Những câu hỏi khó chờ HĐQT doanh nghiệp mùa Đại hội Cổ đông 2024

Lại một mùa Đại hội cổ đông nữa đang đến gần. Trước tình hình kinh doanh bết bát, doanh thu và lợi nhuận không đạt chỉ tiêu, chậm hoặc thậm chí không chi trả cổ tức đúng hẹn... Hội đồng quản trị (HĐQT) nhiều công ty đang đứng trước rất nhiều câu hỏi có thể phải trả lời trong ĐHCĐ năm nay.

Doanh thu và lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp không đạt chỉ tiêu kế hoạch

Trong năm 2023, tình hình kinh tế khó khăn khiến rất nhiều công ty thuộc các ngành nghề bị rơi vào tình trạng tăng trường âm, nhiều công ty không đạt chỉ tiêu kế hoạch, thậm chí có công ty chỉ đạt chưa đến 20% chỉ tiêu kế hoạch đặt ra trong kỳ Đại hội Cổ đông trước.

Với việc giá phân bón giảm xuống, cùng chi phí đầu vào vẫn duy trì ở mức cao, nhiều công ty phân bón đang đối mặt với một bức tranh kinh doanh khá khó khăn, không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm. Tổng CTCP Phân bón và Hóa chất Dầu khí - Đạm Phú Mỹ (Mã DPM - HoSE) là một thí dụ khi mới đây công ty này công bố báo cáo tài chính năm 2023 với 13.569 tỷ đồng doanh thu thuần - giảm hơn 5.000 tỷ so với năm trước đó. Con số này chỉ tương đương 78% kế hoạch đã đề ra. Trong khi đó, Công ty CP Phân bón Bình Điền (HoSE: BFC), cũng đạt doanh thu thuần năm 2023 là 8.588 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,08% so với năm 2022. Tuy nhiên, do chi phí bán hàng của BFC tăng, kéo lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp chỉ còn 196,2 tỷ đồng, giảm 20%. Năm 2023, BFC đặt kế hoạch đạt 220 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Như vậy, BFC cũng mới chỉ hoàn thành 89% kế hoạch lợi nhuận năm.

Cũng giống các doanh nghiệp phân bón, doanh số nhiều doanh nghiệp thủy sản cũng khiến nhiều cổ đông thất vọng. Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (mã VHC), doanh nghiệp đầu ngành cá tra vừa công bố báo cáo tài chính lũy kế cả năm lãi sau thuế hợp nhất 949,6 tỷ đồng, giảm tới 53% so với mức thực hiện trong năm 2022 và chỉ hoàn thành 89,7% kế hoạch đề ra.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Nam Việt (ANV) ghi nhận kết quả kinh doanh tiêu cực hơn nhiều, với doanh thu 1.110,8 tỷ đồng, giảm 2,9% so với cùng kỳ; lỗ 0,52 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ 2023 lãi 106,53 tỷ đồng. Lũy kế cả năm 2023, Nam Việt ghi nhận doanh thu 4.439,12 tỷ đồng, giảm 9,3% so với năm 2022; lợi nhuận trước thuế đạt 67,62 tỷ đồng, giảm hơn 90% so với năm trước đó. Với kết quả này, Công ty chỉ thực hiện được 22,5% kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2023 (ở mức 300 tỷ đồng).

Ngành bất động sản cũng không khả quan hơn khi nhiều doanh nghiệp đặt ra chỉ tiêu trên trời, nhưng thực tế lại chỉ hoàn thành chưa đến 50% kế hoạch.

Điển hình như Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Group, mã DIG), khép lại năm 2023, DIG đạt gần 1.028 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm hơn 46% so với cùng kỳ. Tuy nhiên nhờ chi phí giảm mạnh và doanh thu tài chính, phần lãi từ công ty liên doanh, liên kết tắc mạnh, DIG vẫn lãi ròng gần 173 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2022. Năm 2023, DIG đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 4.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hợp nhất 1.400 tỷ đồng, lần lượt tăng 98% và 604% so với thực hiện năm 2021. So với kế hoạch, doanh nghiệp này mới thực hiện được 32% chỉ tiêu doanh thu và 15% chỉ tiêu lợi nhuận.

