Những bản báo cáo nhân quyền sai sự thật

Trong thời gian qua, những báo cáo nhân quyền liên tục được các tổ chức phi chính phủ cùng một số cơ quan nước ngoài tung ra. Điều đáng tiếc là nội dung của không ít bản báo cáo lại phản ánh sai lệch, không khách quan, xuyên tạc, vu khống về tình hình dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam.

Núp dưới danh nghĩa thúc đẩy tự do, dân chủ, nhân quyền, các thế lực xấu, thù địch, phản động, chống đối, cơ hội chính trị liên tục đưa ra những bản báo cáo có nội dung sai lệch sự thật để chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam. Thậm chí một số cơ quan nước ngoài cũng có cái nhìn phiến diện, thiếu khách quan với Việt Nam và đưa ra những báo cáo có nội dung không chính xác.

Gần đây, các bản báo cáo trên lĩnh vực dân chủ, nhân quyền ráo riết được đưa ra. Trong đó có thể kể đến như “Báo cáo bảo vệ nền dân chủ khi sống lưu vong” của Freedom House, “Báo cáo về các hoạt động hỗ trợ những nhà hoạt động nhân quyền trên toàn thế giới của Liên minh châu Âu - EU Support for human rights defenders around the world” của Nghị viện châu Âu, “Báo cáo nhân quyền Việt Nam 2021-2022” của tổ chức Mạng lưới nhân quyền Việt Nam - VHRN. Tuy nhiên, nội dung của những bản báo cáo này đã bóp méo sự thật. Những luận điệu sai trái được rêu rao là: “Việt Nam là đất nước không có tự do, dân chủ”, “Đảng, Nhà nước Việt Nam đang đàn áp người bất đồng chính kiến bằng những bản án mơ hồ”, “những cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nhân quyền bị kiểm soát ngặt nghèo”, “Việt Nam không có tiến bộ đáng kể nào về nhân quyền”, “chế độ một Đảng cầm quyền đang bóp nghẹt tự do”, “không thể có nhân quyền khi Đảng cộng sản lãnh đạo đất nước”…

Thực tế, việc đưa ra các bản báo cáo không phải là điều xa lạ. Đây là việc làm thường xuyên của các cơ quan, tổ chức để cung cấp cho người đọc những thông tin chuyên sâu về một lĩnh vực nào đó. Độ tin cậy của một bản báo cáo phụ thuộc vào nhiều yếu tố như sự khách quan của cơ quan xây dựng báo cáo, mục đích xây dựng báo cáo, nguồn dữ liệu xây dựng báo cáo, cách thức xây dựng báo cáo…

Nhìn vào những báo cáo nhân quyền kể trên, dễ dàng nhận thấy độ tin cậy là không có. Đây đều là sản phẩm được đạo diễn bởi các cơ quan, tổ chức có định kiến với Đảng, Nhà nước Việt Nam. Ngay từ khi tiếp cận vấn đề, các tổ chức này đã đứng trên lập trường, quan điểm của chủ nghĩa tư bản và cho rằng phải chấp nhận đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập mới có tự do, dân chủ, nhân quyền; ngược lại, chế độ một Đảng cầm quyền như ở Việt Nam là không có tự do. Mục đích khi đưa ra các bản báo cáo không đơn thuần nhằm thúc đẩy nhân quyền tại Việt Nam. Cái đích sâu xa mà các đối tượng hướng đến là tấn công, làm lung lay, tiến tới lật đổ chế độ chính trị tại Việt Nam, đưa Việt Nam đi vào quỹ đạo lệ thuộc, chuyển hướng theo con đường tư bản.

Thay vì tiếp xúc, thu thập dữ liệu từ đại đa số người dân, các “tổ chức nhân quyền” lại dựa vào những thông tin phiến diện, một chiều, được cung cấp bởi các đối tượng chống đối, cơ hội chính trị để làm căn cứ xây dựng báo cáo. Các tổ chức này cố tình “bới bèo ra bọ”, thổi phồng sai phạm, moi móc mặt hạn chế, tiêu cực, khuyết điểm, phớt lờ những kết quả tích cực mà nước ta đã đạt được trong việc phát triển con người để tạo ra một bức tranh hết sức đen tối về xã hội Việt Nam.

