Nhức mắt với quảng cáo 'bẩn'

Vừa lắng sau thời gian cơ quan chức năng quyết liệt vào cuộc, quảng cáo, rao vặt, mời chào vay tiền bị dán, vẽ, treo nơi công cộng có dấu hiệu sôi động trở lại vào những ngày cuối năm

Theo ghi nhận của phóng viên, các tuyến đường của quận 5 như Trần Hưng Đạo, Hồng Bàng, Trần Phú… xuất hiện hình ảnh hàng loạt cột điện, trụ điện nhem nhuốc. Đa số bị dán hoặc sơn các loại quảng cáo, rao vặt như hút hầm cầu, cho thuê trọ, cho vay trả góp.

Trên đường Lê Duẩn, quận 1. Ảnh: THÙY AN

Lem luốc, nham nhở

Nhiều vị trí ở quận 1, quận 3 cũng bị bôi bẩn như đường Lê Duẩn, Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Thị Minh Khai, Trần Cao Vân… Các quảng cáo này dán chi chít, nhìn nhức mắt.

Tương tự, các đường như Nguyễn Đình Chiểu, Phan Xích Long (quận Phú Nhuận), Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Gia Trí (quận Bình Thạnh), Tô Ký (quận 12).. nham nhở quảng cáo, rao vặt từ bán đất, cho thuê nhà, thi công điện, lắp đặt WiFi, phá dỡ, sửa chữa nhà đến vay tiền. Các lớp giấy quảng cáo dán chồng lên nhau, xen kẽ là vết cạo bóc, tẩy xóa.

Họ dán lén lút vào đêm khuya nên không bắt được. Địa phương nhiều lần ra quân xử lý, người dân như chúng tôi cũng ra phụ để làm cho khu phố mình đẹp hơn, nhưng rồi tình trạng trên tái diễn" - bà Hoàng Thị Thu Thảo (58 tuổi, ngụ quận 11) nói về sự khó chịu nơi mình ở.

Tại quận 10, cùng với cột điện, hàng loạt bức tường dọc theo các hẻm nhỏ của đường Nguyễn Tri Phương, Vĩnh Viễn, Ngô Quyền… chi chít rao vặt, mời gọi mua hàng, cho vay tiền. "Bản thân tôi cảm thấy rất phiền. Các loại quảng cáo này vô cùng khó tẩy rửa, chưa kể hôm trước được xử lý bóc, xóa, hôm sau liền có quảng cáo khác đè lên" - anh Nguyễn Minh Nhật (ngụ quận 10) bức xúc và khẳng định không bao giờ gọi điện liên hệ để sử dụng những dịch vụ trên những quảng cáo ấy.

Theo tìm hiểu, những nơi kể trên cùng vô số địa điểm khác, trên những mảng tường, cột điện, thân cây liên tiếp hoặc là những thứ "rác" như vậy hoặc là những vết tẩy xóa, keo đen lem luốc và chằng chịt. Thậm chí, có quảng cáo, rao vặt, cho vay trả góp, cho vay tiền đứng, alô là có tiền… còn che luôn biển báo giao thông.

Những người đi dán hay xịt sơn khá "lanh". Một tài xế xe ôm công nghệ ở quận Phú Nhuận kể anh thường xuyên bắt gặp đối tượng thực hiện hành vi trên, họ thao tác rất lẹ, chưa đầy một phút đã xong và phóng xe đi mất. "Những trường hợp này rất khó giải quyết, trừ khi mình bắt tận tay, dò camera hoặc tìm đến họ theo số điện thoại dán trên mẫu quảng cáo. Đến tận nơi xử lý, bắt khắc phục thì mới ngăn chặn được" - tài xế này nói.

Đường Ngô Quyền, quận 10, “rác cũ”, “rác mới” không chịu nhường nhau. Ảnh: ÁI MY

Xử nghiêm, tạo "sân chơi" riêng

Ông Nguyễn Trung - Chủ tịch UBND phường 3, quận Phú Nhuận - cho biết tình trạng dán quảng cáo, rao vặt diễn ra khá phổ biến. Điều này ảnh hưởng xấu tới mỹ quan đô thị và gây bức xúc. Tuy vậy, ông Trung thừa nhận khó giải quyết triệt để.

