Những chuyến tàu chở niềm vui sum họp

Hơn 22h, chuyến tàu cuối cùng của năm cũ mới lăn bánh. Nhưng cách đó chừng 2-3 tiếng, những người lái tàu nhận nhiệm vụ đi chuyến giao thừa đã phải có mặt tại ga để hoàn thiện các quy trình kiểm tra trước khi chính thức lên khoang lái.

Thời khắc này, nhà nhà đang quây quần bên mâm cơm tất niên, cùng nhau chờ đón phút giây giao thừa. Những người lái tàu tạm biệt gia đình để lên đường với nhiệm vụ quan trọng: Đưa tàu về ga an toàn, đưa hàng trăm gia đình về quê sum họp đón năm mới bình an…

Đón giao thừa cùng hành khách

Xí nghiệp đầu máy Hà Nội có hơn 200 lái, phụ tàu, thế nhưng vào dịp cao điểm phục vụ Tết là mọi hoạt động nghỉ phép đều bị đình lại, trừ trường hợp “đặc biệt” mới được xem xét, giải quyết. Dù huy động toàn lực lượng tham gia công tác phục vụ người dân, song việc gặp được cùng lúc các lái tàu có thâm niên cũng không dễ dàng gì vì tần suất hoạt động của các đoàn tàu là liên tục. Phải tranh thủ sau giờ giao ban sáng đầu tuần, phóng viên mới có dịp gặp và trò chuyện cùng 3 lái tàu “thâm niên” là anh Cao Sỹ Thanh (SN 1968), có 37 năm tuổi nghề; anh Đinh Đức Huy (SN 1975), lái tàu được 27 năm và anh Phạm Mạnh Hà (SN 1973) lái tàu 22 năm.

Đều từng lái tàu trên 20 năm, khi được hỏi đã bao lần các anh đón Tết trên tàu, cả 3 anh Thanh, Huy và Mạnh Hà đều cười, trả lời: “Phóng viên phải hỏi đã bao lần các anh đón Tết, đón giao thừa ở nhà mới đúng”. Anh Cao Sỹ Thanh chia sẻ, trước, trong và sau Tết chừng nửa tháng là dịp cao điểm của ngành đường sắt, lượng tàu tăng gấp đôi ngày thường. Lái tàu phải thay ca chạy tàu, nhiều người chỉ kịp về nhà tắm rồi vội vã lên cơ quan nhận tàu tiếp tục khởi hành. Khác với mọi người hỏi thăm khi nào được nghỉ Tết, những lái tàu hay hỏi nhau năm nay ăn Tết ở đâu, mùng mấy về nhà. Chính vì thế khái niệm đón giao thừa tại gia dường như đều được các lái tàu “vờ quên”. “Đi miết rồi gia đình cũng quen, nhưng không vì thế mà chúng tôi quên nhiệm vụ với gia đình”, anh Huy bày tỏ. Tiếp lời đồng n ghiệp, lái tàu Mạnh Hà bật mí: “Đa phần anh em lái tàu nếu được phân công đi những chuyến tàu cuối năm, thường chuẩn bị Tết cho bố, mẹ, vợ con trước vài ba ngày. Có nhà giờ đã thành lệ, cứ 26 Tết gói bánh chưng, sang nhà nội, ngoại sum vầy ăn cơm tất niên đón giao thừa sớm”.

Với gần 40 năm rong ruổi theo các chuyến tàu từ Bắc vào Nam, từ miền xuôi lên miền ngược, anh Cao Sỹ Thanh cho biết, để đỡ nhàm chán, cánh lái tàu có cách rất riêng chào đón năm mới. Khi đồng hồ điểm 12h đêm, lái chính sẽ kéo hồi còi dài phá tan không gian tĩnh mịch, báo hiệu thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, nhắc mọi người chú ý con tàu. "Đầu máy chỉ có hai lái tàu. Hồi trẻ tôi rất buồn, nhớ nhà, còn bây giờ quá quen với cảm giác đó nên không còn buồn nữa", anh Thanh nói. Sau hồi còi, lái chính và lái phụ bắt tay nhau chúc mừng năm mới, rồi lại căng thẳng quan sát phía trước bởi giao thừa mọi người đi chơi xuân, đi lễ nhiều. Nhiều người chếnh choáng hơi men, không chú ý đến tàu.

Nếu nói quen cũng đúng, còn không buồn thì là chưa thật lòng. Với 27 năm lái tàu, anh Đinh Đức Huy thành thật, đêm giao thừa thường rất nhớ cảm giác ấm cúng khi cả nhà làm cơm cúng và quây quần bên nhau. Có năm lái phụ trẻ tuổi đi cùng anh đã khóc tu tu khi gọi điện về hỏi thăm gia đình. Nhưng anh Huy bảo đón Tết trên tàu cũng có cái thú riêng. Có năm anh chưa vào ca làm việc nên được đón giao thừa cùng hành khách. Tất cả khách và nhân viên coi nhau như một gia đình, cùng chúc tụng, ăn uống. Khi tránh tàu ở các ga, trực ban ga thường mang bánh chưng, xôi gà mời lái tàu và hành khách.

