Những biến số tác động tới lợi nhuận ngân hàng 6 tháng cuối năm

Tăng trưởng lợi nhuận ngành ngân hàng dự kiến suy giảm và tiếp tục có sự phân hóa lớn giữa các nhóm ngân hàng khi hoạt động kinh doanh của ngành chịu nhiều yếu tố ảnh hưởng tiêu cực từ kinh tế vĩ mô.

Trái với nhiều lo ngại tại thời điểm cuối năm ngoái, thị trường tiền tệ diễn biến khá tích cực nửa đầu năm khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhanh chóng xoay chiều chính sách từ trạng thái “chắc chắn và thực hiện được đa mục tiêu” sang “nới lỏng nhưng linh hoạt”, tức vẫn bảo đảm mục tiêu ổn định được kinh tế vĩ mô, nhờ lạm phát được kiểm soát tốt, thanh khoản hệ thống dồi dào hơn. Ngoài ra, tăng trưởng huy động vốn của các ngân hàng vẫn ổn định, mặt bằng lãi suất liên tục được cơ quan quản lý điều chỉnh giảm, giúp các ngân hàng dần kéo giảm chi phí vốn đầu vào.

Tuy nhiên, đây chỉ là điều kiện cần để các ngân hàng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận cả năm, còn điều kiện đủ là khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp và trả nợ đúng hạn của doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế đối mặt với nhiều yếu tố bất định; các doanh nghiệp bất động sản phải đối mặt với điều kiện tín dụng thắt chặt, biến động lãi suất, khó khăn trong việc tiếp cận nguồn tài chính khác.

Thực tế, tăng trưởng tín dụng giai đoạn từ đầu năm 2023 tới cuối tháng 6 chỉ ở mức 4,73%, thấp nhất trong vòng 13 năm qua. Tăng trưởng cung tiền (M2) trong cùng giai đoạn cũng chỉ đạt 2,7%, thấp hơn nhiều so với mức 3,8% ghi nhận trong cùng giai đoạn năm 2022 và mức 7% của cùng giai đoạn năm 2019, cho thấy việc cung tiền ra nền kinh tế rất thấp. Vòng quay tiền 6 tháng đầu năm chỉ đạt 0,67 lần, tức tương đương vòng quay tiền thấp của cả năm 2022.

Việc giảm mặt bằng lãi suất cho vay – huy động sẽ giúp các ngân hàng giảm áp lực chi phí và mở rộng tín dụng nửa cuối năm. Ảnh: LÊ VŨ

Phía sau khoản lợi nhuận nghìn tỉ

Thống kê từ báo cáo tài chính quí 2-2023 của 27 ngân hàng niêm yết cho thấy tổng lợi nhuận trước thuế đạt khoảng 124.128 tỉ đồng sau 6 tháng đầu năm 2023, giảm 3,6% so với cùng kỳ 2022. Theo đó, một số ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trên 10.000 tỉ đồng như Vietcombank với 20.500 tỉ đồng, BIDV với 13.800 tỉ đồng, MBBank với hơn 12.700 tỉ đồng, VietinBank với hơn 12.500 tỉ đồng.

Ngược lại, một số ngân hàng ghi nhận lợi nhuận 6 tháng đầu năm với mức sụt giảm lớn so với cùng giai đoạn năm trước. Chẳng hạn, Viet Capital Bank báo lợi nhuận dưới 40 tỉ đồng – giảm 89%; ABBank là 679 tỉ đồng – giảm 59%; VPBank là 5.162 tỉ đồng – giảm 66%, riêng ngân hàng mẹ VPBank đạt 7.897 tỉ đồng – giảm 48%; LPBank là 2.446 tỉ đồng – giảm 32%; SeABank là 2.016 tỉ đồng – giảm 28%; Eximbank là 1.405 tỉ đồng – giảm 26%; VietABank là 522 tỉ đồng – giảm 16%.

Thực tế, lợi nhuận các ngân hàng giảm là kết quả đã được dự báo từ trước, do mức nền so sánh cao của cùng kỳ năm trước và những tác động tiêu cực sau giai đoạn chạy đua lãi suất huy động, rồi tiếp nối là khó khăn của việc cho vay. Nhưng chất lượng tài sản có xu hướng suy giảm với tỷ lệ nợ xấu đã tăng từ 1,9% vào cuối quí 1 lên mức 2,1% vào cuối quí 2 là yếu tố đáng lo ngại.

