Nhói lòng khoảng trống mênh mông

Việc đội nữ Sơn La không tham dự Giải bóng đá nữ vô địch quốc gia 2022 đã được dự đoán từ mùa giải năm ngoái. Từ chuyện buồn của đội nữ Sơn La, lại thấy lo cho lớp kế cận ở đội tuyển nữ quốc gia.

Nỗi buồn vùng cao

Thay vì 8 đội như dự định, Giải bóng đá nữ vô địch quốc gia 2022 diễn ra với 7 đội, gồm: Hà Nội 1, Hà Nội 2, TP Hồ Chí Minh 1, TP Hồ Chí Minh 2, Phong Phú Hà Nam, Than Khoáng sản Việt Nam, Thái Nguyên T&T.

Giải vô địch quốc gia là giải đấu quan trọng nhất trong năm, nằm trong hệ thống thi đấu của bóng đá nữ Việt Nam, là sân chơi giúp ban huấn luyện đội tuyển nữ Việt Nam có thể tuyển chọn những cầu thủ xuất sắc lên tuyển để thực hiện nhiệm vụ quốc tế. Việc nữ Sơn La tiếp tục không thể tham dự giải đấu là hồi chuông cảnh tỉnh cho công tác đào tạo trẻ, gây dựng, phát triển bóng đá nữ ở vùng cao nói riêng và của nước nhà nói chung.

 Hy vọng một số gương mặt của đội U.19 Hà Nội, đương kim vô địch U.19 nữ quốc gia sẽ đủ sức thi đấu cho đội tuyển nữ Việt Nam. Ảnh: VFF.

Hy vọng một số gương mặt của đội U.19 Hà Nội, đương kim vô địch U.19 nữ quốc gia sẽ đủ sức thi đấu cho đội tuyển nữ Việt Nam. Ảnh: VFF.

Câu lạc bộ (CLB) nữ Sơn La có kinh phí hoạt động khoảng 3-4 tỷ đồng/năm, các cầu thủ nhận lương khoảng 6 triệu đồng/tháng. Năm nay dự kiến Đại hội thể thao toàn quốc sẽ diễn ra vào cuối năm nên bất kỳ địa phương nào cũng dồn mọi nguồn lực cho đại hội, có thể hiểu phần nào nguồn cơn đội bóng đá nữ Sơn La nghỉ chơi ở giải vô địch quốc gia 2022. Thực tế, thu nhập thấp, khó có điều kiện phát triển... là những nguyên nhân dẫn đến việc đội 1 nữ Sơn La không có đủ quân số từ mùa giải 2021. Năm ngoái, CLB nữ Sơn La cũng xin bỏ giải vì đội 1 chỉ còn 4 cầu thủ đủ tuổi có thể thi đấu, trong khi các cầu thủ khác đã rời đội vì gia cảnh khó khăn. Đội bóng vùng Tây Bắc hiện đã giải thể đội 1 và bắt đầu làm lại từ lứa trẻ, lứa U.19 nhưng thực chất là các em ở độ tuổi 16.

Từ đầu năm 2020, bóng đá nữ Sơn La đã rơi vào khủng hoảng khi phần lớn cầu thủ giải nghệ, chuyển sang làm nghề khác. Đội hình dự giải vô địch quốc gia nữ 2020 của đội chỉ còn 4 cầu thủ: Lò Thị Trang, Cà Thị Mến, Lò Thị Thảo, Đặng Thị Mai, còn lại là quân số đi mượn.