Nhìn thấy cảnh hành khách và người nhà sum họp, ôm chầm nhau nơi sân ga, khi tàu trả khách, lúc đó anh cảm giác "rất ấm lòng, quên đi nỗi chông chênh nhớ nhà". Anh Phạm Mạnh Hà kể, trước khi kết hôn đã đưa vợ chưa cưới lên thăm tàu để hiểu được những vất vả của nghề. Mấy chục năm vắng chồng dịp Tết, vợ anh chu toàn việc chúc Tết bà con hai bên nội ngoại, mua sắm cho các con. Thế nhưng, lúc con còn bé, mỗi lần đi làm ngày Tết, hai con tôi thường hỏi sao Tết bố vẫn đi làm, bao giờ bố về? Chúng luôn mong ngóng tôi về để được đưa đi chúc Tết. Làm nghề này, vợ con thường thiệt thòi.

An toàn là trên hết

Tham gia lái tàu từ những ngày ngành đường sắt còn đang khó khăn, anh Cao Sỹ Thanh bày tỏ: Nói thật, hồi mới vào nghề, đi đầu máy hơi nước vất vả lắm. Lái đầu máy hơi nước gần như tất cả là thủ công, cả ngày lấm lem than củi, dầu mỡ. Công việc của phụ lái chủ yếu là kiểm tra dầu mỡ, xả xỉ than, xúc than đốt lửa mới. Đầu máy thì như cái lò lửa phả ra hơi nóng hầm hập. Quần áo bảo hộ lao động lúc nào cũng ướt sũng mồ hôi nhưng không có đồ thay, phải cởi ra vắt rồi hong cho khô lại mặc tiếp. Nếu đi tuyến Thanh Hóa, Vinh còn phải chịu thêm gió Lào nóng khủng khiếp, đến khô người. Sinh hoạt cũng rất khó khăn. Ba người lên ban “ôm” đầu máy kéo tàu trên các tuyến, độc lập “tác chiến” nên phải chuẩn bị gạo để tự nấu, thức ăn cũng phải chuẩn bị sẵn, nhưng món chủ đạo vẫn là muối vừng. May mắn, tàu dừng ở trạm nghỉ, có nhà ăn thì đổi tem phiếu lấy suất ăn. Vất vả thế, nhưng chúng tôi vẫn rất yêu đời, yêu nghề, vượt qua được hết, chưa bao giờ nghĩ bỏ nghề cả.

Niềm vui của lái tàu ngày Tết là đưa các gia đình về đoàn viên an toàn.

Trước kia vất vả hơn thật nhưng chỉ là mệt nhọc về thể chất, xuống ban nghỉ ngơi là thoải mái, vô tư. Còn giờ quá áp lực, căng thẳng vô cùng. Đường ngang, lối đi tự mở nhan nhản, tàu như đi trên vỉa hè, tai nạn có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Lái tàu phải tập trung cao độ, mọi giác quan đều phải huy động. Mắt luôn nhìn phía trước nhưng cũng phải bao quát cả hai bên. Dù tiếng động cơ máy, tiếng bánh xe siết trên mặt ray ầm ầm nhưng vẫn phải căng tai nghe xem có gì bất thường… Chỉ nhãng đi vài chục giây là đã có thể xảy ra chuyện, không xử lý kịp thời. Nếu không may xảy ra tai nạn, tâm lý lái tàu bị ảnh hưởng hàng tháng, hành khách trên tàu cũng hoang mang. Nhưng ngược lại, nếu tránh được, vui sướng vô cùng. Thậm chí, có kinh nghiệm rồi, chỉ nhìn người hoặc ô tô cắt ngay đường tàu từ xa, đoán ngay là họ không biết có tàu đến nên phải xử lý hãm tàu thật nhanh.

Chuyến nào đi an toàn là biết chuyến đấy, xuống đất rồi ê kíp lái tàu mới thở phào nhẹ nhõm. Đêm giao thừa cũng như ngày thường, lái tàu đều không có giờ ăn, nghỉ cố định, họ phải chờ khi tàu về đến ga mới có thể ăn cơm, hoặc tranh thủ ăn luôn trên tàu.

Tuy phải trải qua nhiều khó khăn, nhưng ba anh Thanh, Huy, Hà và những người đồng nghiệp vẫn bền bỉ bám trụ bởi sự gắn bó và tình yêu nhiệt huyết nhiều năm với nghề. Ngày lễ, Tết khi mọi người được nghỉ phép, sum họp, vui chơi cùng gia đình, anh em lái tàu vẫn miệt mài làm việc trong khoang lái. “Nghề của mình mà, mình nghỉ thì ai đưa người dân về quê ăn Tết đây”, các lái tàu kỳ cựu giãi bày.

Hiểu được áp lực ấy nên bộ phận lái tàu Tết luôn nhận được sự động viên của lãnh đạo ngành Đường sắt. Ngoài quà Công đoàn gửi tặng các ban máy đêm giao thừa, Công đoàn các xí nghiệp cũng tặng quà, năm thì bao lì xì, năm thì túi quà Tết. Trong những ngày Tết như: Đêm giao thừa, mùng 1, mùng 2…, ngoài chế độ ăn ca của ngành quy định, tại các trạm đầu máy tổ chức “ăn tươi”, tăng thêm tiền ăn cho anh em từ 100 - 120 nghìn đồng/ngày/người; tăng thêm thu nhập làm Tết…

Đúng đêm giao thừa, lãnh đạo xí nghiệp, lãnh đạo các trạm tổ chức đón giao thừa, chúc Tết và lì xì anh em lái tàu, cán bộ công nhân viên các trạm trên toàn tuyến, kể cả anh em lái tàu các xí nghiệp khác nghỉ tại trạm.

Phạm Huyền

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/xa-hoi/nhung-chuyen-tau-cho-niem-vui-sum-hop-i679896/