Những chiến sỹ Điện Biên trên quê hương cách mạng Cao Bằng (kỳ 5)

Kỳ 5: Người góp phần làm 'nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng'

Trong ngôi nhà tại phố Cũ, phường Hợp Giang (Thành phố) - ông Nông Ích Hoành, bí danh hoạt động cách mạng Nông Kỳ Hùng, hiện đang sinh sống với vợ và con cháu. Bước sang tuổi 95, sức khỏe thay đổi theo thời tiết, nhưng khi biết chúng tôi đến tìm hiểu về những năm tháng ông sống, chiến đấu tại chiến trường Điện Biên Phủ, ông ngồi dậy hồ hởi bảo con cháu mang những kỷ vật vô giá: Huân chương Kháng chiến, Huy hiệu Chiến sỹ Điện Biên và đặc biệt là chiếc áo một thời Điện Biên… được gìn giữ cẩn thận cho chúng tôi xem và vui vẻ trò chuyện về những ký ức oai hùng luôn cất giấu trong tim.

Tuổi trẻ đã là lũy thép

Ông Nông Ích Hoành sinh năm 1929 trong một gia đình có truyền thống yêu nước tại xã Lê Lợi, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng; có thời gian dài gia đình sinh sống tại thị trấn Nước Hai, huyện Hòa An. Gia đình ông có 5 anh, chị em, trong đó, 4 anh em đều tham gia kháng chiến chống Pháp và Mỹ; em trai út là liệt sỹ trong kháng chiến chống Mỹ. Ngay từ những ngày còn nhỏ, ông Hoành đã sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng và tham gia Đội thiếu nhi cứu quốc xã Lê Lợi, làm giao thông liên lạc, canh gác các cuộc họp bí mật cho cán bộ cách mạng, dự bị đánh Tây, đuổi Nhật.

Ông Hoành cho phóng viên xem những huân, huy chương của mình.

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, với tầm nhìn xa trông rộng và lòng thương yêu các cháu thiếu niên nhi đồng, Bác Hồ và Trung ương thấy cần phải mở trường thiếu sinh quân để đào tạo những thiếu niên đã qua chiến đấu để trở thành đội ngũ kế cận sau này cho quân đội. Ngày 10/5/1946, Đội Tuyên truyền Thiếu sinh quân Chiến khu 1 ra đời. Ngày 10/11/1948, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ký Nghị định số 425/TCH thành lập trường Thiếu sinh quân Việt Nam do Thiếu tướng Lê Thiết Hùng, Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị trực tiếp làm Hiệu trưởng. Vì hoàn cảnh chiến tranh, các trường Thiếu sinh quân từ Liên khu 4 trở vào Nam không có điều kiện về sáp nhập, còn lại các trường Thiếu sinh quân Liên khu 3, Khu 10, Việt Bắc, Thiếu sinh quân các Đại đoàn 308, 304, Tổng cục Chính trị, Bộ Tổng Tham mưu, đều hành quân về Thái Nguyên hình thành trường Thiếu sinh quân Việt Nam với quy mô lớn: 3 tổng đội, 12 đại đội, quân số hơn 1.000 học viên. Thiếu niên Nông Ích Hoành vinh dự là một trong những học viên được học tập tại Trường Thiếu sinh quân Liên Khu 10 lúc bấy giờ.

Từ mái trường Thiếu sinh quân, được Bác Hồ, Đảng, quân đội rèn luyện, đào tạo, lớp lớp thanh niên đã trưởng thành, trở thành lực lượng bổ sung quan trọng cho quân đội và các ngành kinh tế, văn hóa trong cả nước. Năm 1949, ông Hoành được phân công làm Trung đội trưởng Đội tiếp vệ, có nhiệm vụ bảo vệ Văn phòng Chỉ huy Liên khu 10 thuộc Trụ sở Ủy ban Hành chính Kháng chiến Liên khu 10 (gọi tắt là trụ sở Liên khu 10) đặt tại thị xã Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Đồng thời, bảo vệ các chuyến nhận tiền hằng tháng từ kho bạc về Chiêm Hóa (Tuyên Quang) và trụ sở Liên khu 10. Bảo vệ và chuyển đài vô tuyến của Bộ Chỉ huy Liên khu gửi cho các liên khu đang chiến đấu tại Thượng Lào.