Đáng lưu ý, các ngân hàng có mô hình kinh doanh tập trung vào bán lẻ và cho vay tiêu dùng đều ghi nhận tỷ lệ nợ xấu cuối quí 2-2023 tăng mạnh so với cuối năm 2022 như ABBank tăng từ 2,9% lên 4,6%, ngân hàng mẹ VPBank tăng từ 2,8% lên 3,9%, VIB tăng tăng từ 2,5% lên 3,6%.

Về quy mô nợ xấu, VPBank ghi tổng nợ xấu ở mức 31.864 tỉ đồng tính tới 30-6-2023 – tăng 27% so với cuối năm 2022. Với BIDV là 25.970 tỉ đồng – tăng 47%, Agribank là 25.945 tỉ đồng – tăng 9%, VietinBank là 17.308 tỉ đồng – tăng 10%, TPBank là 3.900 tỉ đồng – tăng 188%, Sacombank là 8.226 tỉ đồng – tăng 91%, NamABank là 3.515 tỉ đồng – tăng 81%, VietABank là 1.659 tỉ đồng – tăng 74%, MSB là 3.496 tỉ đồng – tăng 70%, LPBank là 5.656 tỉ đồng – tăng 65%, Techcombank là 5.002 tỉ đồng – tăng 65%.

Nợ xấu gia tăng, nhưng không phải ngân hàng nào cũng tăng cường trích lập dự phòng.

Bà Nguyễn Thị Phương Thanh, chuyên gia Khối Phân tích Công ty Chứng khoán VNDirect, cho biết thống kê từ báo cáo tài chính của 25 ngân hàng niêm yết lớn nhất hệ thống cho thấy tỷ lệ nợ xấu đến cuối quí 2 đã tăng lên 2,1%, nhưng tỷ lệ bao phủ nợ xấu lại giảm từ mức 106% xuống còn 98%.

“Điều này có nghĩa nợ xấu tăng nhưng các ngân hàng lại giảm trích lập dự phòng rủi ro tín dụng”, bà Thanh phân tích.

Ghi nhận từ báo cáo tài chính quí 2-2023 của các ngân hàng cũng cho thấy chỉ có 3 ngân hàng cải thiện được tỷ lệ bao phủ nợ xấu là Vietcombank, Kienlongbank và SHB với mức tăng lần lượt là 70%, 4%, 4% so với thời điểm đầu năm. Ngược lại, MB giảm tỷ lệ bao phủ nợ xấu từ 238% xuống còn 156%.

Thậm chí, nhiều ngân hàng nhỏ ghi nhận tỷ lệ bao phủ nợ xấu dưới mức 50% như OCB, Saigonbank, VietABank, NamABank, PGBank, ABBank, VietBank.

Nợ xấu gia tăng trong khi bộ đệm dự phòng rủi ro giảm sút, việc xử lý nợ xấu của các ngân hàng dự kiến đối mặt với nhiều khó khăn hơn khi doanh nghiệp và nền kinh tế đều phục hồi chậm, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng (VNBA), cho biết thực trạng nợ xấu của các tổ chức tín dụng hiện nay rất đáng lo ngại khi các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã từng bước phục hồi sản xuất – kinh doanh, nhưng đến nay nhiều doanh nghiệp vẫn chưa đủ khả năng trả nợ các khoản nợ đã được cơ cấu lại và khoản nợ đến hạn, gây ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng. Nỗi lo này tiếp tục gia tăng do việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng Covid-19 đã hết hiệu lực.

Ngoài ra, việc xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ trên thực tế gặp nhiều vướng mắc khi hành lang pháp lý cho hoạt động xử lý nợ còn chưa đồng bộ, bên cạnh những khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng các quy định pháp luật khác.

“Một số doanh nghiệp cho biết họ đã hết nguồn lực, điều này dẫn đến ngân hàng gặp khó khi thu hồi các khoản nợ. Tỷ lệ nợ xấu thời gian tới sẽ tiếp tục tăng”, ông Hùng nói tại một hội thảo về xử lý nợ xấu.

Cũng theo ông Hùng, chất lượng tài sản suy giảm, vấn đề kiểm soát nợ xấu của ngân hàng gặp nhiều khó khăn. Do đó, việc bán tài sản bảo đảm, đặc biệt là các khoản nợ lớn cần tổ chức bán nợ theo giá thị trường khó thực hiện trong điều kiện thị trường bất động sản gặp khó khăn.

