Những bức ảnh nhiều cảm xúc

Những bức ảnh đẹp với nhiều người khuyết tật như là một chuyện khá xa vời. Những mặc cảm, tự ti khiến họ chưa một lần có đủ tự tin đứng trước ống kính.

Câu chuyện từ những bức ảnh

Câu chuyện từ những bức ảnh

Giờ đây, khi ngồi nhớ lại ngày cưới không có một bức ảnh, vợ chồng anh Nguyễn Minh Chiến, chị Nguyễn Thị Bích (ấp Đá Hàn, xã Hiệp Thạnh, huyện Gò Dầu) không khỏi tiếc nuối. Chị Bích nhớ lại: “Hai vợ chồng bị khuyết tật, ngày cưới, chúng tôi cũng đã đi đặt áo dài, chụp ảnh, nhưng do mặc cảm, tự ti vì khuyết tật tôi đã không thực hiện mà hủy sau đó. Ngày cưới, tôi không tô son điểm phấn gì cả”.

Sau gần 20 năm thành vợ thành chồng, mới đây, anh Chiến, chị Bích thật xúc động khi nhìn những bức ảnh cưới của vợ chồng mình được chụp miễn phí theo phong cách studio hẳn hoi. Bức ảnh cưới đẹp nhất được anh chị rửa ra, lộng vào khung treo ở vách nhà.

Với những bức ảnh cưới được chụp mới đây cũng là lần hiếm hoi chị Bích được tô son điểm phấn. Những việc tưởng đơn giản nhưng với một phụ nữ khuyết tật như chị Bích gần 40 năm qua luôn xem là xa lạ. Chị nói: “Vì tôi nghĩ mình xấu lại khuyết tật nên không muốn vô hình đâu”. Nhưng khi nhìn gương mặt mình được trang điểm chị Bích lại thấy thích thú vì “mình lạ”. Thỉnh thoảng, chị lại mở ảnh xem và rất hạnh phúc.

Khuyết tật đôi chân, anh Chiến đi đứng khó khăn, mới đây anh được khoác lên người bộ quần áo đẹp và chụp ảnh cưới với vợ mình. Anh vui lắm vì thấy mình “bảnh bao” hơn.

Vợ chồng anh Chiến chia sẻ: “Nếu có một dịp nào được chụp ảnh, chúng tôi muốn được chụp ảnh gia đình cùng với các con mình”.

Chị Thái Thị Như Phương, 38 tuổi, ngụ ấp Ninh Hưng I, xã Chà Là, huyện Dương Minh Châu tham gia buổi chụp ảnh cùng với anh Chiến và chị Bích. Đây cũng là lần hiếm hoi chị Phương được trải nghiệm chụp ảnh phong cách studio. Chị nói, lần đầu tiên mình chụp ảnh dạng này. Đây lại là buổi chụp ảnh dành cho những anh chị khuyết tật nên rất vui.

Chị Phương là người yêu thích làm đẹp, chị hay tìm tòi học cách trang điểm trên mạng, dịp này được thử tay nghề. Chị Phương nói: “Với từng chị tôi sẽ tìm mẫu và tư vấn cho các chị để phù hợp với tuổi tác. Vì vậy, khi trang điểm xong, các chị đều hài lòng và vui lắm. Tôi cũng vui vì giúp được các chị”.

Chị Phương thường tham gia các hoạt động cộng đồng dành cho người khuyết tật. Chị qua vài lần chụp ảnh chân dung studio, ảnh xuân vào năm 2022. Chị chia sẻ: “Chụp ảnh khiến tôi thấy tự tin hơn nhiều lắm”.

Trước đây, chị Phương ít mặc áo dài, mặc đầm thì chỉ chọn những loại dài qua gối để che chắn khuyết điểm đôi chân mình. Nhưng qua nhiều hoạt động, trải nghiệm của bản thân thì chị đã thấy tự tin diện nhiều kiểu trang phục và tạo dáng chụp hình. “Có nhiều bức ảnh đẹp tôi thấy vui hơn. Những lần tiếp theo tôi sẽ vận động thêm nhiều chị em trong câu lạc bộ cùng tham gia, xem như một cách rèn luyện sự tự tin cho bản thân”- chị Phương nói.

Người truyền cảm hứng

Người mang đến buổi chụp ảnh, tổ chức các hoạt động cộng đồng cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh là chị Nguyễn Thị Thanh Thúy, ngụ khu phố Ninh Thọ, phường Ninh Sơn, thành phố Tây Ninh.