Năm 1952, ông nhận nhiệm vụ làm cán bộ Ban công tác chính trị tại Sư đoàn 316 (Sư đoàn Bông Lau); đây là sư đoàn chủ lực của Quân khu 2, Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, Sư đoàn 316 đã đánh tiêu diệt cứ điểm Đồi A1, cứ điểm khó đánh nhất trong tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ - nơi giặc Pháp khoe khoang là “pháo đài không thể công phá” nhanh chóng trở thành “chảo lửa” thiêu đốt tất cả tham vọng cùng những nỗ lực cố gắng cuối cùng của đội quân xâm lược, làm nên một “Điện Biên Phủ chấn động địa cầu”. Trong Chiến dịch lịch sử này, những trận đánh ác liệt ở A1, C1 in đậm và vang vọng mãi chiến công của Trung đoàn 98, Trung đoàn 174 và được ghi vào lịch sử chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng; là hình mẫu của lòng quả cảm, đức hy sinh và tinh thần sáng tạo vượt mọi khó khăn để giành thắng lợi.

Những hồi ức đẹp về Điện Biên

Khi tham gia Chiến dịch Điện Biên phủ, ông Hoành 25 tuổi, sau 70 năm, chàng thanh niên năm đó đã trở thành cụ ông chân yếu, mắt mờ, nhưng nhiệt huyết, lòng yêu nước và tinh thần quả cảm năm đó vẫn vẹn nguyên. Ông Hoành nhớ lại: Khi tham gia chiến dịch, tôi công tác tại Phòng Cung cấp (nay gọi là Phòng Hậu cần) của Đại đoàn 316. Trước khi đi chiến dịch, đơn vị đóng quân tại một địa phận tỉnh Sơn La, cuối năm 1953, hành quân lên Điện Biên. Trên đường hành quân, chúng tôi gặp nhiều xe tải bắt đầu kéo pháo vào Điện Biên. Thời gian này, máy bay Pháp liên tục ngày đêm bắn phá nhằm tiêu hao lực lượng của quân ta.

Trên đường hành quân đến các địa điểm tập kết, công việc đầu tiên của chúng tôi là đào hầm trú ẩn, đào sâu vào quả đồi, hầm phải có đủ chỗ làm việc, ăn ngủ, chắc chắn và an toàn. Nhiệm vụ Phòng Cung cấp là theo cán bộ địa phương Điện Biên đi vào các bản làng xung quanh tiếp nhận thực phẩm, sau đó đem về phân phối cho các đơn vị của Đại đoàn 316, Trung đoàn 174, Trung đoàn 176 và Trung đoàn 98. Do không có kho lương, nên chủ yếu là tận dụng các hang hốc ở rừng để tạm thời đợi bộ đội đến tiếp nhận.

Theo phương châm tác chiến ban đầu, dự kiến nhu cầu vật chất bảo đảm cho Chiến dịch Điện Biên Phủ là 434 tấn đạn, 7.730 tấn gạo, 465 tấn thực phẩm khô, hàng trăm tấn muối... Nhưng sau khi chuyển sang phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, tổng số đạn cần cho chiến dịch tăng gần 3,5 lần, gạo tăng gần 2 lần. Chỉ tính riêng về lương thực, bình quân chiến dịch phải sử dụng khoảng 90 tấn mỗi ngày để bảo đảm cho các lực lượng từ Sơn La trở vào, đồng thời tại Điện Biên Phủ phải có khoảng 50 tấn. Để chuyển lượng lương thực, thực phẩm này tới các trận địa, mỗi ngày cần hơn 3.000 dân công hỏa tuyến. Mặt khác, việc cung cấp tiếp tế lại phải giải quyết trong điều kiện chiến trường cách xa hậu phương; địa hình rừng núi hiểm trở, đường vận tải cơ giới hư hỏng, đường thủy không thuận lợi, thời tiết khí hậu khắc nghiệt, dân cư thưa thớt... Trong khi đó, địch tập trung đánh phá ác liệt trên các tuyến trọng điểm, ngăn ta chi viện từ hậu phương lên chiến trường. Lúc này, công tác bảo đảm hậu cần là nhiệm vụ hết sức quan trọng và nặng nề. Hội đồng cung cấp mặt trận các cấp đã huy động lực lượng dân công, phương tiện, lương thực, thực phẩm lớn từ đồng bào các dân tộc Tây Bắc. Trên cơ sở động viên và tổ chức toàn dân làm công tác bảo đảm hậu cần cho chiến dịch, Hội đồng cung cấp mặt trận kết hợp chặt chẽ khả năng bảo đảm hậu cần tại chỗ với hậu cần Trung ương, tạo sức mạnh tổng hợp trong tổ chức bảo đảm hậu cần cho lực lượng vũ trang, bảo đảm kịp thời, chủ động, đầy đủ trên các địa bàn tác chiến của chiến dịch

