Những bữa tiệc trà xa hoa của giới quý tộc Anh

Văn hóa uống trà chiều xuất hiện ở Anh hơn 200 năm. Những bữa tiệc trà lớn có tới hàng trăm khách mời, đây là dịp để người trong giới thượng lưu gặp gỡ, trò chuyện.

 Tranh vẽ một buổi tiệc trà của giới quý tộc Anh. Ảnh: Travellive.

Tranh vẽ một buổi tiệc trà của giới quý tộc Anh. Ảnh: Travellive.

[...] Một nửa quả địa cầu và những khác biệt không thể tưởng tượng được đã ngăn cách nơi trà được trồng và nơi trà được thưởng thức nhiều nhất. Trong khi các phu trà từ Bengal đang chết trên các đồn điền trà ở Ấn Độ, và những người nô bộc ở Trung Quốc đang vật lộn để mang ba trăm pound trà vượt qua những ngọn núi dốc, thì trà cuối cùng đã là một hiện tượng xã hội ảnh hưởng đến cuộc sống của cả quý tộc và thường dân Anh.

Ý tưởng về trà chiều như một bữa ăn và một sự kiện xã hội đã được cả thế giới cho là của Anna Maria Stanhope, Nữ công tước Bedford (1783 - 1857), phu nhân của vị công tước thứ bảy. Bà chắc hẳn đã thường xuyên trải nghiệm điều được gọi là “cảm xúc đi xuống” vào giữa bữa trưa và bữa tối. Cho rằng một chút thức ăn có thể giúp ích, bà bắt đầu uống trà và nhấm nháp những món mặn nhỏ vào buổi chiều muộn.

Trong nửa đầu của thế kỷ 19, bữa trưa là một bữa ăn nhỏ được thực hiện vào giữa ngày và cho đến tám giờ tối bữa tối mới được dọn. Nữ công tước nhận thấy rằng uống trà với một ít thức ăn vào buổi chiều rất có lợi và dễ chịu đến nỗi, chẳng bao lâu bà bắt đầu mời bạn bè tham gia bữa ăn chiều nhỏ này cùng mình tại lâu đài Belvoir vào khoảng năm giờ chiều. Thực đơn thường bao gồm bánh ngọt nhỏ, bánh mì và bơ, nhiều loại kẹo khác nhau, và dĩ nhiên là cả trà nữa.

Hoạt động này đã thành công và đem lại cảm giác dễ chịu tại dinh thự mùa hè của bà đến nỗi khi gia đình trở lại Luân Đôn vào mùa thu, Anna tiếp tục mời bạn bè đến “uống trà và đi dạo trên cánh đồng” (gần Luân Đôn có rất nhiều cánh đồng.) Hoạt động này cũng thu hút những người khác, và chẳng mấy chốc, nhiều người đã sao chép ý tưởng của bà.

Có lẽ phải đến giữa thế kỷ 19, trà chiều muộn mới trở thành một phong tục được thiết lập trên khắp đất nước, và vẫn chỉ ở trong giới nhà giàu. Nữ hoàng Victoria yêu trà, và sự nhiệt tình của bà cho bữa tiệc trà chiều khiến nó trở nên phổ biến hơn. Tiệc chiêu đãi trà chiều được giới thiệu tại Cung điện Buckingham vào năm 1865.

 Cuốn sách Lịch sử của trà mang đến nhiều kiến thức thú vị về trà. Ảnh: H.H.

Cuốn sách Lịch sử của trà mang đến nhiều kiến thức thú vị về trà. Ảnh: H.H.

Với sự phát triển phổ biến của việc phục vụ trà cho bạn bè và gia đình, đương nhiên một bộ quy tắc mới cũng ra đời. Nghi thức trà đã trở thành mốt thời thượng, và những tập tục cũng như từ vựng mới nhanh chóng phát triển.

Có nhiều loại bữa ăn và sự kiện khác nhau được gọi là “trà”. Ngày nay, các thuật ngữ “trà thấp” và “trà cao” thường được sử dụng không chính xác tại Mỹ.

“Trà thấp” thường chỉ một sự kiện trang trọng khi trà và thức ăn được phục vụ trên những chiếc bàn thấp bên cạnh những chiếc ghế bành mà khách ngồi. Mặt khác, “trà cao” trước giờ dùng để chỉ một sự kiện gia đình ít trang trọng hơn, phục vụ lúc 5:30 hoặc 6:00, khi những người lao động đi làm đồng về và trẻ em đi học về.

Trà cao, đôi khi còn được gọi là “trà thịt”, là một bữa ăn quan trọng hơn nhiều được phục vụ trên bếp hoặc bàn ăn, và bao gồm các loại thịt, súp, bánh pudding, kẹo, và rất nhiều trà ngon. Bởi vậy “Trà cao” không dùng để chỉ “xã hội thượng lưu” mà chỉ chiều cao của bàn.

“Trà tại gia” và “tiệc chiêu đãi trà” là những sự kiện xã hội lớn thường có tới hai trăm khách. Mọi người ghé qua bất cứ lúc nào từ bốn đến bảy giờ tối để thưởng thức những món ăn và trà rất phong phú.

Năm 1878, Samuel Phillips Day đã viết trong cuốn sách Trà: Điều bí ẩn và Lịch sử, về những gia đình thuộc tầng lớp lao động, “Thứ ban đầu được coi là xa xỉ, giờ đây nếu không phải một điều cần thiết tuyệt đối thì ít nhất cũng đã trở thành một trong những nhu cầu chúng ta quen thuộc hàng ngày. Được tất cả tầng lớp sử dụng, không chỉ được phục vụ như một phần trong chế độ ăn uống mà còn như một thứ nước giải khát và tiếp thêm sinh lực, không thể đánh giá trà là quá sang trọng”.

Vào thời điểm Nữ hoàng Victoria qua đời năm 1901, trà là thức uống dành cho đại chúng ở Anh. Tầm quan trọng của trà đối với tầng lớp thấp hơn đã được minh chứng bởi những người phụ nữ ở các ngôi làng nhỏ (đặc biệt là ở xứ Wales), những người đôi khi tụ họp cùng nhau thành lập các “câu lạc bộ trà”.

Mục đích của các câu lạc bộ này là họp mặt vào buổi chiều, uống trà với nhau, tâm sự, tư vấn và những việc đại loại như thế. Khi tiền khan hiếm, họ cũng chia sẻ trách nhiệm với nhau, một người phụ nữ mang trà, một người khác làm bánh quy hoặc bánh mì nhỏ, một người nữa mang ấm trà.

Laura C Martin/ Huy Hoàng Books

Nguồn Znews: https://znews.vn/nhung-bua-tiec-tra-xa-hoa-cua-gioi-quy-toc-anh-post1451260.html