Nhọc nhằn bám chữ dưới chân núi Pha Luông - Bài 1: Đường đến trường, đường về bản - Không lùi bước

LTS: Vượt dãy Pha Luông hùng vĩ 4 mùa phủ trắng sương mây, những đứa trẻ tại điểm trường Suối Thín và Pha Luông (thuộc Trường Tiểu học Chiềng Sơn, xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) vẫn nhọc nhằn ngày đêm xuống núi bám từng con chữ.

Rời bản cũ, chúng tự lập trong những chiếc lán đơn sơ dưới bản mới, cùng nhau vượt qua bao khó khăn để chạm tay vào con chữ, để học làm người. Vì các em hiểu rằng: Chỉ có con chữ mới giúp bản thân các em vươn mình lên xóa đi mây mù và mở ra cánh cửa cho tương lai.

Quãng đường núi dài hơn 15km (tính theo đường chim bay) đã trở thành con đường đến trường quen thuộc của hơn 160 em học sinh suốt nhiều năm nay. Ai đó nghe xong cũng cảm thán khâm phục trước nỗ lực phi thường của các em…nhưng đó lại là tuổi thơ, là một phần cuộc sống của những đứa trẻ khao khát bám trường, bám chữ dưới chân núi Pha Luông.

Bước chân em băng rừng, vượt suối

Tuần nào cũng vậy, sau giờ học buổi sáng thứ 6, những đứa trẻ từ mầm non đến tiểu học lại ríu rít dắt tay nhau về bản cũ. Tạm xa những chiếc lán dựng tạm bợ, chúng háo hức được trở về nhà, được gặp bố mẹ sau 1 tuần học xa nhà.

Mấy ngày rồi ở Pha Luông mưa to, con đường về nhà của Hờ Thị Ly (lớp 3, điểm trường Pha Luông) bùn lầy và vất vả hơn so với mọi lần. Cũng vì lý do ấy mà 2 anh trai của Ly quyết định ở lại lán, giao cho cô em học lớp 3 nhiệm vụ về nhà lấy đồ ăn cho tuần học tới.

Sau giờ học sáng thứ 6, các em học sinh lại đi bộ 15km đường núi để về bản cũ.

Con đường độc đạo đến trường cũng như trở về bản Suối Thín cũ của Ly và các bạn đa số là đường đất, dốc lên xuống uốn quanh ngọn núi cao hun hút. Trời mưa thì mặt đường đất nhão nên trơn trượt, hôm nào nhiều sương thì mờ mịt, một bên là đường đi, một bên là vách núi vô cùng nguy hiểm. Thứ duy nhất đồng hành cùng em trên hành trình bám chữ ấy là đôi dép nhựa đã mòn gần đứt hết quai.

Có được niềm tin vào con chữ, quãng đường dù có vất vả đến mấy cũng chẳng làm chùn bước chân Ly băng rừng, vượt suối đến lớp. Sự bền bỉ và nghị lực suốt 3 năm liền của em được đổi lại bằng những tấm giấy khen học sinh giỏi.

Nếu ai đó hỏi ước mơ của Ly là gì? Ly im lặng hồi lâu và đáp lại bằng nụ cười hồn nhiên và ánh mắt trong veo. Bởi lẽ, được đến trường học con chữ, được no cái bụng đến lớp đã là điều may mắn, ước mơ với Ly cũng thật lớn lao và xa vời.

Cũng mang trên mình trọng trách cao cả, khi tiếng trống trường vang lên, Hờ A Xuân (học sinh lớp 4, điểm trường Pha Luông) lại nhanh nhẹn thu gọn sách vở đi đón 2 em học mẫu giáo để về bản Suối Thín cũ.

Xa bố mẹ, người anh cả mới chỉ 9 tuổi vừa làm mẹ, vừa làm bố để chăm sóc, bảo ban các em dưới lán dựng tạm ở bản mới. Dù mưa hay nắng, 3 anh em vẫn thường xuyên về nhà vào trưa thứ 6 và trở lại trường vào trưa ngày Chủ nhật.

Về bản cũ, đoạn đường có xấu, có trơn trượt lấm lem cũng không ngăn được bước chân của A Xuân cùng 2 em nhỏ. Vì ở nhà có bà nội và 2 em nhỏ còn đang bi bô tập nói đợi các em trở về. Nỗi nhớ nhà khiến đoạn đường bỗng chốc ngắn hơn bao giờ hết, các em lại cùng nắm tay nhau đi từ đoạn đường này đến đoạn đường khác.

