Những bến sông ở phía thượng nguồn Vàm Cỏ Đông

Ðấy là ở thượng nguồn Vàm Cỏ Ðông, con sông thương nhớ của người Tây Ninh, đã vào đủ cả thơ, ca, nhạc họa. Hay là do nhạc họa, vì quá hay nên cứ tự vang lên mà nhắc nhở con người đừng quên nó.

Bến Năm Chỉ

Mỗi năm, tôi có đôi lần đi ngược “con đường sứ” ngày xưa, tìm tới các bến sông. Ðấy là ở thượng nguồn Vàm Cỏ Ðông, con sông thương nhớ của người Tây Ninh, đã vào đủ cả thơ, ca, nhạc họa. Hay là do nhạc họa, vì quá hay nên cứ tự vang lên mà nhắc nhở con người đừng quên nó. Và thế là lòng tự nhủ lòng, là sẽ lên với Cây Ổi, Băng Dung, hay Lò Gò, Bến Ra trên tận ngọn nguồn sông.

Tôi vừa nhắc tới Bến Ra, dù ngày nay không còn bến nữa, nhưng đọc lại sách “Tây Ninh Ðất và Người” của nhóm tác giả Nguyễn Thanh Lợi, mới hay Bến Ra chính là bến qua sông đầu tiên từ Campuchia sang, trên “con đường sứ”.

Ngày nay, bến nằm lọt thỏm giữa vùng lõi của Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát. Vẫn còn một con đường mòn len lỏi giữa rừng cây hơi dốc xuống mé bờ sông. Và, hai bên bến tràn ngập một sắc tre xanh óng ả. Những bụi tre rậm dày nghiêng ra sông, có cả những vòi măng vàng ửng lung lay trong gió sớm. May là tôi đến lúc rừng chưa kịp hoàn nguyên. Ðể thấy được nơi này rất nhiều lá trung quân- thứ lá lợp nhà trong các khu căn cứ của Trung ương Cục và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam thời kháng chiến chống Mỹ.

Tôi lại nhớ bến Lò Gò. Dường như ở đấy có nhà trạm đầu tiên của Vườn quốc gia. Nhưng đây không phải là bến sang sông, mà chỉ là bến dừng chân cho những ghe, thuyền từ hạ nguồn sông lên ghé lại. Quang cảnh ở đây hùng vĩ lắm. Bởi bờ bên phía Ðông là Lò Gò, đã có gò cao lại cao thêm chót vót bóng cây rừng. Ðã thế còn chằng chịt dây leo tạo những khối hình chênh vênh hiểm trở.

Cách đây gần 10 năm, có một anh cán bộ từ Hà Nội vào cứ nằng nặc đòi dẫn lên bến Lò Gò. Bởi kháng chiến chống Mỹ anh từng có mặt chiến đấu trên bến sông này - mà anh coi là một bến sông lịch sử. Tôi theo, và đã lặng người đi trước vẻ đẹp chông chênh hoành tráng của bến Lò Gò. Thú vị nhất với tôi là được gặp lại vô số bông hoa mã đề thơ mộng trên bến Lò Gò.

Vẫn là những chiếc lá lả lướt dài như một bàn tay thiếu nữ; và bông hoa trắng mỏng manh như những nụ hoa nhài… Cùng với mã đề, vùng sông này còn nở đầy hoa súng. Súng hồng và súng vàng, súng trắng. Cọng mỏng manh vươn lên, xòe ra những cánh thon như thể những bông đồng tiền sang trọng, mà vẫn giữ cho mình một nét duyên quê thầm kín. Thế thôi!

Từ Lò Gò, xuôi dòng xuống chừng hơn 6km đường sông là tới một bến sang sông, lúc nào cũng đông vui tấp nập. Ðấy là bến Năm Chỉ thuộc xã Hòa Hiệp. Từ bến vào chợ xóm Giữa chỉ khoảng 3km. Ðây là nơi qua sông của đủ thứ hàng nông sản, từ cây mía, củ mì cho đến các bao than. Năm bảy năm về trước, bến có một con phà gỗ nhỏ, chỉ chở được chừng 10 xe máy. Vậy mà nay đã được thay bằng những con phà mới cao to gắn máy nổ tưng bừng. Phà cũ chỉ qua bằng cách kéo dây cáp chăng ngang.

Nghe người dân mách, phà mới là do Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) sở hữu, để phục vụ chuyên chở nông sản từ những dự án nông nghiệp liên kết bên kia biên giới. Tôi tin, vì đã từng chứng kiến những con phà gỗ nhỏ bé ngày xưa chở nặng những bao củ mì tươi sang sông bán cho các nhà máy bên này. Phà cập bờ, những xe máy cày ủn rơ-moóc tới để nhân công vác những bao củ mì xếp chồng cao chất ngất. Tại đây, trên bến có một trạm chốt của đồn biên phòng Lò Gò, gọi là chốt Cây Sung. Bên kia cũng có vài ngôi nhà đơn sơ của chốt biên phòng nước bạn. Chỉ sơ sài vậy thôi, mà cũng đã tưng bừng một vùng sông nước còn thâm nghiêm bóng cả cây rừng.