Khoảng trống trải dài từ Bắc vào Nam

Sự kiện đội tuyển nữ Philippines vô địch Đông Nam Á 2022, trong đó có trận thắng nữ Việt Nam 4-0 ở bán kết rất đáng lưu tâm. HLV Mai Đức Chung thừa nhận: “Hiện đội tuyển nữ Việt Nam đang rơi vào tình thế các cầu thủ trẻ còn non kinh nghiệm, trong khi những trụ cột lại gặp vấn đề về thể lực”. Do đó, chiến lược gia Mai Đức Chung mong mỏi: “Tôi muốn thay đổi lại con người, tôi muốn tăng cường thêm lực lượng”. Nhưng khi giải bóng đá nữ vô địch quốc gia thực chất chỉ còn 5 đội tranh tài (vì Hà Nội 2 và TP Hồ Chí Minh 2 là các đội trẻ) thì thật khó cho ban huấn luyện đội tuyển nữ Việt Nam “đãi cát tìm vàng”.

Trở lại trận thua Philippines 0-4 ở bán kết giải vô địch Đông Nam Á 2022, 3/4 bàn thua của đội nhà đến từ tình huống bóng bổng. Đội bạn cao to, thể lực vượt trội nên vô cùng chủ động và chiếm thế thượng phong trong các pha tranh chấp trên không. Có thể thấy, ở khu vực Đông Nam Á, bóng đá nữ Philippines đang vượt trội so với Việt Nam và Thái Lan. Nhưng tham vọng của bóng đá Philippines không chỉ dừng ở đây, họ muốn lọt vào tốp đầu châu lục bằng chính sách gọi nhiều cầu thủ Phi kiều vào đội tuyển quốc gia.

Những bước tiến thần tốc của bóng đá nữ Philippines khiến các nền bóng đá trong khu vực sốt ruột, lo lắng. Nhưng có lẽ, bóng đá nữ Việt Nam, Thái Lan, Myanmar sẽ dần phải làm quen với việc bóng đá nữ Philippines thống trị khu vực trong một thời gian dài nữa. Chuyện sát sườn của bóng đá nữ nước nhà bây giờ là kiếm cho được lực lượng kế cận, để bổ sung quân số lên đội tuyển nữ quốc gia nhằm hướng đến World Cup 2023. Việc tìm kiếm tài năng trẻ từ các đội Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Phong Phú Hà Nam, Than Khoáng sản Việt Nam, Thái Nguyên T&T xem ra khó khăn cho ban huấn luyện đội tuyển nữ quốc gia. Ở giải U.19 quốc gia 2022, những cái tên gây được sự chú ý có Vũ Thị Hoa, Đặng Thị Duyên, Anh Đào, Kiều Oanh (Hà Nội), Lê Kiều Chinh, Ngọc Minh Chuyên (Thái Nguyên T&T), Như Quỳnh, Thanh Thảo (Than Khoáng sản Việt Nam), Vũ Thị Hoa (Phong Phú Hà Nam), Diễm Huỳnh (TP Hồ Chí Minh)... Đặc biệt, tiền đạo Vũ Thị Hoa còn giành cú đúp giải thưởng “Vua phá lưới” với 7 bàn thắng và “Cầu thủ xuất sắc nhất giải”. Tuy nhiên, từ đội hình vô địch của Hà Nội và các đội bóng khác, ban huấn luyện chỉ có thể gọi lên đội tuyển 3-4 em. Đó là cái khó của HLV Mai Đức Chung trong việc làm mới đội hình và làm mới lối chơi.

Bóng đá nữ Việt Nam ghi dấu ấn lịch sử khi đoạt vé dự World Cup 2023, nhưng tiếc là ở giải vô địch quốc gia, số đội không tăng mà lại giảm. Cả nước chỉ có 5 địa phương tâm huyết gây dựng, phát triển bóng đá nữ là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hà Nam, Thái Nguyên. Từ Hà Nam vào đến mũi Cà Mau, duy chỉ Thành phố mang tên Bác là có đội bóng đá nữ dự giải vô địch quốc gia, còn lại một khoảng trống mênh mông đến nhói lòng. Nỗi khổ tâm của HLV Mai Đức Chung cũng chính là nỗi đau, sự trăn trở của những người làm bóng đá nữ nước nhà.

HÀ THÀNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/nhoi-long-khoang-trong-menh-mong-702609