Những 'Cây sáng kiến' trong lao động, sản xuất

Thời gian qua, phong trào thi đua lao động giỏi phấn đấu đạt danh hiệu 'Công nhân giỏi Thủ đô' được đông đảo công nhân lao động hưởng ứng, duy trì và phát triển. Phong trào thi đua đã động viên, khai thác tiềm năng, trí tuệ, tâm huyết của từng công nhân lao động trong nghiên cứu, sáng tạo, tìm tòi. Từ đây xuất hiện nhiều 'cây sáng kiến' trong lao động, sản xuất.

Những sáng kiến trong sản xuất không chỉ giúp mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và bản thân người lao động mà còn là minh chứng rõ nhất khẳng định tinh thần hăng say lao động, sáng tạo không ngừng nghỉ của công nhân lao động.

Điển hình, sáng kiến băng chuyền tự động đã giúp chị Nguyễn Thị Thu Trang, công nhân Công ty TNHH Điện Stanley Việt Nam ghi danh là 1 trong 100 “Công nhân giỏi Thủ đô” 2023.

Theo chị Nguyễn Thị Thu Trang, tất cả sáng kiến, cải tiến đều xuất phát từ sự vất vả của công nhân, nếu máy móc tự động hóa có thể làm những khâu tốn sức người thì năng suất, chất lượng sản phẩm sẽ cao hơn.

“Hằng ngày thấy anh chị em công nhân phải bê những thùng sản phẩm, nguyên liệu rất nặng, tôi và đồng nghiệp ở bộ phận lên ý tưởng, thử nghiệm đế nâng, đẩy đồ”, chị Trang chia sẻ về ý tưởng.

Chị Nguyễn Thị Thu Trang.

Chị Nguyễn Thị Thu Trang.

Một lần khác, chị Trang thấy mọi người trong xưởng dùng dao rạch băng dính ở các thùng các tông bằng tay. “Những thao tác rất đơn giản như vậy, nếu làm liên tục một ngày cũng rất mệt mỏi, tốn thời gian”, chị bày tỏ.

Do vậy, chị Trang cùng các đồng nghiệp đưa vào thử nghiệm băng chuyền gắn lưỡi dao, vừa tăng năng suất, vừa giảm nguy cơ tai nạn cho người lao động khi làm việc với dao. Qua những sáng kiến của chị Trang và đồng nghiệp, từ tháng 4/2022 đến tháng 4/2023 đã giúp công ty hưởng lợi gần 70 triệu đồng.

Đặc biệt, các sản phẩm do chị Trang và cộng sự sáng tạo có chi phí thấp, hiệu quả cao, các chi tiết máy đều từ những vật liệu sẵn có, thời gian lắp ráp chỉ 1-2 tuần. “Mỗi tháng tôi đều phấn đấu đưa ra các sáng kiến trong công việc để tiết kiệm thời gian của các công đoạn sản xuất, giảm tiêu hao nguyên vật liệu, giảm diện tích đặt để sản phẩm”, chị Trang bộc bạch.

Chị Trang cũng khuyên các bạn trẻ cần chú ý học hỏi, quan sát người có kinh nghiệm đi trước để tiếp tục kiến thức, kinh nghiệm, đồng thời thẳng thắn đặt câu hỏi khi làm việc, phát hiện bất cập trong sản xuất. Nếu có ý tưởng sáng tạo, người trẻ nên mạnh dạn báo cáo cho lãnh đạo bộ phận, phân xưởng để thử nghiệm.

Là nhân viên thuộc Tổ rửa xe của Công ty TNHH Toyota Thanh Xuân, anh Vũ Văn Tùng luôn có tinh thần kỷ luật cao và không ngừng sáng tạo trong lao động. Anh đã có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật giúp công ty cắt giảm được nhiều chi phí, công lao động và nâng cao hiệu suất công việc ở nhiều bộ phận, công đoạn khác nhau.

