Những bước tiến mới của ngành Kỹ thuật Phòng không – Không quân

'Xây dựng Quân chủng Phòng không – Không quân (PK-KQ) cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại' là xu thế tất yếu, là đòi hỏi cấp bách trong tình hình hiện nay.

Trước yêu cầu đẩy nhanh lộ trình hiện đại hóa, Quân chủng PK-KQ đã tiếp nhận và đưa vào sử dụng nhiều loại vũ khí, trang bị kỹ thuật thế hệ mới, hiện đại của các lực lượng như: Không quân; radar; tên lửa; pháo cao xạ; phòng không lục quân. Ngành Kỹ thuật quân chủng đã xây dựng một lộ trình đảm bảo công tác kỹ thuật rất cụ thể, rõ ràng, với những bước đi sáng tạo, phù hợp với đặc điểm, tình hình nhiệm vụ hiện nay.

Những kết quả đáng ghi nhận

Một điểm nhấn quan trọng mang tính đột phá chiến lược trong công tác kỹ thuật của Quân chủng PK-KQ là việc sửa chữa đồng bộ, nâng cấp vũ khí, trang bị kỹ thuật. Lần đầu tiên sau gần 20 năm sử dụng, Việt Nam đã làm chủ hoàn toàn quy trình sửa chữa, tăng tổng niên hạn máy bay tiêm kích Su-27 và sửa chữa cục bộ máy bay chiến đấu Su-30.

Sau khi sửa chữa tại nhà máy, Su-27 đã có thêm 8-9 năm sử dụng, Su-30 đã có thêm 3 năm sử dụng, góp phần bổ sung kịp thời máy bay, khí tài cho các đơn vị huấn luyện bay, diễn tập ném bom, bắn đạn thật, sẵn sàng chiến đấu với độ tin cậy cao, bảo đảm an toàn tuyệt đối.

Sửa chữa máy bay tiêm kích Su-27 mang số hiệu 8526.

Đại tá Đỗ Văn Tài, Giám đốc Nhà máy A32 cho biết, sau khi rời xưởng, Su-27 số hiệu 8526 ngay lập tức quay trở lại thành phần trực chiến của Không quân nhân dân Việt Nam. Đặc biệt là với sự thể hiện của Su-27 số hiệu 8526 trong các cuộc diễn tập ném bom, bắn đạn thật tiêu diệt mục tiêu mặt đất thời gian qua, đã chứng minh năng lực của Việt Nam trong việc sửa chữa lớn các chiến đấu cơ hiện đại.

Còn đối với những hệ thống tên lửa phòng không S-125M được Việt Nam tiếp nhận từ đầu những năm 1970 của thế kỷ trước. Qua nhiều năm hoạt động, các tính năng kỹ chiến thuật của hệ thống tên lửa phòng không S-125M đã bị tụt hậu trong tác chiến phòng không hiện đại. Nhằm đảm bảo khả năng chiến đấu cũng như nâng cao tính năng kỹ chiến thuật của hệ thống S-125M đang có trong biên chế, Quân chủng PK-KQ đã cùng với đối tác nâng cấp S-125M lên chuẩn S-125-2TM.

Sau cải tiến, nâng cấp, khả năng phát hiện mục tiêu của S-125-2TM tăng đáng kể, vùng tiêu diệt được mở rộng, tăng khả năng sống còn của vũ khí trang bị.

Đại tá Phạm Tiến Dũng, Trưởng Phòng Tên lửa, Cục Kỹ thuật PK-KQ chia sẻ: “Dự án này đánh giá được khả năng, trình độ của đội ngũ cán bộ làm công tác kỹ thuật của Quân chủng PK-KQ, các đồng chí đã nhanh chóng tiếp thu, làm chủ vũ khí, khí tài, đặc biệt là tự chủ trong công tác bảo đảm kỹ thuật cho tổ hợp tên lửa S-125-2TM cải tiến, ngay cả trong điều kiện diễn tập bắn đạn thật, cũng không còn cần sự hỗ trợ của chuyên gia nước bạn. Đó là một trong những thành tựu đáng ghi nhận trong công tác kỹ thuật của Quân chủng PK-KQ”.

Thành tựu trên chỉ là một trong những kết quả của Quân chủng PK-KQ trong việc duy trì, đảm bảo kỹ thuật và nâng cấp vũ khí, trang bị có trong biên chế.

Kỹ thuật “đi trước, đón đầu”

Đại tá Trần Trung Kiên, Cục trưởng Cục Kỹ thuật đánh giá sự khởi sắc của ngành Kỹ thuật Quân chủng PK-KQ, không thể không nhắc tới công tác bảo đảm kỹ thuật phục vụ nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, quản lý vùng trời theo tiến trình hiện đại hóa của quân chủng; ưu tiên vũ khí có hàm lượng công nghệ cao, tích hợp lớn để từng bước rút kinh nghiệm, hoàn thiện quy trình nâng cấp, cải tiến.

