

Vì không đăng ký trước, không có giấy xét nghiệm âm tính, nên hai vợ chồng không đủ điều kiện lên xe. Trở lại nhà trọ cũng không được, về quê cũng không xong. Giữa ngã ba đường mà không có lối, hai vợ chồng bật khóc!

GS-TS Trình Quang Phú, Chủ tịch Hội Đồng hương (HĐH) Phú Yên tại TP Hồ Chí Minh đích thân gọi điện xin ban tổ chức cơ chế bổ sung, hỗ trợ xét nghiệm tại chỗ, kết quả âm tính, ông Phú hỗ trợ hai vợ chồng anh Phúc 1 triệu đồng để phòng thân trước lúc lên xe.

Nước mắt của người cha trẻ

Vợ chồng anh Huỳnh Văn Cường - chị Lê Thị Ngọc Trâm (khu phố Phước Lương, phường Hòa Xuân Tây, TX Đông Hòa) dự tính ráng làm thêm tháng nữa, để kiếm ít tiền rồi về quê sinh nở. Anh Cường đi làm thợ hồ còn chị Trâm làm công nhân may. Dịch COVID-19 ập đến, bụng mang dạ chửa, vợ chồng trẻ vô cùng lo lắng. Không lo sao được khi chị Trâm lại mang song thai.

Niềm vui vỡ òa khi nghe tin có chuyến xe yêu thương của tỉnh tổ chức. Anh Cường đăng ký và vợ anh được đưa vào diện ưu tiên trong cả chục nghìn người đăng ký về quê tránh dịch.

Trong chuyến xe ngày 7/8, vừa đến sân vận động Tuy Hòa lấy mẫu xét nghiệm, trở về điểm cách ly tập trung chờ kết quả xét nghiệm thì chị Trâm trở dạ. Ngày dự sinh còn hai tháng nữa, nhưng có lẽ công việc nặng nhọc, lại thêm phần lo lắng đã ảnh hưởng đến thai kỳ. Ông Lê Vĩnh Thái, Trưởng Phòng LĐ-TB-XH TX Đông Hòa lập tức điều động tổ cấp cứu đưa sản phụ đến Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên. Vừa vào bệnh viện, chị Trâm đã sinh. Song thai nhưng các bác sĩ chỉ nỗ lực giữ được một, phải chăm sóc chế độ đặc biệt trong lồng kính.

Niềm vui chẳng được tày gang. Người cha trẻ chưa kịp về nhà đã đưa vợ vào bệnh viện và anh Cường đã khóc lặng vào trong. Anh khóc vì nỗi đau mất mát. Anh khóc vì sự phước phần, may mắn, cũng còn vợ, còn con…

* * *

Anh Thẩm Văn Hương, HĐH Phú Yên tại TP Hồ Chí Minh, người tham gia từ đầu kế hoạch đón bà con về quê tránh dịch, xúc động nói: “Mấy tháng giãn cách xã hội, những người lao động tự do không có nhà ở, khiến cuộc sống vô cùng khó khăn. Các trường hợp đăng ký về quê trên “chuyến xe yêu thương” hoàn cảnh rất khó khăn. Nhiều người không có tiền định đi xe đạp, thậm chí cuốc bộ về quê. Có nhiều cô chú không còn tiền trọ phải ở gầm cầu qua ngày, người đang khám chữa bệnh bị kẹt nhiều tháng không còn đồng tiền dính túi, phụ nữ mang thai, nhiều em sinh viên sống mấy tháng bằng mì gói…”.

Về được nhà trong lúc này với những người con tha hương là một niềm hạnh phúc lớn lao. Quê hương dang rộng vòng tay đón những đứa con trở về là “nghĩa đồng bào”. Ai cũng có một quê hương, một gia đình để chia sẻ những vui vẻ, hạnh phúc hay quay về nương tựa khi hoạn nạn, khổ đau. Bất chợt bài hát Về quê (cố nhạc sĩ Phó Đức Phương) ùa về, đau đáu “thiếu quê hương, ta về, ta về đâu… một chiều bưng bát cơm quê, rưng rưng ta hát, giọng quê dãi dầu”.

Bài cuối:Ấm áp tình quê hương

“Hội Đồng hương Phú Yên tại TP Hồ Chí Minh nhận nhiệm vụ tỉnh giao là tiếp nhận và tổ chức điều phối đưa người dân về quê với tâm thế của người anh em trong đại gia đình quê hương Phú Yên. Hội đã vận động để có bữa ăn tối, ăn sáng cho tất cả những người về quê, mỗi chuyến trên dưới 500 người. Tất cả vì bà con nghèo khó, mọi người sẵn sàng đóng góp bằng chữ “tình” trọn vẹn với quê hương. Vì thế, bao khó khăn anh em cũng nỗ lực vượt qua, để đưa đồng bào mình về quê tránh dịch. Mỗi chuyến xe chở bao hoàn cảnh vô cùng đáng thương trong cơn dịch bệnh nơi đất khách quê người…

GS-TS Trình Quang Phú, Chủ tịch HĐH Phú Yên tại TP Hồ Chí Minh

TRẦN QUỚI

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/89/262577/nhung-chuyen-xe-mang-su-menh--nghia-dong-bao-.html