Hằng ngày, anh Tùng chịu trách nhiệm lái toàn bộ xe của khách hàng đến các cầu sửa chữa và từ xưởng ra bên ngoài; đồng thời rửa xe, làm sạch xe trước khi trao trả khách. Công việc bận rộn, nhất là các dịp lễ, Tết nên nhiều khi đến giờ nghỉ theo quy định, nhưng anh vẫn vui vẻ cất tạm phần cơm trưa hay hoãn giờ về. Không chỉ trách nhiệm với công việc được giao, anh còn rất chủ động, sáng tạo trong lao động, nhiều lần đề xuất với ban giám đốc công ty áp dụng nhiều cải tiến cho hiệu quả cao trong thực tế.

Anh Vũ Văn Tùng.

Anh Vũ Văn Tùng.

Chia sẻ về đề xuất cải tiến quy trình rửa xe, anh Tùng cho biết, trước đây, khách hàng đến bảo dưỡng xe thực hiện theo quy trình: Đưa xe vào xưởng bảo dưỡng xong mới mang ra rửa sạch. Nhưng thực tế, nhiều xe bảo dưỡng xong cùng một thời điểm, khách hàng phải xếp hàng đợi rửa xe cho nên mất nhiều thời gian, còn Tổ rửa xe thì bị dồn việc cục bộ.

Để rút ngắn thời gian, anh đã chủ động đề xuất với ban giám đốc thay đổi quy trình rửa xe mới, xe của khách hàng khi đến Toyota Thanh Xuân sẽ được rửa sạch trước và bảo dưỡng sau. Với cách làm như vậy, lượng xe được rửa nhiều hơn, bảo đảm được cường độ làm việc cho công nhân và khách hàng thì hài lòng vì không phải chờ đợi.

Ngoài ra, anh còn là người triển khai phương pháp “Rửa xe không chạm”. Với phương pháp mới này, thay vì phải phun bọt, lấy khăn chà lên từng vết bẩn, người công nhân chỉ cần phun dung dịch bọt (pha theo liều lượng quy định) lên bề mặt xe, bọt sẽ tự động kéo vết bẩn xuống. Nhờ đó, giảm tỷ lệ lỗi xước xe, công nhân trong Tổ rửa xe bớt phần vất vả và giúp công ty tiết kiệm nhiều chi phí, trong khi số lượt xe được rửa sạch tăng cao.

Có lần lái xe của khách đưa vào khu bảo dưỡng, sửa chữa, thấy các đồng nghiệp loay hoay tháo hộp số xe ra sửa, nhưng trong hộp số có nhiều dầu, nên khi cầm bằng tay rất trơn, rơi cả vào chân, anh đã suy nghĩ và chế tạo một thanh gá dài, bắt vào hộp số đó.

Mỗi khi tháo lắp hộp số, người thợ có điểm tựa để cầm, tay không bị dính dầu và không sợ hộp số rơi vào chân. Anh cũng giúp các đồng nghiệp khu sửa chữa tạo ra bộ đệm guốc phanh, hạn chế sự va chạm làm sứt mẻ má phanh khi thực hiện tháo guốc phanh; chế tạo ghế đa năng khi tháo lắp, vệ sinh nội thất xe.

Với sự sáng tạo trong lao động, anh đã được Ban lãnh đạo Công ty TNHH Toyota Thanh Xuân và đồng nghiệp tin tưởng, đánh giá cao, được bổ nhiệm làm quản lý một bộ phận khác của đơn vị từ tháng 7/2021. Cũng trong năm 2021, anh Tùng đã vinh dự được tặng danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô”.

Theo anh Tùng, đây không chỉ là niềm vinh dự đối với cá nhân mà còn là động lực để anh tiếp tục phấn đấu, chăm chỉ lao động và không ngừng sáng tạo vì một tập thể phát triển hơn nữa.

Hà Phong

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/nhung-cay-sang-kien-trong-lao-dong-san-xuat-161502.html