Nhu cầu phòng thủ của châu Á tăng lên sau chiến sự ở Biển Đỏ

Các hoạt động sử dụng tên lửa đạn đạo chống hạm (ASBM) ở Biển Đỏ đã thu hút sự quan tâm của châu Á về các hệ thống có thể bắn hạ chúng.

Bên lề Triển lãm hàng không quốc tế Singapore 2024 tuần này, một giám đốc điều hành cấp cao của một nhà thầu quốc phòng Mỹ cho biết, các hoạt động phòng không ở Biển Đỏ và Ukraine đã thu hút sự chú ý của các khách hàng tiềm năng ở châu Á.

Vị giám đốc điều hành giấu tên cho hay: "Chúng tôi nhận thấy rằng nhu cầu đối với hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không tích hợp ở đây đang ngày càng tăng". Theo ông, các nhu cầu này bao gồm cảm biến để phát hiện mục tiêu, vũ khí để bắn hạ chúng và các hệ thống chỉ huy để kiểm soát và liên kết tất cả lại với nhau.

Đồng quan điểm, ông Robert Hewson từ Tập đoàn Quốc phòng SAAB của Thụy Điển cũng cho rằng khách hàng ở châu Á hiện quan tâm nhiều hơn đến không chỉ việc chống lại tên lửa đạn đạo mà còn chống lại các mối đe dọa trên không khác như máy bay không người lái - thứ được phóng trong các cuộc tấn công lớn ở Biển Đỏ.

Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke USS Carney (DDG 64) đánh bại tổ hợp tên lửa Houthi và máy bay không người lái ở Biển Đỏ. Ảnh: Hải quân Mỹ

Theo các thông cáo truyền thông của Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM), từ ngày 27 tháng 11 năm 2023 - lần đầu tiên thế giới ghi nhận việc sử dụng ASBM trong chiến đấu - đến ngày 20 tháng 2 năm nay, tổng cộng 48 ASBM đã được sử dụng và Mỹ đã triển khai 12 lần đánh chặn ở Biển Đỏ. Những thông cáo nhấn mạnh nhiều ASBM do lực lượng Houthi ở Yemen liên kết với Iran bắn không gây thiệt hại.

CENTCOM cho biết họ không có số liệu đầy đủ về số lượng ASBM được bắn cũng như số lần đánh chặn. Một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết bất cứ khi nào ASBM được phát hiện trong tầm bắn của tàu Hải quân Mỹ, chúng đều bị tiêu diệt.

Các tàu khu trục của Hải quân Mỹ được trang bị nhiều hệ thống phòng không như Aegis, với các bộ phận được sản xuất bởi công ty Lockheed Martin, được thiết kế để bắn hạ máy bay, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo. Trong đó, Aegis sử dụng tên lửa SM-2, SM-3 và SM-6 của công ty con RTX Raytheon để ngăn chặn các mối đe dọa.

Tại triển lãm hàng không, phát ngôn viên của tập đoàn quốc phòng châu Âu MBDA lưu ý rằng chính phủ Anh đã trao cho tập đoàn này một hợp đồng trị giá 400 triệu bảng Anh (505 triệu USD) vào tháng 1 để nâng cấp hệ thống phòng không Sea Viper với mục đích xử lý tên lửa đạn đạo.

Trong khi đó, đô đốc Hải quân Mỹ Mark Melson, chỉ huy Tập đoàn Hậu cần Tây Thái Bình Dương, cho biết quân đội đang nghiên cứu những bài học từ các cuộc giao tranh tên lửa có thể áp dụng ở châu Á và các nơi khác.

"Rõ ràng trong một môi trường vận chuyển rất cạnh tranh, nơi chúng ta có thể gặp phải một kịch bản mà vũ khí được sử dụng với tỷ lệ cao, chúng tôi muốn hiểu thách thức đó trông như thế nào", ông nói, đề cập đến việc cung cấp hệ thống phòng thủ tên lửa cho tàu chiến Mỹ.

Lực lượng Houthi cho biết tất cả tên lửa của họ đều được sản xuất trong nước. Tuy nhiên, các chuyên gia, quân đội Mỹ và Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ cho rằng ít nhất Iran hỗ trợ trong việc cung cấp tên lửa cho Houthi.

Trong cả hai trường hợp, ông Ankit Panda thuộc Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie cho rằng ASBM được sử dụng ở Biển Đỏ còn thô sơ so với những gì Trung Quốc có thể mang lại.

Ông nói: "Sự phức tạp tổng thể của hệ thống ASBM Trung Quốc, bao gồm cả tầm bắn, vượt trội hơn so với các tên lửa mà chúng tôi từng thấy Houthi sử dụng”.

Hoài Phương (theo SCMP)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nhu-cau-phong-thu-cua-chau-a-tang-len-sau-chien-su-o-bien-do-post285377.html