Nhu cầu tài chính dành cho quá trình chuyển đổi xanh của châu Á

Các quốc gia châu Á đang tìm cách huy động nguồn tài chính bền vững để đảm bảo quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp và tạo ra sự minh bạch trong các dòng tài chính.

Các quốc gia châu Á đang tìm cách huy động nguồn tài chính bền vững để đảm bảo quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp. Ảnh minh họa: TTXVN

Các quốc gia châu Á đang tìm cách huy động nguồn tài chính bền vững để đảm bảo quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp. Ảnh minh họa: TTXVN

Tại Hội nghị Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (LHQ) ở Ai Cập năm 2022, các quốc gia đã tập trung vào hậu quả mà biến đổi khí hậu đang gây ra đối với sự phát triển bền vững của các cộng đồng trên toàn cầu, đặc biệt là ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Khu vực này rất dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu và đang phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng do biến đổi khí hậu gây ra. Năm ngoái, thế giới đã chứng kiến hàng loạt tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, từ lũ lụt ở Pakistan, hạn hán nghiêm trọng ở Trung Quốc và các cơn bão nhiệt đới ở các quốc đảo Thái Bình Dương đến siêu bão ở Philippines. Hàng trăm triệu người nghèo và dễ bị tổn thương đã bị ảnh hưởng nặng nề.

Biến đổi khí hậu vẫn đang là một thách thức lớn đối với các cộng đồng châu Á-Thái Bình Dương khi họ tìm cách cân bằng giữa bảo vệ khí hậu với phát triển kinh tế. Phục hồi và tăng trưởng kinh tế là những ưu tiên chính khi khu vực này khắc phục những thiệt hại kinh tế xã hội do đại dịch gây ra. Khu vực này đang cần giải quyết những thách thức phát triển cấp bách như chênh lệch giới tính, trình độ học vấn thấp và bất bình đẳng thu nhập.

Đồng thời, khu vực châu Á-Thái Bình Dương là khu vực đóng góp chính vào lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính của thế giới và cần đóng góp lớn cho nỗ lực ngăn chặn sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu. Do đó, các quốc gia trong khu vực cần cân nhắc các chiến lược đối phó phù hợp với điều kiện từng nước, mang tính bền vững và đáng tin cậy nhất. Các công nghệ xanh hiện đại có thể lấy cảm hứng từ các tập quán bản địa.

Ví dụ, ở các khu vực dễ bị lũ lụt và hạn hán ở Bangladesh (Băng-la-đét), các kỹ thuật được đề xuất là gieo hạt nổi trong điều kiện ngập úng, xây dựng các bệ nổi để sử dụng làm nơi trú ẩn cho gia súc trong lũ lụt, xây dựng bờ kè bằng hàng rào tre và trồng cỏ để giảm xói mòn do lũ lụt.

Bên cạnh đó, người dân được khuyến khích xây dựng hệ thống thoát nước xung quanh nhà để chống nhiễm mặn cho đất, chính phủ cũng cần thiết kế hệ thống cảnh báo sớm lốc xoáy ở vùng ven biển và thúc đẩy chuyển đổi thời vụ canh tác để tránh lũ lụt.

Các công nghệ khí hậu cũng có thể hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế trung hòa carbon bằng cách giảm chi phí năng lượng gió và Mặt Trời, khuyến khích sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo thay cho khí đốt tự nhiên và than đá. Trong khi đó, phát triển xe điện ở các quốc gia như Ấn Độ, Indonesia và Thái Lan có thể hiện thực hóa tiềm năng giảm lượng khí thải carbon.

Các quốc gia ở Nam Bán cầu đang khám phá khái niệm tăng trưởng xanh như một con đường dẫn đến một tương lai bền vững. Để làm như vậy, chính phủ cần thúc đẩy đầu tư và đổi mới để củng cố tăng trưởng bền vững và tạo ra các cơ hội kinh tế mới. Tài chính bền vững có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các giải pháp đổi mới xanh. Nếu không có đủ nguồn tài chính, những đổi mới xanh có khả năng cứu hành tinh này sẽ không bao giờ có cơ hội được thử nghiệm và triển khai thành công.

Quỹ của Google mang tên “Google.org Impact Challenge on Climate Innovation” đã cam kết tài trợ 30 triệu USD cho các dự án thúc đẩy tiến bộ công nghệ trong thông tin và hành động về khí hậu. Trong khi đó, các quốc gia Đông Nam Á đang tìm cách huy động nguồn tài chính bền vững để đảm bảo quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp và tạo ra sự minh bạch trong các dòng tài chính.

Về vấn đề này, các tổ chức như Mạng lưới từ thiện mạo hiểm châu Á (AVPN), với sự hỗ trợ của Google.org và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), đã ra mắt “Quỹ hạt giống bền vững APAC” nhằm hỗ trợ tài chính cho các sáng kiến địa phương để giải quyết khủng hoảng khí hậu. Quỹ sẽ cung cấp các khoản tài trợ để mở rộng quy mô đổi mới công nghệ phi lợi nhuận trong các lĩnh vực như tăng khả năng tiếp cận năng lượng tái tạo và khử cacbon, cải thiện chất lượng không khí và bảo tồn nước.

Bên cạnh đó, nguồn vốn của khu vực tư nhân cũng cần đóng một vai trò lớn hơn trong tài chính khí hậu, bao gồm cả việc áp dụng các công cụ tài chính sáng tạo. Các chính phủ nên khuyến khích khu vực tư nhân chuyển từ các khoản đầu tư dựa trên lợi nhuận sang các khoản đầu tư tác động tạo ra giá trị xã hội và môi trường./.

Mai Ly (Theo Nikkei Asia)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nhu-cau-tai-chinh-danh-cho-qua-trinh-chuyen-doi-xanh-cua-chau-a/281395.html