Quốc Cường Gia Lai ghi nhận doanh thu thuần 2023 chỉ đạt 432 tỷ đồng, giảm xấp xỉ 3 lần so với năm trước. Đây là mức doanh thu thấp nhất trong vòng 6 năm trở lại đây. Lợi nhuận gộp cũng lao dốc mạnh khi chỉ đạt 83 tỷ đồng, giảm 40% so với mốc 137 tỷ của năm trước. Sau trừ đi tất cả chi phí, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 10 tỷ đồng, cũng là mức thấp nhất trong vòng một thập kỷ qua. Như vậy, kết quả này kém xa so với kỳ vọng doanh thu đạt 900 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 50 tỷ đồng mà ban lãnh đạo công bố tại đại hội cổ đông thường niên.

Đây là tình trạng chung của nhiều doanh nghiệp bất động sản trong năm 2023. Nhiều doanh nghiệp còn rất khó khăn khi thị trường địa ốc còn trầm lắng. Sức khỏe tài chính của các công ty còn rất yếu, gánh nặng nợ trái phiếu đã bào mòn túi tiền trong bối cảnh dòng tiền từ bán hàng vốn đã rất eo hẹp.

Doanh nghiệp nhiều lần trì hoãn, cổ đông dài cổ chờ cổ tức

Chưa thu xếp được nguồn tiền, việc thu hồi công nợ, thu hồi vốn tại các công trình đang thi công gặp khó khăn…là những lý do được các doanh nghiệp sử dụng để biện minh cho việc chây ỳ cổ tức từ năm này qua năm khác.

CTCP Đầu tư Phát triển và Khu công nghiệp Sông Đà (Sudico, mã SJS) mới đây nhất đã thông qua việc lùi thời gian trả cổ tức năm 2016 và 2017 với tổng tỷ lệ là 20% bằng tiền từ ngày 30/06/2023 sang ngày 31/12/2024. Đây là lần thứ 9 công ty trì hoãn thanh toán cổ tức 2016 và lần thứ 5 trì hoãn trả cổ tức 2017 cho cổ đông. Lý do đưa ra vẫn quen thuộc khi cho biết tình hình tài chính còn khó khăn, Công ty chưa thu xếp được nguồn tiền. Tổng cộng cổ đông SJS đã chờ đợi gần 7 năm song cổ tức vẫn chưa thể về tay.

Đại hội cổ đông của CTCP Đầu tư Phát triển và Khu công nghiệp Sông Đà 2023

Mặc dù vậy, đây không phải là khoản cổ tức chậm trễ nhất.

Tại CTCP Sông Đà 3 (mã SD3), công ty vừa có thông báo hoãn thanh toán cổ tức năm 2015 sang tới ngày 31/12/2024. Trong thông báo đầu tiên, SD3 dự kiến thanh toán vào 31/8/2015, song tới nay, thời gian đã kéo dài thêm 9 năm 4 tháng. Trong thông báo gần nhất, SD3 cho biết do chủ đầu tư chưa thu xếp được nguồn vốn thanh toán tiền nên dòng tiền không đáp ứng được nhu cầu thanh toán cổ tức như kế hoạch đề ra.

Tương tự , Licogi Quảng Ngãi (LQN) mới nhất đã "khất" cổ tức cổ đông thêm tới 2 năm, từ 29/9/2023 thành 30/9/2025. Công ty đã hơn chục lần ra thông báo thay đổi thời gian thanh toán cổ tức, tổng cộng thời gian trì hoãn đã hơn 8 năm kể từ thời điểm thanh toán công bố lần đầu.

Trong văn bản gần nhất, LQN cho biết đã cố gắng làm việc với đối tác để có nguồn tiền, tuy nhiên, do tình hình khó khăn kéo dài, các khoản phải thu dự kiến từ đối tác không đúng như kỳ vọng, cần có thêm nhiều thời gian để cân đối nguồn tiền mặt.

CTCP Lilama 45.4 (mã L44) cũng tương tự, cổ đông đã bị trì hoãn thêm gần 9,5 năm và vẫn chưa thể bỏ túi số cổ tức năm 2012 (14%) và 2013 (3%), tổng số tiền cần chi khoảng gần 7 tỷ đồng. Công ty này đã 9 lần thay đổi thời gian thanh toán của 2 đợt cổ tức. Nguyên nhân hầu hết do Công ty đang tạm ngưng hoạt động sản xuất kinh doanh để tiến hành phương án tái cấu trúc doanh nghiệp; đồng thời gặp nhiều khó khăn về tài chính, còn nợ tồn đọng tiền lương người lao động, các khoản phải nộp ngân sách (thuế, bảo hiểm…) với số tiền lớn. Do vậy, chưa thu xếp được nguồn tiền để thanh toán cổ tức.

