Nhóm AUKUS dùng AI để theo dõi tàu ngầm Trung Quốc ở Thái Bình Dương?

Bộ trưởng Quốc phòng nhóm AUKUS gồm Mỹ, Anh và Australia vừa tiết lộ kế hoạch mới nhằm thử nghiệm việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để theo dõi các tàu ngầm Trung Quốc ở Thái Bình Dương.

Phát biểu hôm 1-12 tại cuộc họp chung ở Mountain View, California, Bộ trưởng Quốc phòng của 3 quốc gia đã công bố kế hoạch mới theo Aukus Pillar II, một thỏa thuận an ninh ba bên được thiết lập vào năm 2021 nhằm mục đích “giúp duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”.

Một trong những nỗ lực mới của họ là sử dụng công nghệ AI trên máy bay tuần tra, trong đó có cả máy bay do thám P-8A Poseidon của Mỹ để xử lý thông tin từ sonobuoy - các thiết bị phát hiện dưới nước

Sonobuoy là thiết bị cảm biến được thả xuống biển để thu thập dữ liệu âm thanh dưới nước, thường được sử dụng trong hải quân, các hoạt động trinh sát biển để phát hiện tàu ngầm và vật thể khác dưới mặt nước.

Khi được thả xuống biển, sonobuoy sẽ tự chìm và bắt đầu thu thập dữ liệu âm thanh từ môi trường dưới nước xung quanh. Dữ liệu này sau đó được truyền về phương tiện trên bờ hoặc trên các tàu và máy bay trinh sát để phân tích.

Dữ liệu được xử lý bởi AI sẽ cho phép 3 nước theo dõi tàu ngầm Trung Quốc với tốc độ và độ chính xác cao hơn.

“Những tiến bộ chung này sẽ cho phép khai thác dữ liệu khối lượng lớn kịp thời, cải thiện khả năng tác chiến chống tàu ngầm của chúng tôi”, tuyên bố chung của Mỹ, Anh và Australia cho biết.

Các thuật toán AI và máy học cũng sẽ được sử dụng để “tăng cường bảo vệ lực lượng, nhắm mục tiêu chính xác cũng như trí thông minh, giám sát và trinh sát”.

Ngoài AI, 3 nước cho biết họ đang hợp tác trong các lĩnh vực công nghệ khác như công nghệ lượng tử, chiến tranh điện tử và vũ khí siêu thanh.

Phát biểu tại cuộc họp báo, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles cho rằng, sự hung hăng ngày càng gia tăng của Trung Quốc đã làm tăng nhu cầu hợp tác.

Chỉ vài tuần trước, một nhóm thợ lặn hải quân Australia đã bị thương do vũ khí siêu âm của tàu chiến Trung Quốc.

“Đây là hành vi không an toàn và thiếu chuyên nghiệp. Sự an toàn của binh sĩ Lực lượng Phòng vệ Australia tiếp tục là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi”, Phó Thủ tướng Australia khi đó nói.

Ông Richard Marles nói thêm: “Australia mong muốn tất cả các nước, bao gồm cả Trung Quốc, vận hành quân đội của họ một cách chuyên nghiệp và an toàn”.

Báo cáo sức mạnh quân sự Trung Quốc gần đây của Lầu Năm Góc lưu ý mối lo ngại đáng kể “về một sự cố hoạt động hoặc tính toán sai lầm dẫn đến khủng hoảng hoặc xung đột”.

Theo thống kê, Trung Quốc này đang vận hành 6 tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân, 6 tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân và 48 tàu ngầm tấn công chạy bằng động cơ diesel/động cơ đẩy không khí độc lập.

“Lực lượng tàu ngầm của hải quân Trung Quốc dự kiến sẽ tăng lên 65 chiếc vào năm 2025 và 80 chiếc trong năm 2035 dù các tàu cũ đang tiếp tục nghỉ ngơi do năng lực chế tạo tàu ngầm tăng lên”, trích báo cáo.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nhom-aukus-dung-ai-de-theo-doi-tau-ngam-trung-quoc-o-thai-binh-duong-post559949.antd