NHỮNG CHÍNH SÁCH VỀ KHOA HỌC CÔNG NGHỆ CẦN CÓ CƠ SỞ THỰC TIỄN, BẢO ĐẢM SỰ ĐỒNG BỘ TRONG HOẠT ĐỘNG NGHIÊN CỨU VÀ ĐẦU TƯ

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi), các thành viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhất trí cho rằng, không nên đưa dàn trải 15 nội dung chính sách vào trong dự án Luật mà cần có sự tóm gọn các nhóm chính sách một cách tổng quan, cụ thể và có sự đánh giá tác động rõ ràng. Những chính sách cần có cơ sở thực tiễn, bảo đảm sự đồng bộ trong hoạt động nghiên cứu và đầu tư...

Luật Khoa học và Công nghệ (KH&CN) 2013 được Quốc hội thông qua ngày 18/6/2013 (Luật số 29/2013/QH13) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2014 bao gồm 11 Chương, 81 Điều và được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 28/2018/QH14 ngày 15/6/2018 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch, Luật số 07/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Với vai trò là đạo luật gốc trong lĩnh vực KH&CN, Luật KH&CN 2013 đã góp phần thể chế hóa kịp thời và tương đối toàn diện những chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, sau 10 năm triển khai thi hành Luật KH&CN 2013, bối cảnh trong nước và quốc tế đã có nhiều thay đổi, tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội. Luật được ban hành từ năm 2013 nên không thể tránh khỏi việc chưa cập nhật được những vấn đề mới khi KH&CN trong nước và thế giới phát triển quá nhanh, nhất là trong khoảng 5 năm gần đây. Chính vì vậy, Bộ KH&CN cho rằng, việc sửa đổi Luật là hết sức nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy.

Đánh giá tác động của chính sách đề nghị xây dựng Luật KH&CN (sửa đổi), tại cuộc họp với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội về phương án sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ mới đây, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy nhấn mạnh: Sau khi tổng kết và phân tích hiện trạng, Bộ KH&CN đã xác định được 15 nội dung chính sách cần ưu tiên đánh giá theo một phương pháp có hệ thống. Mỗi nội dung sẽ có một phương án là Giải pháp giữ nguyên hiện trạng (tức là không thay đổi tình trạng hiện có của vấn đề). Giải pháp giữ nguyên hiện trạng luôn được sử dụng trong báo cáo đánh giá tác động chính sách, bởi phân tích này luôn tính tới các tác động của sự thay đổi, nghĩa là phải so sánh tác động của các giải pháp thay đổi với giải pháp giữ nguyên hiện trạng để tìm hiểu rõ hơn tác động của việc thay đổi và làm rõ Giải pháp được lựa chọn trong Đề nghị xây dựng Luật.

Các vấn đề được đánh giá cũng là những vấn đề quan trọng, gắn với các mục tiêu của Dự án Luật. Một số chính sách được kế thừa có sửa đổi, bổ sung các quy định trong Luật KH&CN 2013 và một số chính sách được bổ sung mới. Những vấn đề được lựa chọn đưa vào Báo cáo đánh giá tác động chính sách là những vấn đề đòi hỏi phải có chính sách mới, quan trọng, có thể ảnh hưởng, tác động tới nhiều đối tượng có liên quan.

Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy, đối với từng chính sách, Bộ KH&CN đã thực hiện đánh giá theo quy trình: Xác định vấn đề bất cập hiện tại (trong đó nêu rõ hậu quả và nguyên nhân), đưa ra các mục tiêu chính sách, xây dựng các phương án chính sách dự kiến để giải quyết vấn đề và đánh giá tác động (bao gồm kinh tế, xã hội, giới, thủ tục hành chính, hệ thống pháp luật) đối với phương án chính sách dự kiến.

Việc đánh giá tác động về kinh tế, xã hội chỉ có thể định lượng ước tính chi phí với một số chi phí thực tế Nhà nước, doanh nghiệp, người dân phải bỏ ra có thể tính toán được như các chi phí liên quan đến thủ tục hành chính... Do hạn chế về thống kê cũng như không bóc tách được các công việc triển khai theo quy định của Luật KH&CN năm 2013 và các pháp luật chuyên ngành tại các Bộ, ngành, địa phương, tác động của các chính sách liên quan đến KHCN và đổi mới sáng tạo, đánh giá lợi ích, rủi ro nên một số nội dung liên quan sẽ được đánh giá mang tính định tính.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi.

Nêu quan điểm về các chính sách KHCN, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi cho rằng, cần làm rõ những bất cập, hạn chế của luật hiện hành cũng như tiếp tục nghiên cứu để nhóm lại các chính sách nhằm thể hiện tư tưởng của Luật KH&CN (sửa đổi). Các mục tiêu của Luật phải thể hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Ngoài ra, việc xây dựng luật cần có thêm phần tiếp thu kinh nghiệm quốc tế.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi, trong số 15 chính sách cần chú trọng đến việc tập trung nguồn lực, không để nguồn lực bị phân tán; bảo đảm sự đồng bộ trong hoạt động nghiên cứu, đầu tư cho KHCN phát triển.

Ngoài ra, trong dự án Luật KH&CN (sửa đổi) cũng cần quan tâm đến tiềm lực KHCN liên quan đến hạ tầng, nguồn nhân lực chất lượng cao. Việc đổi mới các tổ chức KHCN công lập cũng cần tính toán trong việc sắp xếp lại.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Lệ Thủy.

Đồng thuận với quan điểm trên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Lệ Thủy cho rằng, Luật KH&CN là luật quan trọng, trụ cột cho các lĩnh vực, ngành khác. Hiện nay, tiến bộ của nền KHCN diễn ra nhanh chóng nên việc sửa đổi Luật cần tính toán làm sao không bị lỗi thời, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Do đó, nên có sự đánh giá về những vướng mắc trong phát triển KHCN hiện tại để đưa ra những chính sách có cơ sở thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu phát triển của kinh tế-xã hội và đời sống hiện nay.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Lệ Thủy, không nên đưa dàn trải 15 nội dung chính sách vào trong dự án Luật KH&CN (sửa đổi) mà cần có sự tóm gọn các nhóm chính sách một cách tổng quan, cụ thể và có sự đánh giá tác động rõ ràng. Ngoài ra, các nhóm chính sách cũng cần có sự tương thích với các chính sách pháp luật khác.

Đóng góp ý kiến vào 15 chính sách do Bộ KH&CN đưa ra, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Văn An ủng hộ việc sửa đổi Luật KH&CN và cho rằng, các nhóm chính sách cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để có sự đánh giá chính xác. Theo đó, các nhóm chính sách cũng cần chú trọng đến việc tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, tổ chức tham gia nghiên cứu khoa học. Việc phê duyệt kinh phí hàng năm; rủi ro trong nghiên cứu nên được xem xét.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy.

Với những ý kiến, đề xuất trên, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nhấn mạnh: Dự án Luật KH&CN (sửa đổi) là đạo luật hết sức quan trọng trong hệ thống pháp luật về khoa học công nghệ. Hồ sơ chuẩn bị và báo cáo đánh giá tác động của chính sách đề nghị xây dựng luật được chuẩn bị kỹ lưỡng.

Mặc dù chủ trương đường lối về KH&CN được đánh giá đầy đủ nhưng trong thực tiễn vẫn còn có những hạn chế, ràng buộc. Chính vì vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đề nghị cơ quan soạn thảo dự án Luật tiếp thu ý kiến của các thành viên Ủy ban trong việc hoàn thiện dự án Luật./.

Bích Lan

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=86386