Bên cạnh rủi ro nợ xấu, việc mở rộng tín dụng của các ngân hàng cũng gặp khó khăn. Tín dụng trong nửa đầu năm nay của toàn hệ thống chỉ tăng 4,7%, bằng một nửa tốc độ của cùng kỳ năm trước.

Lý giải nguyên nhân, ông Đinh Ngọc Dũng, Phó giám đốc phụ trách khối ngân hàng doanh nghiệp thuộc Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn – Hà Nội (SHB), cho biết hoạt động của khu vực doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, dòng tiền gián đoạn, hàng tồn kho nhiều, thậm chí một số doanh nghiệp phải giảm bớt người lao động. Giá nguyên vật liệu nhập khẩu tăng cao dẫn tới giá cả hàng hóa tăng, trong khi sức mua của nền kinh tế cả trong nước và thế giới đều suy giảm, gây khó khăn về đầu ra tiêu thụ sản phẩm do thiếu đơn hàng, điều này dẫn đến nhu cầu vay vốn mới để sản xuất giảm sút.

“Dù đã triển khai rất nhiều giải pháp song tăng trưởng tín dụng của ngân hàng nửa đầu năm nay vẫn chậm”, ông Dũng chia sẻ tại một hội nghị.

Còn báo cáo của SSI Research cho biết tốc độ tăng trưởng tín dụng trong quí 2-2023 vẫn yếu so với quí 1 ở hầu hết các ngân hàng. Theo đó, chỉ số ít ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng khoảng 5-6,5% so với quí trước gồm ACB, OCB, MB và VPBbank. Động lực tăng trưởng là tín dụng cho ngành thương mại, sản xuất, bất động sản và xây dựng tại MB; cho vay sản xuất – kinh doanh bất động sản tại VPBank và cho vay tài trợ vốn lưu động tại ACB.

Cẩn trọng trước biến động từ thị trường trái phiếu và bất động sản

Về thách thức với ngành ngân hàng, bà Phạm Liên Hà, Giám đốc nghiên cứu ngành dịch vụ tài chính của Công ty chứng khoán TPHCM (HSC), nhận định rủi ro về trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) và bất động sản vẫn hiện hữu với các ngân hàng trong 6 tháng cuối năm.

Với bất động sản, bà Hà đánh giá đây là là ngành có tính chu kỳ, ngoài yếu tố về cung cầu và còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác như mặt bằng lãi suất, pháp lý, cung tiền, vốn qua kênh tín dụng hay TPDN.

Cụ thể, sau 4 năm tăng trưởng nhanh, trái phiếu trở thành một trong những kênh huy động vốn quan trọng cho doanh nghiệp. Nhưng khi tín dụng ngân hàng và hoạt động phát hành TPDN đều bị kiểm soát chặt thì nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp BĐS, gặp khó khăn.

“Điều này gây ảnh hưởng tiêu cực lên tăng trưởng của nền kinh tế và gia tăng rủi ro cho ngành ngân hàng”, bà Hà đánh giá tại một hội thảo diễn ra trong tháng 7-2023.

Cũng theo bà Hà, tín dụng qua cho vay và đầu tư trái phiếu các dự án BĐS hiện chiếm khoảng 6% tổng tín dụng, cho vay mua nhà chiếm 15% tổng tín dụng ngân hàng. Còn tỷ lệ nắm giữ TPDN trong hệ thống ngân hàng hiện ở mức 2,4%.

Đáng lưu ý, có khoảng 97.000 tỉ đồng trái phiếu bất động sản bị quá hạn trả nợ, gồm quá hạn trả nợ gốc, quá hạn trả nợ lãi và cả trái phiếu đã được cơ cấu lại kỳ hạn tính từ đầu năm 2023 tới cuối tháng 6-2023 – chiếm 74% trong tổng số trái phiếu bị quá hạn. Tổng trái phiếu bị quá hạn hiện chiếm 12% tổng số dư trái phiếu. Tỷ lệ nợ xấu TPDN nói chung chiếm khoảng 12% và tỷ lệ nợ xấu của trái phiếu bất động sản chiếm khoảng 24,4%.

