Những bộ truyện tranh tốt cho người thích học tiếng Anh

Từ truyện siêu anh hùng cho tới các tác phẩm kinh điển như Peanuts, Garfield, có rất nhiều bộ comic thú vị, thích hợp để rèn luyện kỹ năng đọc trong tiếng Anh.

Một trong những cách tốt nhất để làm quen, học hỏi ngôn ngữ mới chính là nghiên cứu văn học hoặc các văn bản đọc của quốc gia, địa phương đó. Đặc biệt, việc đọc sách báo, ấn phẩm, truyện tranh bằng tiếng Anh sẽ là phương pháp đơn giản và hữu hiệu đối với mọi người để nắm bắt ngôn ngữ, cách nói cách viết cũng như các hình ảnh ẩn dụ độc đáo. Theo John Dodge (trang CBR), dưới đây sẽ là danh sách những tác phẩm truyện tranh “hoàn hảo” đối với những người muốn nâng cao kỹ năng đọc của minh trong tiếng Anh.

Prince Valiant được sáng tác bởi Hal Foster từ năm 1937. Cho đến nay, tác phẩm này vẫn nằm trong số những bộ truyện tranh ấn tượng với phần hình ảnh tuyệt đẹp, những câu thoại đặc trưng trong tiếng Anh. Đây có thể là tác phẩm khởi đầu hoàn hảo cho những ai muốn đọc truyện với 100% tiếng bản ngữ. Prince Valiant có bối cảnh vào thời vua Arthur và tập trung chính vào nhân vật vương tử Valiant cùng những cuộc phiêu lưu của anh ấy. Trên hành trình đó, độc giả sẽ được tiếp cận với nhiều chi tiết nghệ thuật cùng lối văn xuôi hoa mỹ thời bấy giờ. Tác phẩm này được rất nhiều độc giả, nhà phê bình đánh giá cao về mặt ngôn ngữ.

Trái ngược với các bộ truyện tranh khác về Người Dơi, The Batman Adventures là sự tiếp nối từ loạt phim hoạt hình phi thường của Bruce Timm và Paul Dini. Tạo hình nhân vật cùng lời thoại đều được “thiết kế” sao cho phù hợp với lứa tuổi. Chính bởi vậy, bộ truyện tranh rất thích hợp để học hỏi cách viết cũng như khả năng đọc tiếng Anh.

X-Men là loạt truyện về các dị nhân sở hữu siêu năng lực đặc biệt của Marvel. Tác phẩm sở hữu nhiều cảnh hành động đẹp mắt. Bên cạnh đó, nó cũng không thiếu những chi tiết mang tính học thuật cao cũng như những từ ngữ có khả năng biểu cảm lớn. Bộ comic God Loves, Man Kills của Chris Claremont là một ví dụ điển hình khi đã đẩy được vấn đề này lên một tầm cao mới. Cuộc tranh luận giữa Cyclops và William Stryker đã biến bộ truyện trở thành một cuốn sách tuyệt vời dành cho những ai muốn có những bài học về xã hội học với một số thuật ngữ đặc biệt.

Loạt truyện Scrooge McDuck của Carl Barks được biết đến từ lâu với những cuộc phiêu lưu hài hước của nhân vật chính cùng tên, ba cháu trai của ông ta và chú vịt Donald nổi tiếng. Ngôn ngữ được sử dụng bên trong tác phẩm gần gũi, dễ hiểu và dễ ghi nhớ. Được biết, Scrooge McDuck của Carl Barks đã ảnh hưởng đến rất nhiều nhà sáng tạo sau này, chẳng hạn như đạo diễn phim Steven Spielberg và nhà sáng tạo Astro Boy Osamu Tezuka. Qua đó, độc giả có thể thấy được sức hấp dẫn lớn của tác phẩm đầy sáng tạo này của Carl Barks.

Calvin & Hobbes là một cái tên khác quen thuộc đối với độc giả yêu thích comic. Lần đầu tiên được giới thiệu dưới dạng truyện tranh hàng tuần vào năm 1985, Calvin và Hobbes là một trong những thương hiệu truyện tranh được yêu thích và dễ nhận biết nhất trong lịch sử nước Mỹ. Tác phẩm đã có khoảng thời gian hoàng kim đầy ấn tượng trên toàn thế giới. Nhân vật chính là Calvin, một cậu bé tinh nghịch, thông minh cùng chủ hổ nhồi bông của cậu, Hobbes. Bộ truyện tranh trình bày chi tiết nhiều chủ đề kích thích tư duy thông qua sự hóm hỉnh và trào phúng của một đứa trẻ, đồng thời dựa vào vốn từ vựng tương đối nhỏ giúp phần lớn độc giả nước ngoài cũng có thể dễ nhận biết ngay cả đối với những người vẫn đang làm quen với tiếng Anh.

Năm 1950, Charles Schultz đã giới thiệu cho người Mỹ về thế giới của Peanuts - Bộ truyện tranh mang tính biểu tượng xoay quanh một nhóm trẻ em phải đối mặt với những tình huống vượt quá độ tuổi của mình. Kết quả là, chúng lớn lên và phát triển một cách đầy thú vị, mang đến nhiều khoảnh khắc đáng nhớ. Peanuts đã phát triển hơn 50 năm, cho nên đây là một nguồn học tiếng Anh tuyệt vời, không chỉ về nội dung và còn ở mặt từ vựng.

Giống với các tác phẩm trên, Garfield của Jim Davis có lẽ là một trong những thương hiệu truyện tranh nổi tiếng nhất của Mỹ và dần trở thành biểu tượng toàn cầu. Bên cạnh giá trị kinh tế trăm triệu USD mỗi năm, tác phẩm còn mang lại giá trị cho những người đang làm quen, học hỏi, nghiên cứu tiếng Anh. Những câu thoại đơn giản nhưng đầy tính châm biếm, mỉa mai sẽ mang đến cho độc giả các cấu trúc đặc trưng mà vẫn dễ hiểu.

Được tạo ra bởi Wily Miller, Non Sequitur lần đầu tiên xuất hiện trên báo vào năm 1992. Trong những năm qua, Non Sequitur đã áp dụng cách kể chuyện nhiều khung, với lời thoại gần gũi, dễ tiếp cận. Bất chấp sự thay đổi dần dần của nền công nghiệp truyện tranh nói chung, Non Sequitur vẫn giữ được chất riêng của mình khi tạo ra những câu chuyện cười đầy hài hước, dựa trên những tình huống khó xử về mặt đạo đức kết hợp với lối chơi chữ độc đáo. Non Sequitur luôn là điểm khởi đầu tuyệt vời cho những độc giả muốn mở rộng hiểu biết của họ về tiếng Anh.

Hứa Mộc

Theo CBR

Nguồn Znews: https://znews.vn/nhung-bo-truyen-tranh-tot-cho-nguoi-thich-hoc-tieng-anh-post1471084.html