Nhiệm vụ cấp bách lúc này là lập thêm nhiều kho lương thực, tập hợp thêm nhân lực thêm dân công hỏa tuyến làm việc tại các kho lương. Địa điểm các kho lương thực ở ngay hỏa tuyến, tiện cho sự tiếp nhận của các đơn vị chiến đấu và phải đảm bảo tuyệt đối an toàn. Thời gian làm việc không kể ngày đêm dưới các hầm trú ẩn; ông Hoành lúc này phụ trách 1 tổ gồm 5 người (2 bộ đội, 03 dân công) ở ngay sát mặt trận có nhiệm vụ tiếp nhận lương thực chuyển đến sau đó cấp phát cho các đơn vị 174 và 98.

Thời gian từ khi chiến dịch mở màn lúc 13 giờ ngày 13/3/1954 cho đến khi chiến dịch kết thúc vào chiều 7/5/1954 là thời gian làm việc liên tục của các lực lượng. Điện Biên bước vào mùa mưa, nhiều trận kéo dài mấy ngày liền, tất cả các chiến hào và hào giao thông đều ngập nước, nhiều “hàm ếch” khoét sâu vào hai bên vách chiến hào bị nước mưa làm sụt lở. Sau mưa là những ngày nắng dữ dội, không khí oi ả, ngột ngạt. Với cường độ làm việc ngày đêm không kể mưa nắng, di chuyển liên lục, vận chuyển nhiều chuyến tiếp viện lương thực, liên tục lại ăn ngủ trong các hầm trú ẩn, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, trước khi chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi 7 ngày, chiến sỹ Nông Kỳ Hùng (ông Hoành) đã bị kiệt sức nặng phải lui về điều trị tại Bệnh viện tiền phương.

Nằm trên giường bệnh, nghe tin chiến dịch đã toàn thắng, ông Hoành vui mừng phấn khởi, dần dần bình phục. Chiến dịch thắng lợi, ông được tặng thưởng Huy hiệu Chiến sỹ Điện Biên. Sau hơn 3 tháng điều trị, ông nhận công tác tại Khu Giao thông Liên khu 3 tại Phủ Lý, tỉnh Hà Nam làm cán bộ tổ chức. Năm 1963, chuyển về Cao Bằng công tác tại Ty Giao thông vận tải. Năm 1965, khi thành lập Công ty vận tải ô tô, ông giữ chức vụ Trưởng phòng Tổ chức; năm 1979, ông nghỉ hưu. Với những đóng góp to lớn trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và xây dựng đất nước, ông Hoành được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Chiến thắng hạng ba; Huy chương kháng chiến hạng nhì; nhiều Bằng khen của Trung ương, tỉnh; Huy hiệu 75 tuổi Đảng.

Nâng niu, cất giữ các kỷ vật ghi dấu cả thanh xuân và nhiệt huyết một thời, ông Hoành và những người lính năm xưa luôn tự hào về những kỳ tích mà mình đã lập nên. Những “Chiến sỹ Điện Biên” năm ấy mãi là tấm gương sáng để thế hệ trẻ quê hương cách mạng Cao Bằng hôm nay noi theo và học tập.

Kỳ 1: Vinh quang người chiến sỹ Trung đoàn Pháo cao xạ 367

Kỳ 2: Tự hào chiến sỹ Điện Biên anh hùng

Kỳ 3: Nhớ về một thời hoa lửa

Kỳ 4: Tự hào được giúp việc Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại chiến trường Điện Biên

Thúy Hằng

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/nhung-chien-sy-dien-bien-tren-que-huong-cach-mang-cao-bang-ky-5-3168637.html