Xuôi theo dòng nước trong xanh sông Vàm Cỏ Ðông thêm chừng 12 cây số nữa sẽ đưa ta về một bến sông lịch sử khác. Ðấy là bến Trung Dân. Bên tả ngạn sông là đất xã Phước Vinh, còn bên hữu ngạn là ấp Tân Ðịnh, xã Biên Giới. Cách đây chưa lâu, Tân Ðịnh còn gọi là Lồ Cồ- một cái tên đã nằm trong thương nhớ của nhiều người kháng chiến. Nhớ! Vì trong cuộc Tổng tiến công mùa xuân 1968, đây là nơi: “một trung đội dân công (Phước Vinh) đi chuẩn bị chiến trường trước 6 tháng, đã đi từ Cầu Ðương đến Tà Bôi vác võ khí nhiều lượt, sẵn sàng đưa ra phía trước lúc Tổng tấn công xuân 68” (sách Truyền thống cách mạng xã Phước Vinh, 1985).

Nhớ! Vì đã có hàng trăm người dân Phước Vinh tình nguyện đi dân công. Khi thì “vác võ khí từ kho hậu cần của tỉnh xuống Gò Dầu cho d14…”; lúc lại: “vác đạn xuống tàu chở qua xóm Ruộng để phục vụ đánh Trảng Lớn” (Sđd). Và nhớ! Vì một thế hệ thầy cô và học sinh trường Hoàng Lê Kha kháng chiến cũng không thể quên chiến dịch tham gia vác đạn từ Cầu Ðương vượt sông, băng qua quốc lộ 22B về Trà Vong, Suối Nút cho Tiểu đoàn 5 Pháo binh, trút đạn xuống chi khu quân sự Tây Ninh vào đúng dịp tết của mùa Xuân năm 1968 anh hùng.

Nhờ cây cầu Phước Trung mới bắc qua sông Vàm Cỏ Ðông mà bây giờ ta rất dễ dàng đến được Cầu Ðương. Ðấy là trên con đường vành đai biên giới. Một cây cầu bê tông. Dưới chân cầu, nước rạch Cầu Ðương bình thản trôi lờ lững. Không gian đã chìm vào im vắng. Còn đâu những sôi động một thời kháng chiến chưa xa.

Kể cho chính xác, thì cầu Phước Trung còn cách bến Trung Dân khoảng 1km phía thượng nguồn, nơi được gọi là Vàm Trảng Trâu đây, thưa quý bạn! Gọi là vàm, bởi nơi này là một ngã ba sông. Ðây là nơi mà sách “Ðại Nam nhất thống chí” miêu tả là: “trên phía tây, nước chia thành hai đường, dòng phía bắc tục gọi “Cái Bát”, đi về phía Bắc hơn 100 dặm đến suối cùng (đầu nguồn); dòng phía tây tục gọi “Cái Cạy” đi về phía tây 150 dặm đến suối cùng, đều là đất thông liền của rừng Quang Hóa…”.

Cũng là nhờ sách “Tây Ninh Ðất và Người”, mà ta sẽ biết thêm chiều dài 2 nhánh Cái Bắc và Cái Cạy trên đường biên giới Việt Nam - Campuchia. Phần phụ lục của sách cho biết dòng Cái Bắc (còn gọi rạch Benggo) dài 40.454 mét; còn dòng Cái Cạy dài chỉ 2.077 mét, cũng là đường biên giới theo sông với tỉnh Kampong Cham nước bạn.

Còn cái tên Vàm Trảng Trâu? Ông Nguyễn Thanh Hùng - cố Chủ tịch UBND huyện Tân Biên lúc sinh thời cho biết: Phải gọi là Vàm Trán Trâu mới đúng, vì dòng nước chia hai nơi này tạo ra hình dạng một cặp sừng trâu. Do vậy cái vàm sông ấy có hình thù như cái trán một con trâu. Lại có một giả thuyết khác do bản đồ xưa để lại. Ðấy là vị trí trảng bên Lồ Cồ được ghi là Trảng Châu. Có nghĩa là trảng trống nơi này đẹp như châu ngọc… Cho dù là giả thuyết nào, thì Vàm Trảng Trâu hiện nay cũng là một vùng non sông thủy tú đẹp vô biên và tràn trề sinh lực. Thật là một nơi đáng để dừng chân khám phá thượng nguồn sông.

Trần vũ (còn tiếp)

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/nhung-ben-song-o-phia-thuong-nguon-vam-co-dong-a167643.html