Nhức nhối tai nạn trên đường đi học

Chắc chắn không có phụ huynh nào muốn mỗi sáng, mỗi chiều phải đánh vật trên đường, tất tả ngược xuôi, dầm mưa dãi nắng đối mặt với nhiều rủi ro để đưa đón con đi học.

Sáng 22-1, một phụ nữ chở cháu trai 7 tuổi đi học bằng xe máy trên đường Nguyễn Thị Thích (TP Thủ Đức, TP HCM) thì xảy ra tai nạn giao thông (TNGT) khiến bé trai tử vong.

Đây là một trong hàng trăm vụ TNGT liên quan đến học sinh (HS). Theo báo cáo của Bộ Công an, từ ngày 15-12-2022 đến ngày 14-10-2023, TNGT liên quan đến HS (độ tuổi từ 6-18 tuổi) xảy ra 881 vụ (chiếm 8,96% số vụ TNGT toàn quốc), làm chết 490 người (chiếm 8,91% số người chết toàn quốc), bị thương 827 người (chiếm 11,86% số người bị thương toàn quốc). Trong đó, có 737 vụ do thiếu niên, HS dưới 18 tuổi đi bộ, trực tiếp điều khiển phương tiện liên quan trong vụ TNGT, làm chết 378 người, bị thương 658 người.

Con số thống kê khiến những ai quan tâm đều giật mình.

Tại TP HCM, dù có nhiều nỗ lực thu hút HS đi học bằng xe buýt song thực tế phải nhìn nhận số lượng HS sử dụng phương tiện này hiện vẫn rất thấp. Số trường học tham gia đưa rước HS bằng xe buýt chưa nhiều và phần lớn ở các huyện ngoại thành.

Tại các quận nội thành, nhiều phụ huynh và HS "chê" xe buýt chưa có sự kết nối thuận tiện (nhiều trường học nằm trên những tuyến đường chưa có xe buýt đi qua; nhà nằm trong hẻm...), chất lượng dịch vụ xe buýt chưa được cải thiện nhiều (ví dụ xe buýt thường chạy không đúng giờ, thái độ của nhân viên...).

Với xe đưa rước HS ở các trường học có dịch vụ này, số tiền chi phí hằng tháng cũng là một khoản không nhỏ...

HS đi học bằng xe buýt, xe đưa đón không chỉ giảm lượng phương tiện cá nhân lưu thông, góp phần giảm ùn tắc và TNGT mà còn hình thành thói quen sử dụng phương tiện công cộng, góp phần vào sự thành công của bài toán phát triển giao thông công cộng trong tương lai.

Những bất cập và lợi ích trên, các cấp quản lý đã nắm rõ. Thực tiễn nhu cầu của gia đình và xã hội đối với xe buýt đưa đón HS cũng ngày càng tăng. Vấn đề còn lại là làm như thế nào? Điều kiện, lộ trình, kinh phí, hành lang pháp lý ra sao? Đã đến lúc cần ưu tiên hay chưa?

Chắc chắn không có phụ huynh nào muốn mỗi sáng, mỗi chiều phải đánh vật trên đường, tất tả ngược xuôi, dầm mưa dãi nắng đối mặt với nhiều rủi ro để đưa đón con đi học.

Phạm Nguyễn Quỳnh Thư

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nhuc-nhoi-tai-nan-tren-duong-di-hoc-196240123210936222.htm