Những bộ sưu tập bị rao bán sau tuyên bố vỡ nợ của danh họa

Trong cuộc đời nghệ sĩ nhiều bước thăng trầm của mình, Rembrandt từng bị phá sản. Ông phải bán đi căn nhà và bộ sưu tập nghệ thuật đắt giá mà không đủ tiền để trang trải nợ nần.

 Bức "Bữa tiệc của Belshazzar" của Rembrandt (khoảng 1636-1638) , sơn dầu trên toan, Phòng trưng bày Nghệ thuật Quốc gia, London, Vương quốc Anh.

Bức "Bữa tiệc của Belshazzar" của Rembrandt (khoảng 1636-1638) , sơn dầu trên toan, Phòng trưng bày Nghệ thuật Quốc gia, London, Vương quốc Anh.

Frans Bruijningh, thư ký của văn phòng chuyên phụ trách về tình trạng vỡ nợ ở Amsterdam, đã soạn thảo tài liệu chính thức về tài sản bị rao bán của Rembrandt với tiêu đề: “Bản kê khai các bức tranh cũng như đồ nội thất và đồ đạc trong nhà được tìm thấy trong tài sản của Rembrandt van Rijn, sống ở Breestraat gần Sint Antoniessluis”. Danh sách được soạn ra trong ngày 25 và 26 tháng 7 năm 1656.

Việc vỡ nợ, thay vì phá sản, sẽ hạn chế các khiếu nại tài chính đối với Rembrandt. Nó cho ông nhiều quyền kiểm soát hơn trong việc bán tài sản của mình cũng như khả năng mua ngôi nhà khác. Với các nhà sử học ngày nay, bản kê khai tài sản do Bruijningh biên soạn - một danh mục tài sản của Rembrandt trước khi bán - cho thấy mối quan tâm của nghệ sĩ đối với mỹ thuật và nghệ thuật trang trí. […]

Bản kê khai tài sản năm 1656

Bản kê khai các đồ gia dụng được thực hiện trên cơ sở từng phòng một. Ở hành lang có 12 bức tranh của Rembrandt, bốn bức của Jan Lievens và bốn bức của Adriaen Brouwer, một bức của HerculesSeghers, và một bức “đã được hoàn thiện” bởi Hendrick Anthonisz, và 42 bức tranh nữa trong phòng chờ, gồm tranh lịch sử, tranh phong cảnh đất liền và tranh phong cảnh biển của Rembrandt, Jan Porcellis, Simon de Vlieger, Jan Pynas, Lucas van Valckenborch và các nghệ sĩ khác. […]

 Chân dung tự họa (khoảng 1665-1669), sơn dầu trên toan. Nguồn: paula.la.

Chân dung tự họa (khoảng 1665-1669), sơn dầu trên toan. Nguồn: paula.la.

Người thư ký phụ trách kiểm kê tiếp tục đi lên cầu thang xoắn ốc đến căn phòng nghệ thuật. Tại đây, trong số 150 đồ vật được ghi thành từng mục riêng, có nhiều đạo cụ nghệ thuật của Rembrandt, bao gồm bộ sưu tập gần như hoàn thiện những bức tượng bán thân của các hoàng đế La Mã, cộng thêm “tám khuôn đúc thạch cao cỡ lớn từ vật mẫu”, bao gồm một khuôn đúc gương mặt Thân vương Maurits xứ Orange.

Bản danh sách ghi lại từng món trong bộ sưu tập mề đay, và hai quả cầu lớn - một cái có thể là quả địa cầu, cái còn lại là thiên cầu, cùng một tuyển tập các món vũ khí, gồm các cây kích, mũ sắt và khiên; đồ lịch sử tự nhiên, đồ quý hiếm, và bộ sưu tập khổng lồ các bản in và hình vẽ của Rembrandt.

Bộ sưu tập này nằm trong 25 cuốn album và sách. Người ta ước tính rằng ông sở hữu khoảng 9.000 tờ giấy riêng biệt chứa các hình vẽ của chính ông, và 4.000 bản in của mình. Bên cạnh đó, khoảng 1.500 bản in trong những bộ sưu tập của ông là sáng tác của các nghệ sĩ khác, chủ yếu là tác phẩm của Italy và Hà Lan trong thế kỷ 16. […]

Bán các bản in và các hình vẽ

Việc bán một hay hai tác phẩm cùng lúc có thể chứng minh được tiềm năng lợi nhuận, nhưng nếu để hàng hóa tràn lan trên thị trường thì giá trị tức thời của các tác phẩm sẽ giảm đi. Hẳn là khó khăn với Rembrandt khi ông phải chứng kiến người thư ký kiểm kê tài sản đi từ phòng này sang phòng khác, lập danh sách các tác phẩm nghệ thuật mà ông đã tích trữ xuyên suốt sự nghiệp của mình, biết rằng chúng sẽ bị bán đi.

Tổng số tiền thu về ở buổi đấu giá thấp hơn so với giá thị trường thông thường của chúng.

Các tác phẩm nghệ thuật của Italy

Bộ sưu tập nghệ thuật của Rembrandt gồm tám bức tranh của những nghệ sĩ người Italy, hoặc từ những người vẽ theo phong cách của họ, và một bộ sưu tập còn lớn hơn nữa với các bản in và hình vẽ đến từ Italy, mà rõ ràng là ông đã nghiên cứu và học hỏi từ đó.

Có bốn cuốn sách về các bản in của Antonio Tempesta (1550–1630), và bức tranh khắc axit Săn sư tử (The Lion Hunt, k. 1629) của Rembrandt, có liên quan chặt chẽ đến một bức tranh khắc của Tempesta, bức Săn sư tử (The Lion Hunt, 1590).

Một lần nữa, tranh khắc axit của Rembrandt, Jupiter và Antiope (Jupiter and Antiope, 1631), cho thấy những điểm tương đồng với tranh khắc axit Jupiter và Antiope (Jupiter and Antiope, 1592), của Annibale Carracci (1560–1609).

Việc bán các tài sản có thể đã bao gồm một số tác phẩm của Federico Barocci (1528-1612), bởi có mối liên kết mạnh mẽ về mặt bố cục giữa bức tranh khắc axit của Barocci, Đức Mẹ Đồng trinh và Chúa Hài Đồng trên những đám mây (Virgin and Child in the Clouds, 1570-1580), và tranh khắc axit của Rembrandt Đức Mẹ Đồng trinh và Chúa Hài Đồng trên những đám mây (Virgin and Child in the Clouds, 1641), một chủ đề lạ thường, và có liên quan tới Công giáo.

“Cuốn sách quý của Andrea Mantegna”

Nghệ sĩ người Bắc Italy thuộc thời sơ kỳ Phục Hưng Mantegna (1431-1506) đã truyền cảm hứng cho nhiều nghệ sĩ Italy và châu Âu, những người vốn biết đến các tác phẩm của ông. Rembrandt từng sở hữu cuốn sách in các tác phẩm của Andrea Mantegna. Việc tập sách này được chú thích là “quý giá” trong bản kê khai tài sản năm 1656 cho thấy sự kính trọng của người nghệ sĩ đối với Andrea Mantegna. Bố cục bức Bài giảng giải phẫu của bác sĩ Joan Deyman, 1656 của Rembrandt theo sát tác phẩm Lời khóc than Chúa Jesus qua đời (The Lamentation over the Dead Christ, (1483) của Mantegna.

Rosalind Ormiston / Omega Plus - NXB Dân trí

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-bo-suu-tap-bi-rao-ban-sau-tuyen-bo-vo-no-cua-danh-hoa-post1359784.html