Phải khẳng định rõ, các “nhà dân chủ”, “tù nhân chính trị”, “tù nhân lương tâm” được nhắc đến trong các bản báo cáo nhân quyền của Freedom House, Nghị viện châu Âu hay VHRN như Phạm Đoan Trang, mẹ con Cấn Thị Thêu, Trương Văn Dũng, Mai Phan Lợi, Lê Chí Thành, Nguyễn Thúy Hạnh, Lê Anh Dũng… đều là những đối tượng phạm tội, được kết án theo đúng quy định pháp luật. Suy cho cùng, các đối tượng “dân chủ” chỉ là nhóm thiểu số trong xã hội, không thể đại diện cho tiếng nói của hơn 99,4 triệu người dân Việt Nam. Bởi vậy, những kết luận được đưa ra trong các bản báo cáo nhân quyền là không chính xác, mang tính chất quy chụp, xuyên tạc.

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và bảo đảm các quyền tự do, dân chủ của người dân theo đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, tự do, dân chủ không có nghĩa là vô tổ chức, vô pháp luật. Tự do, dân chủ, nhân quyền của mỗi cá nhân phải gắn liền với an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Việc Việt Nam xử lý các đối tượng lợi dụng quyền tự do, dân chủ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, phá hoại an ninh quốc gia, gây mất trật tự, an toàn xã hội là điều hiển nhiên, phù hợp với quy định của pháp luật trong nước cũng như các quy tắc của luật pháp quốc tế. Điều 29, Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền (1948) đã chỉ rõ: “Ai cũng có nghĩa vụ đối với cộng đồng. Trong khi hành xử những quyền tự do của mình, ai cũng phải chịu những giới hạn do luật pháp đặt ra để bảo đảm những quyền tự do của người khác cũng được thừa nhận và tôn trọng, những đòi hỏi chính đáng về đạo lý, trật tự công cộng và an lạc chung trong một xã hội dân chủ cũng được thỏa mãn”.

Một thực tế không thể phủ nhận là Việt Nam luôn nỗ lực vì mục tiêu nâng cao đời sống, quyền thụ hưởng của người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam đã đạt được những kết quả toàn diện, từ bảo đảm quốc phòng, an ninh cho đến phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục. Nhiều tổ chức quốc tế cũng đã nhìn rõ điều này. Theo xếp hạng của Tạp chí kinh doanh, thương mại CEOWORLD (Mỹ), năm 2022, Việt Nam có chỉ số “chất lượng sống” đạt 78,49 điểm, xếp vị trí 62/165 quốc gia, tăng 39 bậc so với năm 2021. Kết quả nghiên cứu của Mạng lưới giải pháp phát triển bền vững của Liên hợp quốc (UN Sustainable Development Solutions Network) cho thấy Việt Nam xếp hạng 77 trong hơn 150 quốc gia tham gia khảo sát về chỉ số hạnh phúc. Chỉ số bình đẳng giới năm 2019 của Việt Nam được Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) công bố là 0,997, đứng thứ 65/162 quốc gia và thuộc nhóm cao nhất thế giới. Hay như ở khía cạnh giáo dục, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) xếp Việt Nam ở vị trí 19 trong danh sách 20 quốc gia có nền giáo dục tốt nhất thế giới. Và mới đây, Việt Nam tiếp tục duy trì vị trí trong top 50 quốc gia hòa bình nhất thế giới năm 2022 (xếp thứ 44, tăng 6 bậc so với năm 2021), theo báo cáo của Viện Kinh tế và Hòa bình (IEP).

Tự do, dân chủ, nhân quyền của mỗi cá nhân luôn gắn liền với an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Không bao giờ tồn tại một thứ nhân quyền cao hơn chủ quyền. Hãy nhìn vào các quốc gia, khu vực đang xảy ra khủng bố, chiến tranh, xung đột để thấy sự may mắn khi chúng ta được sinh sống trên đất nước Việt Nam yên bình. Những hành động công kích chế độ chính trị, tấn công Đảng, Nhà nước Việt Nam dù núp dưới vỏ bọc nào cũng không thể chấp nhận.

Bảo An

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/33/134761/nhung-ban-bao-cao-nhan-quyen-sai-su-that