Cùng với đó, ngành Kỹ thuật quân chủng các đơn vị thường xuyên duy trì nền nếp như: Ngày kỹ thuật, chế độ sấy máy, kiểm tra hằng ngày tình trạng kỹ thuật vũ khí trang bị trực sẵn sàng chiến đấu; quy định về vệ sinh an toàn lao động, vệ sinh công nghiệp, bảo dưỡng trang bị, kỹ thuật... Qua công tác kiểm tra, kiểm định an toàn kỹ thuật đã giúp đơn vị quản lý chặt chẽ về số lượng, chất lượng trang bị, kỹ thuật, kịp thời hiệu chỉnh các tham số, phát hiện, khắc phục kịp thời hỏng hóc phát sinh. Mỗi ban, bệnh đều được ngành tập trung phân tích, tìm rõ nguyên nhân để có hướng khắc phục và được ghi chép, lưu trữ, làm cơ sở cho việc theo dõi, khắc phục hỏng hóc sau này.

Sửa chữa và bảo đảm kỹ thuật máy bay Yak-52.

Xác định con người là yếu tố quyết định trong công tác bảo đảm kỹ thuật, ngành Kỹ thuật quân chủng đã tham mưu, chỉ đạo, tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ của cán bộ và kiến thức, tay nghề cho nhân viên kỹ thuật; tổ chức tốt các hội thi, hội thao, kiểm tra nâng bậc thợ kỹ thuật; thực hiện đưa cán bộ, nhân viên kỹ thuật trẻ, ít kinh nghiệm xuống các đơn vị trực tiếp làm chuẩn bị trang bị kỹ thuật để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

Trung tá Hoàng Bá Thái, Kho 334, Cục Kỹ thuật QC PK-KQ cho biết: “Trước hết là việc nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật, tập trung phát huy khả năng hiện có và bằng nội lực để tạo chuyển biến mới cho công tác kho tàng, trạm, xưởng của đơn vị”.

Bên cạnh đó, ngành Kỹ thuật quân chủng còn thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Quản lý, khai thác vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và an toàn giao thông”; đẩy mạnh thực hiện phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật; ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác chuyên môn kỹ thuật đạt được nhiều kết quả tốt.

Nghĩ lớn, nghĩ tổng thể

Thiếu tướng Phạm Tuấn Anh, Phó tư lệnh Quân chủng PK-KQ khẳng định, bên cạnh những kết quả đạt được thì cũng phải nhìn nhận, công tác bảo đảm an toàn kỹ thuật của Quân chủng PK-KQ có thời điểm chưa thật sự vững chắc, độ tin cậy của trang bị, kỹ thuật còn hạn chế. Việc quy hoạch đào tạo sử dụng đội ngũ cán bộ khai thác trang bị, kỹ thuật, quản lý và trực tiếp làm công tác kỹ thuật còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng tính kế thừa, yêu cầu đổi mới trang bị và đổi mới tư duy, phương thức bảo đảm theo yêu cầu hiện đại hóa trang bị, kỹ thuật của quân chủng.

Để khắc phục những tồn tại hạn chế nêu trên, ngành Kỹ thuật đã tích cực tham mưu cho Đảng ủy, Bộ tư lệnh quân chủng đẩy mạnh thực hiện các nghị quyết, trong đó tập trung vào một số những giải pháp nổi bật là nâng cao năng lực của đội ngũ kỹ thuật để nắm chắc được tính năng kỹ chiến thuật của từng loại trang bị, kỹ thuật được biên chế; đổi mới phương thức bảo đảm kỹ thuật; hoàn chỉnh biên chế tổ chức cho đội ngũ kỹ thuật của các đơn vị; định hướng các nghiên cứu, đề tài, đề án, nhiệm vụ cho từng nhà máy, từng đơn vị và cuối cùng là xây dựng ngành kỹ thuật chính quy, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ mới.

Con người là yếu tố quyết định của ngành Kỹ thuật Quân chủng PK-KQ.

Bảo đảm tốt công tác kỹ thuật đã trở thành động lực quan trọng, quyết định tới tiến trình xây dựng Quân chủng PK-KQ “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”. Nhiệm vụ này cần được thực hiện một cách đồng bộ, thường xuyên, có chương trình, kế hoạch cụ thể cùng với ý chí quyết tâm mạnh mẽ của các cơ quan, đơn vị.

Để thực hiện được điều đó, các cơ quan, đơn vị cần phải vào cuộc, có sự thay đổi trong nhận thức và hành động, thống nhất quan điểm “nghĩ lớn, nghĩ tổng thể nhưng bắt đầu từ những việc nhỏ nhất, có hiệu quả rõ rệt”. Cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên chức, người lao động luôn đoàn kết, khắc phục khó khăn, không ngừng học tập, rèn luyện xây dựng bản lĩnh chính trị, nâng cao trình độ chuyên môn, quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng Quân chủng PK-KQ vững mạnh toàn diện, “mẫu mực, tiêu biểu”, theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Bài, ảnh: DƯƠNG THANH TÙNG

Phóng sự Điều tra xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cuoc-thi-viet-nganh-ky-thuat-quan-doi-hanh-trinh-tien-len-hien-dai/nhung-buoc-tien-moi-cua-nganh-ky-thuat-phong-khong-khong-quan-767363