Chị Thúy chia sẻ rằng, mình có trải nghiệm chụp những bức ảnh chân dung đầu tiên vào tháng 4 năm nay, trong một chuyến tham gia làm từ thiện ở Kiên Giang. Những bức ảnh đăng lên, được nhiều người trong cộng đồng yêu thích và bày tỏ mong muốn có những bức ảnh đẹp như vậy.

Chị Thúy liên hệ với một nhiếp ảnh gia tại Thành phố Hồ Chí Minh, người đã chụp những bức ảnh cho mình và được hỗ trợ. Vậy là chị lên kế hoạch, ý tưởng để tập hợp những người khuyết tật trong các CLB trên địa bàn tỉnh tham gia. Buổi chụp ảnh được diễn ra sau đó hơn một tháng tại nhà chị Thúy với hơn 10 người.

Chị chia sẻ: “Lúc đầu các anh chị vẫn còn ngại ngùng lắm, vậy là mình phải xung phong làm mẫu, tạo dáng để mọi người có cảm hứng. Và may mắn là buổi chụp ảnh đã thành công, mang lại nhiều niềm vui”.

Theo chị Thúy, những buổi chụp ảnh cho chị những trải nghiệm “lần đầu tiên” như mặc váy đầm, áo tứ thân, tạo kiểu. Bị sốt bại liệt từ nhỏ, đôi chân không đứng được nên với chị Thúy có dịp mặc vào những trang phục mới lạ, chị thấy rất hào hứng.

Chị Thúy rất thích những bức ảnh của mình. Chị chia sẻ: “Chụp những bức ảnh như vậy thấy mình xinh xắn hơn. Tôi muốn những bức ảnh đẹp trở thành nguồn cảm hứng cho các anh chị khuyết tật thêm tự tin, bớt mặc cảm để hòa nhập với cộng đồng. Dù trên cơ thể mình có khiếm khuyết gì cũng đừng nên mặc cảm nữa”.

Theo chị Thúy, qua buổi chụp ảnh còn nhiều anh chị lo ngại về khuyết tật của mình sẽ khó chọn các kiểu đồ, nhiều người lần đầu tiên được mặc đầm, áo dài, vest… nhưng thử rồi thấy không khó như mình tưởng.

Chị Thúy cho biết nhiều lần tổ chức những buổi họp mặt cho thành viên các CLB Người khuyết tật trong tỉnh. Cuối năm 2022, chị lên kế hoạch và tổ chức một buổi họp mặt cho khoảng 50 người khuyết tật trong nội ô Tòa thánh Cao Đài.

Đó vừa là họp mặt, vừa để được tham quan Tòa thánh của nhiều anh chị khuyết tật. Chị Thúy nói: “Buổi đó, có chương trình chụp ảnh xuân tập thể cho mọi người. Mọi người đã diện áo dài đủ màu sắc và tự tin tạo dáng chụp ảnh”.

Chị Thúy còn tổ chức chuyến đi giao lưu tại Long Điền Sơn. Hiện chị ấp ủ kế hoạch đưa mọi người tham quan đỉnh núi Bà, vì chị muốn các anh chị trong cộng đồng người khuyết tật được tham quan, biết đến những cảnh đẹp của Tây Ninh mình. Không những vậy, chị Thúy còn là cầu nối giới thiệu cảnh đẹp của Tây Ninh đến bạn bè khuyết tật các tỉnh khác.

Để thực hiện những chuyến đi, buổi họp mặt cho người khuyết tật chị Thúy không ngại bỏ công, kiên trì cùng những bạn bè liên lạc nhiều ngày. Đầy vẻ tự tin, chị Thúy nói rằng khi mình bắt tay vào làm sẽ thấy có rất nhiều người luôn sẵn lòng hỗ trợ người khuyết tật, chứ mình không hề bị bỏ rơi.

Chị bày tỏ: “Tôi rất vui vì đã giúp được các anh chị hòa nhập, bớt mặc cảm. Nhiều anh chị sau chuyến đi còn nhắc hoài. Từ đó, bản mình thêm tự tin hơn vì làm việc có ích cho cộng đồng”.

Có thể nói những việc làm của chị Thúy cùng những người bạn đồng hành đã và đang kéo dần những người khuyết tật rời khỏi bóng tối của tự ti, mặc cảm, giúp họ hòa nhập. Chị Thúy luôn mong ước có thêm nhiều hoạt động cho người khuyết tật được tham gia và lan tỏa ra cộng đồng, góp phần giúp họ thêm tự tin vì được sự yêu thương, chia sẻ.

Vi Xuân

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/nhung-buc-anh-nhieu-cam-xuc-a167494.html