Căn cứ tại khoản 4 Điều 135 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về việc trả cổ tức, thời điểm thanh toán cổ tức cho cổ đông được xác định là sau khi kết thúc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên và cổ tức phải được thanh toán trong vòng 06 tháng. Nhiều luật sư cho rằng, đối với doanh nghiệp chậm chi trả cổ tức quá thời gian quy định, chế tài cho việc này chưa có quy định cụ thể, bởi đây là việc nội bộ của mỗi doanh nghiệp.

Tuy nhiên, cần phải thêm chế tài để đảm bảo quyền lợi cho các cổ đông mà cụ thể ở đây là những cổ đông nhỏ, bởi vì trên thực tế có nhiều doanh nghiệp 4-5 năm trời không trả cổ tức cho cổ đông. Trong đó, cần thiết lập một mức phạt tài chính đủ lớn để đảm bảo rằng doanh nghiệp sẽ chịu hậu quả nếu không thực hiện cam kết trả cổ tức. Mức phạt có thể được tính dựa trên tỷ lệ hoặc số tiền cổ tức cam kết và nó phải đủ cứng rắn để gây áp lực đối với doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, có thể áp dụng chế tài bằng hình thức cấm kinh doanh và cấm tham gia thị trường đối với doanh nghiệp không trả cổ tức theo cam kết. Điều này có thể gây áp lực mạnh đối với doanh nghiệp và tạo ra hậu quả nghiêm trọng nếu họ không thực hiện đúng theo cam kết của mình.

Khi nào cổ phiếu "về bờ"?

Đây cũng là một trong những câu hỏi được dự đoán sẽ rất nóng trong Đại hội Cổ đông năm nay. Dường như, giá cổ phiếu là vấn đề quan tâm hàng đầu tại các cuộc họp ĐHCĐ của doanh nghiệp niêm yết, đặc biệt là trong trường hợp cổ phiếu của doanh nghiệp bị giảm mạnh.

Tính từ đỉnh 16/8/2023 đến nay, cổ phiếu VIC của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã mất gần 40% thị giá. Kết phiên 27/2, cổ phiếu này chỉ còn 45.150 đồng/cp. Mức giá này còn rất xa so với đỉnh 75.300 đồng/cp mà cổ phiếu này thiết lập hôm 16/8, và càng xa hơn với những cổ đông nắm giữ cổ phiếu của họ Vin từ tháng 4/2021 (tại thời điểm này, giá cổ phiếu VIC đang là hơn 128.000 đồng/cp). Diễn biến cổ phiếu VIC diễn biến không mấy khả quan ngay cả khi Tập đoàn Vingroup công bố báo cáo tài chính 2023 với tổng doanh thu thuần hợp nhất cả năm lên đến 161.634 tỷ đồng, tương đương khoảng 6,6 tỷ USD. Đây là mức doanh thu lớn nhất của Vingroup từ trước đến nay, kéo đồ thị doanh thu tăng trưởng mạnh trở lại sau 4 năm chững lại.

Trong không ít cuộc họp ĐHCĐ các năm trước, nhiều cổ đông đã đứng lên chất vấn với nội dung: Đề nghị doanh nghiệp có chương trình truyền thông phù hợp để hỗ trợ và cải thiện giá cổ phiếu và thanh khoản.

Tuy nhiên, sau những bức xúc hoặc quan tâm đầu tiên về giá, cái mà nhà đầu tư hiểu là sẽ tác động không nhỏ đến giá cổ phiếu, vẫn là lợi nhuận. Đi kèm với những con số về doanh thu, lợi nhuận đó là các kế hoạch kinh doanh cụ thể, nhất là phương án kinh doanh với các dự án được kỳ vọng có lợi nhuận cao hoặc các dự án bị tồn đọng. Đây cũng sẽ là bài toán mà HĐQT các công ty cần phải chuẩn bị trước câu trả lời trong mùa ĐHCĐ sắp tới.

Hương Trần

Nguồn Thị Trường Tài Chính: https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/chung-khoan/nhung-cau-hoi-kho-cho-hdqt-doanh-nghiep-mua-dai-hoi-co-dong-2024-120972.html