Những chi tiết nhân sinh trong phim 'Xuân hạ thu đông rồi lại xuân'

Bộ phim được mở ra đồng thời cùng cánh cửa được khắc tạc hình hộ pháp với gương mặt hung tợn và thân hình mình đồng da sắt, trên tay cầm những pháp khí giới, biểu tượng của sự 'khuyến thiện trừng ác'. Sau cánh cửa là chốn cao sơn lưu thủy. Giữa mặt hồ tĩnh bình hiện hữu một ngôi chùa nhỏ. Không có con đường tản bộ đi vào chùa mà sự chuyển di bằng một con thuyền. Phải chăng đó là dòng sông vô minh nơi có phương tiện chuyên chở người đời qua bể khổ bến mê, mà bờ khử ám hồi minh chính là thiền am đó.

Khu vườn nghệ thuật có vô số lối vào, mở ra muôn vàn nghĩ ngợi. Cũng giống như đường trần giằng dặc (Trần lộ du du) nhưng có hẳn "tám vạn tư" lối tìm chân lý (Bụt). Một bộ phim đã khởi chiếu, đã xem, đã tắt vô tuyến và khi màn hình khép lại là kiếp sống thẩm mỹ của nó được phán quyết. Có những tác phẩm sẽ âm thầm, hổ thẹn chịu sự lãng quên của đời nhưng có những đứa con tinh thần thì vĩnh tồn, trường lưu và khơi mạch giải bày vô số những hình hài, khả thể/ tính để người đời săn sóc sự học, đọc, nghe, nhìn, cảm nghĩ, nghĩ cùng, nghĩa khác, nghĩ tiếp cùng với người cha sáng tạo đầu tiên của nó.

Bộ phim được mở ra đồng thời cùng cánh cửa được khắc tạc hình hộ pháp với gương mặt hung tợn và thân hình mình đồng da sắt, trên tay cầm những pháp khí giới, biểu tượng của sự "khuyến thiện trừng ác". Sau cánh cửa là chốn cao sơn lưu thủy. Giữa mặt hồ tĩnh bình hiện hữu một ngôi chùa nhỏ. Không có con đường tản bộ đi vào chùa mà sự chuyển di bằng một con thuyền. Phải chăng đó là dòng sông vô minh nơi có phương tiện chuyên chở người đời qua bể khổ bến mê, mà bờ khử ám hồi minh chính là thiền am đó. Một vị sư tuổi tác xuất hiện với giọng chuông giác ngộ ngân rung đang bình nhiên quỳ lạy trước mặt Phật Đà. Nhà tu hành hé cửa phòng gọi dậy một chú tiểu đương giấc nồng. Căn phòng có cửa và đó là lối đi duy nhất và nhất quán của hai thầy trò dẫu những mặt bên cạnh vẫn không hề được che chắn bởi những bức tường.

Tất cả những chi tiết nhân sinh của tác phẩm đều nảy sinh trên dòng sông đó: Một chú tiểu tập tành chèo lái, mùa xuân nước động cánh bèo khoáng đạt và hồn hậu. Một nhà tu hành trẻ đang vung vẫy tay chèo trong sự trào sôi sức trẻ và những khát vọng dục cảm trong mùa hạ nóng nung. Đến một kẻ rất đỗi phàm phu, điên hận lẩy mái chèo giữa mặt hồ tím đọng sắc thu.

