Những chiến sĩ áo trắng với công tác phòng, chống dịch

Hơn 2 năm qua, cùng các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể và nhân dân, ngành Y tế tỉnh đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Trong cuộc chiến ấy, những chiến sĩ áo trắng đã có mặt trên mọi chiến tuyến, làm việc không biết mệt mỏi, hy sinh tình cảm và lợi ích cá nhân để kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân.

Đội ngũ y, bác sĩ làm việc thâu đêm trong khu cách ly y tế tập trung. Ảnh: Trà Hương

Trải qua 4 đợt dịch Covid-19 với quy mô, tính chất khác nhau, ngành Y tế tỉnh đã huy động lực lượng lớn nhất từ trước tới nay với hơn 7.200 cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên y tế trong và ngoài công lập, hàng trăm sinh viên ngành Y tham gia công tác phòng, chống dịch.

Đối diện với sự nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe, nhưng các thế hệ thầy thuốc đều âm thầm, lặng lẽ thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Ở từng vị trí, từng điều kiện, mỗi người đều có đóng góp riêng, nhưng ở họ có cùng một tấm lòng hết mình vì bệnh nhân.

Trong khi thực hiện nhiệm vụ được giao, đã có hàng chục cán bộ y tế bị nhiễm Covid-19, nhưng vẫn quyết bám trụ chia sẻ khó khăn với đồng nghiệp, chiến đấu với dịch bệnh, tất cả vì sức khỏe của người dân, cộng đồng.

Đó là bác sĩ Trịnh Thị Thanh, Trung tâm Y tế huyện Yên Lạc; điều dưỡng Thạch Thị Ngọc Bích, Trung tâm Y tế huyện Tam Dương; bác sĩ Nguyễn Thị Phong Lan, Phó trạm trưởng Trạm Y tế thị trấn Bá Hiến, huyện Bình Xuyên…

Khi phát hiện mình mắc Covid-19, thay vì xin nghỉ theo chế độ, tất cả họ đều tình nguyện trực tiếp chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19, nhằm giảm nguy cơ lây bệnh cho các đồng nghiệp. Họ đã sống đúng với lời dạy của Bác Hồ kính yêu “Lương y như từ mẫu” để chữa bệnh, cứu người dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Những con người ấy đã quên hiểm nguy để chữa bệnh cho đồng bào, đồng chí nhiễm bệnh, nhất là trong giai đoạn đầu chống dịch Covid-19, vắc xin còn ít. Đó là thời gian khó có thể quên đối với bác sĩ CKII Trần Quang Vịnh, Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên khi được điều động tăng cường đến Phòng khám Đa khoa khu vực Quang Hà, huyện Bình Xuyên để hỗ trợ điều trị cho những bệnh nhân đầu tiên mắc Covid-19.

Bác sĩ Vịnh cho biết: “Thời điểm đó, Covid-19 vẫn được coi là căn bệnh “lạ” đối với toàn thế giới, nên người bệnh bị áp lực tâm lý rất lớn. Họ hoang mang, lo sợ bởi số người tử vong ở Vũ Hán (Trung Quốc) không ngừng tăng.

Là bác sĩ, tôi cũng từng rất lo lắng vì bên cạnh còn gia đình, người thân, nhưng lúc đó phải nhanh chóng ổn định tâm lý, không thể làm người bệnh hoang mang.

Vừa làm bác sĩ mình phải kiêm luôn nhiệm vụ làm chuyên gia tâm lý và nhân viên dọn dẹp vệ sinh. Sau 20 ngày chiến đấu với dịch Covid-19, lần lượt các bệnh nhân được điều trị khỏi là niềm vui rất khó tả đối với chúng tôi”.

Những con người ấy còn gác lại hạnh phúc riêng tư, gác lại cuộc sống yên bình, để lại con thơ, bố mẹ già ngày đêm ngóng trông để đi vào tâm dịch khi đợt dịch thứ 4 bùng phát trên cả nước.

Số ca nhiễm và số ca tử vong tăng nhanh ở nhiều tỉnh, thành phố, Vĩnh Phúc cũng không là ngoại lệ khi những ca bệnh đầu tiên được phát hiện ở thành phố Phúc Yên với dịch tễ rất phức tạp.

Dường như họ đã quên đi giấc ngủ, quên những bữa ăn, quên những ngày cuối tuần, ngày nghỉ lễ, quên sự nóng nực của những bộ đồ bảo hộ kín mít giữa mùa hè đổ lửa, quên đi nỗi sợ hãi để điều trị cho bệnh nhân, đồng thời, “thần tốc” lấy hàng nghìn mẫu xét nghiệm, khoanh vùng, truy vết, dập dịch trong thời gian sớm nhất…

Có những trường hợp có người thân qua đời, nhưng vì nhiệm vụ họ cũng không thể về chịu tang như trường hợp của nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Duyên công tác tại Khoa Nhi, Trung tâm Y tế huyện Yên Lạc. Trong thời gian đang làm nhiệm vụ tại Bệnh viện Dã chiến tỉnh nhận được tin bố qua đời, nhưng do tính chất công việc, không thể về chịu tang bố, chỉ biết nuốt nước mắt vào trong, vái vọng từ xa.

Cán bộ y tế mặc bộ đồ bảo hộ trong nhiều giờ để chăm sóc, theo dõi sức khỏe cho người dân trong khu cách ly y tế tập trung. Ảnh: Kim Ly

Hay như vợ chồng bác sĩ Hà Đình Trường, phụ trách công nghệ thông tin, Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Nguyễn Thị Hồng Anh, cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tạm gác lại trách nhiệm của người làm cha, làm mẹ, gửi con cho ông bà nội tuổi đã cao, mắc nhiều bệnh mãn tính ở quê chăm sóc để xung phong cùng đồng nghiệp chiến đấu với dịch Covid-19 ở những nơi gian nguy nhất.

Bác sĩ Bùi Văn Khang, Bệnh viện Đa khoa tỉnh và hơn 140 y, bác sĩ sau khi hoàn thành nhiệm vụ hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương chống dịch Covid-19 lại tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tại Bệnh viện Dã chiến tỉnh.

Bác sĩ Trần Giáp, Phó trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh vừa thực hiện xong nhiệm vụ tại Bệnh viện Dã chiến tỉnh lại tiếp tục nhận được thông báo cử đi tăng cường cho tâm dịch Bắc Giang; hay việc lùi, hoãn kế hoạch cưới con trai của bác sĩ Đặng Thị Ngọc Thủy, Trưởng Khoa Vi sinh, Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên để ở lại bệnh viện cùng đồng nghiệp tham gia phòng, chống dịch…

Còn rất nhiều những chiến sĩ áo trắng trong bộ quần áo bảo hộ kín mít, không quản ngại khó khăn, vất vả, tận tâm, tận lực với công việc đã ghi sâu hình ảnh vào tâm trí của người dân trong cả nước.

Họ đã hy sinh hạnh phúc riêng tư, vượt qua nỗi sợ hãi, sẵn sàng nhận rủi ro về mình để phục vụ, chăm sóc người dân trong các khu cách ly, các bệnh viện dã chiến.

Hàng trăm tấm gương tiêu biểu của ngành Y tế thực sự là những “từ mẫu” của nhân dân, bởi họ không chỉ có trái tim nhân ái, tấm lòng nhân hậu mà còn có nghị lực kiên cường, sự chịu đựng bền bỉ, dẻo dai thật đáng ghi nhận, khâm phục.

Minh Nguyệt

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/82517/nhung-chien-si-ao-trang-voi-cong-tac-phong-chong-dich.html