“Số liệu tính đến giữa tháng 5-2023 cho thấy các doanh nghiệp phát hành trái phiếu thường có cơ cấu vốn bao gồm cả trái phiếu và vay ngân hàng với tỷ lệ chiếm phần lớn là TPDN, khoảng 73%, còn lại vay ngân hàng và các khoản vay khác chiếm 27%”, bà Hà nói và cho rằng ngay cả khi ngân hàng không nắm giữ trái phiếu vẫn có thể chịu rủi ro khi doanh nghiệp không trả được nợ trái phiếu, vì khi đó những doanh nghiệp này cũng không có khả năng trả được nợ ngân hàng.

Thực tế, tình trạng chậm trả nợ trái phiếu của số lượng lớn các doanh nghiệp khiến rủi ro nợ xấu gia tăng, gây áp lực lên chi phí trích lập của hệ thống ngân hàng. Cụ thể, lãi suất cho vay của các ngân hàng duy trì ở mức cao bất chấp nỗ lực hạ lãi suất điều hành của NHNN.

Ngoài ra, những khó khăn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng khiến thanh khoản tắc nghẽn, đặc biệt ở nhóm doanh nghiệp bất động sản. Tất cả các yếu tố trên đã phản ánh vào chi phí lãi vay quí 1-2023 của các doanh nghiệp niêm yết với mức tăng tới 37% so với cùng kỳ năm 2022, từ đó kéo theo kết quả kinh doanh kém khả quan, đặc biệt ở các doanh nghiệp bất động sản khi lợi nhuận quí 1-2023 giảm 24%, theo Công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV).

Cơ hội tăng trưởng nào cho các ngân hàng nửa cuối năm?

Bà Phạm Liên Hà nhận định cơ hội lớn đối với ngành ngân hàng trong nửa cuối năm là lãi suất. Cụ thể, lãi suất đã giảm tương đối nhanh trong 6 tháng đầu năm 2023, nhất là trong quí 2.

Điều này giúp lãi suất điều hành giảm về mức trước đại dịch, lãi suất liên ngân hàng cũng trở về mức tương đương trước dịch. Mặt bằng lãi suất tiền gửi cũng giảm nhanh trong nửa đầu năm.

Theo bà Hà, lãi suất ảnh hưởng nhiều nhất tới chi phí vốn ngân hàng là lãi suất huy động, đã giảm từ 110-240 điểm cơ bản so với đỉnh trong giai đoạn cuối tháng 12-2022 – đầu tháng 1-2023.

“Việc giảm lãi suất đã diễn ra nhanh hơn so với các dự báo trước đây và sẽ giúp mặt bằng chi phí vốn giảm, tạo điều kiện cho ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng như tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng cuối năm 2023”, bà Hà đánh giá.

Còn Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng giảm tốc trong năm 2023 với tốc độ tăng trưởng dự kiến chỉ đạt khoảng 10% do tăng trưởng tín dụng thấp, biên lãi thuần (NIM) thu hẹp và nợ xấu tăng lên. Theo đó, VCBS hạ dự báo tốc độ tăng trưởng tín dụng xuống khoảng 12% trong năm 2023 do lãi suất cho vay ở mức cao và sức khỏe tài chính của khách hàng suy giảm.

Trước đó, trong quí 1-2023, NIM toàn ngành cũng thu hẹp, giảm xuống 3,68% từ mức 3,81% cuối năm 2022. Chỉ tiêu này dự kiến tiếp tục thu hẹp trong quí 2-203 khi nguồn vốn huy động giá cao vẫn chưa được hấp thụ hết, đồng thời với việc nguồn vốn giả rẻ CASA (tiền gửi thanh toán) giảm mạnh.

Với nửa cuối năm nay, VCBS cho rằng áp lực thu hẹp NIM sẽ hạ thấp, tuy nhiên mức độ cải thiện phân hóa giữa các nhóm ngân hàng.

“Việc tăng lãi suất huy động đã bắt đầu được phản ánh vào NIM, trong khi tín dụng tăng chậm lại, các khoản nợ chậm trả có xu hướng gia tăng”, báo cáo của VCBS viết.

Đơn vị này cũng dự báo sẽ xuất hiện sự phân hóa về triển vọng lợi nhuận giữa các nhóm ngân hàng với một số ngân hàng thuộc nhóm quy mô nhỏ sẽ tiếp tục giảm tốc, thậm chí tăng trưởng âm trong trường hợp thị trường bất động sản và tình hình vĩ mô thế giới xấu đi khiến tín dụng chậm lại và khả năng trả nợ của khách hàng khó hồi phục.

Vân Phong

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/nhung-bien-so-tac-dong-toi-loi-nhuan-ngan-hang-6-thang-cuoi-nam/