Rồi thác nước cũng là sự tiếp nối của tâm thức luân lưu, vô định, của vòng tuần hoàn nhân sinh đầy rẫy khổ đau. Dòng sông cấu uế, bẩn tạp đó lại hóa kiếp thành mưa sương ngưng tụ và chảy thành thác chẳng bao giờ tan biến. Điểm cuối dòng chảy, dưới chân thác khi nước hòa tiếp vào sông đã chứng kiến những đọa lạc của con người: Chú tiểu nhỏ cột những hòn đá vào thân những con vật, đó là hành vi của bản năng giống loài chúng ta: "nhân chi sơ tính bổn ác" (Tuân Tử). Cuộc sống bắt đầu từ giết chóc, hành động của chú tiểu đã vô tình gây tổn thương, đau đớn, cho người/ loài khác, là sự cất lời đầy nghiệt ngã của đấng toàn năng khi nói về máu và nước mắt của những ai đang tồn hữu trong cõi hồng trần khiếp nhược này. Đó cũng là nơi chứng kiến "lửa thề nguyền", khi một nhà tu hành trẻ tuổi đã cởi nhẫn nhục y mà vụng về thổ tỏ tình ý với cô gái trẻ chốn thanh thiền tịnh thổ. Và rồi một kẻ sát nhân cũng trở về nơi chân thác hứng chịu nỗi khổ hình trong nhân tâm. Tất cả từ hai chữ nhân dục mà ra. Rút cục mùi đạo Bồ Đề di dưỡng, nâng đỡ tâm hồn từ trong trứng nước cũng không thể nào khỏa lấp phôi pha phẩm tính “phỉ nhân” của con người.

Chính Nhà Sư già cũng đã không thể đoạn tuyệt nhân thế, vẫn nhìn đời bằng con mắt chan chứa, để rồi cuối phim người đã tự thiêu giữa hai hàng nước mắt khi nhìn học trò của mình chịu sự gông xiềng, giải áp của luật pháp cõi người và rồi sẽ còn phải hứng chịu sự trừng phạt của thiên lý: Luân hồi vạn kiếp trong sự ô trọc phàm phu. Vị sư già tự thiêu, nghi ngút bay ngọn khói linh hồn. Ruốt cuộc ông đã đi đến bờ giác hay chưa? Sự hóa thân kiếp rắn đã trả lời câu hỏi đó. Một kiếp sống đâu dễ dàng gì! tưởng như sự trơ trống của thiền am nơi cô tịch đó, giúp lòng người có thể lánh tục lụy. Thế nhưng bờ giác do tâm chúng ta và vị sư tuổi tác vẫn còn nặng nợ trần thế để đường tu bị rụi trong sự thiêu đốt.

Khi rời đạo đi tìm sự phi lý của cuộc đời, chàng trai có gói theo bức tượng Phật, dường như còn muốn lưu cửu chút tình tri ân với nơi đã gắn thiết một thời, từ buổi bình minh đồng ấu cho đến lúc không thể nghiệm chứng sự thanh lặng của đất Bụt vô cầu. Cưỡng cầu điều nhân dục, chàng đã đi theo tiếng gọi của bản năng, lối mòn tìm ái cảm. Và rồi sau cơn điên cuồng sát nhân anh lại cõng theo tượng Phật trở về trong sự rủa sả của lương tâm. Lưỡi dao lấy máu rửa hờn đó lại tiếp tục được bàn tay của người thanh niên sử dụng với một mục đích khác, cắt đi những sợi tóc trên đầu của mình như một cách thức hoàn chân, trở về với mối đạo đã từng.

Ngay từ đầu bộ phim, khi chú tiểu cột đá vào những con vật bé nhỏ cho đến lúc chi tiết nhân sinh ái nhiễm nam nữ xảy ra người thầy đều chứng kiến nhưng không mảy may một lời cản ngăn. Bởi vì thể ngộ chỉ có được khi đã trải qua những cảm ngộ nhân sinh bằng chính những nghiệm thức thực tiễn. Chính vì thế hôm nay mới có một kẻ quay đầu tìm về bờ giác khi đã mê đồ lạc bước và kẻ đó đã thấu triệt nỗi quỷ khốc thần sầu của hiện tiền vô minh.

Bộ phim kết thúc một mùa xuân lại đến, lại tiếp tục một vòng luân chuyển giăng mắc, đan bện triền miên. Hẳn là không có ai thiết kế trò chơi hay bằng tạo hóa. Tấm tuồng đời buộc người phải diễn cho đến khi ngọn lửa hỏa táng thiêu rụi xác phàm. Bộ phim, nhân vật chính là nhà tu hành nhưng lại mang đầy hành vi của con người, chính vì thế nó lại càng sâu sắc khi minh chứng cho chân chí tuyệt đối của Đức Phật: "Kiếp người là bể khổ".

Tuấn Trần

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/nhung-chi-tiet-nhan-sinh-trong-phim-xuan-ha-thu-dong-roi-lai-xuan-a22393.html