Ông Trung cho hay phường liên tục bố trí người kiểm tra, xử phạt nghiêm vi phạm và bóc xóa quảng cáo sai quy định. Ngoài ra, kết hợp các biện pháp tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc thực hiện đúng quy định về quảng cáo. Chủ tịch UBND phường 3 hy vọng những cách làm trên tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của mỗi cá nhân về giữ gìn mỹ quan đô thị. Đó cũng là cách phòng ngừa tội phạm dùng quảng cáo, rao vặt tiếp cận người dân rồi thực hiện hành vi trái pháp luật.

Bà Nguyễn Thị Thu Hường, Chủ tịch UBND quận 10, thông tin nhiều năm qua địa phương vận động, tuyên truyền kết hợp kiểm tra, xử lý vi phạm… Các đoàn thể quận, phường tổ chức nhiều mô hình, giải pháp ngăn chặn tình trạng quảng cáo, rao vặt. Cùng với đó, tổ chức phong trào "15 phút - vì thành phố văn minh, sạch đẹp" hay thành lập tổ tháo gỡ, xóa quảng cáo "bẩn"…

Lực lượng chức năng bóc gỡ, xóa quảng cáo ở phường 3, quận Phú Nhuận. (Ảnh do UBND phường 3 cung cấp)

Công an quận, phường luôn phối hợp, tham mưu và đề xuất với UBND quận, phường tiếp cận cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ in, photocopy. Tiếp đó, vận động họ thực hiện ký cam kết không in ấn, sản xuất các sản phẩm quảng cáo, đặc biệt liên quan đến cho vay tài chính trái pháp luật nhằm phòng ngừa tội phạm tín dụng đen trên địa bàn quận.

Nhìn chung, công tác quản lý địa bàn được tiến hành đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số khó khăn. Người thực hiện hành vi sơn, dán thường là sinh viên, lao động nghèo. Ngoài ra, khi lực lượng chức năng liên hệ chủ thuê bao có số điện thoại trên các quảng cáo "bẩn" thì họ không hợp tác hoặc không thuộc địa bàn quản lý của quận…

Theo bà Hường, quận sẽ tiếp tục tổ chức các đợt ra quân kết hợp lập lại trật tự lòng lề đường, vệ sinh môi trường và tẩy xóa quảng cáo bẩn; vận động các hộ dân, cơ sở kinh doanh tham gia sơn mới các vách tường, cửa cuốn, vách bảo vệ công trình đang thi công bị vẽ bậy và treo, gắn, dán quảng cáo.

"Đặc biệt, quận thí điểm lắp đặt bảng chuyên dùng quảng cáo rao vặt tại 2 vị trí góc đường Ba Tháng Hai - Lý Thái Tổ, góc đường Ba Tháng Hai - Lê Hồng Phong để ai có nhu cầu thực sự thì ra đó dán" - bà Hường nói.

Biết xấu hổ

Mới đây, ngày 21-12, Công an phường 7 cùng Công an quận 5 (TP HCM) đã buộc N.Đ.Th., Đ.A.T., P.H.V. (cùng ngụ TP Hải Phòng) tự tay làm sạch các trụ đèn, trụ điện và cửa nhà dân sau khi dán quảng cáo trái phép.

3 người phải tự tay làm sạch các quảng cáo họ dán. Ảnh: ANH VŨ

Trước đó, công an phát hiện Th., T. có hành vi dán quảng cáo dịch vụ sửa chữa cửa cuốn trái phép lên trụ điện và cửa nhà dân đưa về trụ sở. Cả hai cho biết ban ngày làm nghề sửa chữa cửa, ban đêm thì cùng L. chở nhau đi dán quảng cáo.

Qua làm việc, thấy xấu hổ và biết được hành vi sai trái của mình, họ đã giao nộp gần 1.000 mẩu quảng cáo với nội dung sửa chữa cửa cuốn.

A.Vũ

Ái My - Minh Diễm - Thùy An

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nhuc-mat-voi-quang-cao-ban-196231222213048787.htm