Như thế nào là chân tu?

Như thế nào là chân tu? - Trên bước đường tu tập, hãy thường xuyên suy tư, tự phản chiếu xem lại mình mỗi ngày có phát triển giới hạnh, trí tuệ và thiền định hay không? Hay ngược lại tăng thêm tham dục, sân hận, và vô minh, tự ngã tràn đầy.

Như thế nào là chân tu? – Trên bước đường tu tập, hãy thường xuyên suy tư, tự phản chiếu xem lại mình mỗi ngày có phát triển giới hạnh, trí tuệ và thiền định hay không? Hay ngược lại tăng thêm tham dục, sân hận, và vô minh, tự ngã tràn đầy.

Thưa Sư cho con hỏi, như thế nào là chân tu?

Nhà sư từ tốn pha thêm chút khôi hài đáp: Oh. Có “Chân tu”! Là chân phải hay chân trái…. Vậy có ai “tay tu“ không hả chị?

Chị ngơ ngác đứng nhìn nhà Sư một lát, suy ngẫm, lúng túng gãi đầu mỉm cười.

Ờ…. Ý con chân tu là …

Nhà Sư giải thích:

Thưa chị, trong Phật giáo có nhắc đến 5 thừa gồm: Nhân thừa; Thiên thừa; Thanh văn – Duyên giác thừa; Bồ Tát thừa và Phật thừa. Thừa ở đây không phải mang ý nghĩa là cỗ xe chuyên chở, mà mang ý nghĩa con đường, cách thức, phương pháp tu tập. Ví dụ như Nhân thừa là thực tập và giữ gìn 5 điều đạo đức ( giới), Thiên thừa là thực tập và giữ gìn 10 điều lành; Thanh văn tu tập Tứ Thánh đế; Duyên giác tu tập pháp 12 nhân duyên; Bồ Tát tu phép lục độ Ba la mật.

Đệ tử của đức Phật là người có đời sống phạm hạnh, giới đức, có khả năng tiết chế dục vọng trong ăn uống, ngủ nghỉ, dành nhiều thời gian để tham thiền, quán chiếu, khắc kỉ bản thân chuyển hóa các tâm lý tiêu cực như tham lam, sân hận và si mê. Người thực hành đạo Phật là người tỉnh thức, biết ly dục, ly bất thiện pháp, sống hạnh phúc an vui, biết hi hiến phụng sự, quan tâm, giúp đỡ đến đời sống cộng đồng xã hội trên tinh thần vô ngã, vị tha. Năng lực phụng sự dấn thân dựa vào sở trường của từng người.

Trên bước đường tu tập, hãy thường xuyên suy tư, tự phản chiếu xem lại mình mỗi ngày có phát triển giới hạnh, trí tuệ và thiền định hay không? Hay ngược lại tăng thêm tham dục, sân hận, và vô minh, tự ngã tràn đầy. Thân, miệng, ý có tương ưng với thiện pháp hay bất thiện pháp?…. Giữa nói và làm có hợp nhất không?

Phải khế hợp với lời tuyên bố chắc nịch của bậc đạo sư đang kính của mình: “Như Lai nói như thế nào thì làm như thế đó, đoạn đầu, đoạn giữa, đoạn cuối đều toàn thiện. Như Lai đã làm chủ được sanh tử, làm chủ được tâm mình, đã ra khỏi tam giới …” Ai làm được như vậy thì thế gian đều tôn trọng, được người trí khen ngợi, xứng đáng đảnh lễ, cúng dường.

Chị đã thông hiểu chưa ạ? – Sư hỏi.

Chị chấp tay cung kính đảnh lễ

Tác giả: Hòa thượng Thích Đồng Bổn

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/nhu-the-nao-la-chan-tu.html