Quãng đường bùn đất trơn trượt kia cũng chẳng thấm vào đâu, chúng tôi phải lội bùn thêm 3km đường mòn nữa mới tới nhà của A Xuân. Từ xa, bà nội A Xuân là Giàng Thị Mụa đã đứng chờ sẵn ở cửa đợi rồi!

Ai nấy trong chúng tôi cũng đều rất tò mò: Vì sao bà Mụa lại có thể căn chuẩn thời gian để đứng đón các cháu đi học về? Bà Mụa đáp: - 4 năm nay, tuần nào chúng nó cũng về khi cả nhà chuẩn bị đi nương vào buổi chiều nên cũng quen rồi!

Câu trả lời của bà Mụa cũng phần nào giúp người nghe hình dung được thời gian mà A Xuân từ điểm trường về bản cũ. Còn nếu theo đồng hồ mà chúng tôi đi cùng A Xuân thì mất hơn 3 tiếng đồng hồ.

Đến khi hỏi cho A Xuân đi học để làm gì, bà Mụa chỉ biết trả lời bằng tiếng Mông: “Chi Pâu” - tức là không biết. Vì bà Mụa cũng chẳng biết đi học để làm gì, cả cuộc đời của bà chưa một lần cầm chiếc bút để viết chữ a, b, c hay thậm chí là ký cái tên của chính mình. Cuộc sống của bà Mụa cứ thu hẹp như một vỏ ốc trên dãy núi Pha Luông hùng vĩ, bà cũng chẳng bao giờ bước chân xuống bản mới, xuống huyện ngắm nhìn sự đổi thay của thế giới ngoài kia.

Khác với bà Mụa, A Xuân lại như một ngọn đuốc sáng mang đến cho người bà một niềm tin vào con chữ, về sự đổi thay của số phận khi biết con chữ. Mỗi lần trở về nhà, A Xuân sẽ kể cho bà nghe mọi thứ diễn ra trên lớp học hay những câu chuyện ly kỳ trong sách vở mà em đã được học. Sự đón nhận và trao đi con chữ ấm lòng ấy cũng phần nào vơi đi nỗi nhọc nhằn về con đường đến trường, con đường về bản mà A Xuân đã đi qua.

Toàn cảnh bản Suối Thín từ đỉnh núi Pha Luông.

Vượt núi học chữ, học để thay đổi số phận

Rời nhà A Xuân, chúng tôi phải leo thêm 5km đường núi nữa mới tới được nhà của em Sồng A Dua (học sinh lớp 4, điểm trường Pha Luông). Ngôi nhà nằm cheo leo trên ngọn núi cao cao nhất của bản Suối Thín, phóng tầm mắt chừng vài cây số là thấy được nước bạn Lào. Vì thế, con đường đến trường của Dua cũng xa nhất, vất vả nhất so với các bạn ở cùng bản.

Mỗi khi có khách tới thăm nhà, ông ngoại của Dua là Sồng A Cụ lại chẳng thể kìm nén được nước mắt vì thương cháu. Theo lời của ông Cụ, bố Dua đi tù vì vận chuyển ma túy, mẹ thì bỏ đi lấy chồng khác rồi cũng biệt tăm biệt tích. Ngoài ông bà ngoại, Dua sống ở đây cùng 4 chú dì của mình, ngôi nhà nhỏ bé nhưng có tới gần 10 người sinh sống.

Nói về cuộc sống của gia đình, ông Cụ nghẹn ngào: “Có rau ăn rau, có cháo ăn cháo, có mì tôm thì ăn mì tôm…cả nhà nương tựa nhau mà sống”.

Khó khăn cùng cực là thế nhưng ông Cụ nhất quyết cho Dua tới trường và không cho nghỉ học. Vì đời ông đã ít chữ, đời bố cũng vậy nên mới rơi vào con đường tù tội. Ông phải cho Dua tới trường học chữ thì đời mới đỡ khổ.

Cũng như bao đứa trẻ ở bản, Dua không biết quãng đường từ nhà đến trường hết bao nhiêu tiếng đồng hồ, chỉ biết đi từ lúc mặt trời lên đỉnh núi thì đến trường lúc mặt trời đã xuống núi. Quãng đường đó chẳng thấm vào đâu so với những vất vả, khó khăn của cuộc sống mà các em phải trải qua.

Bước chân của Dua cứ thoăn thoắt băng rừng, vượt suối, đôi chân lấm lem bùn đất đến trường. Ngày nắng thì đỡ, ngày mưa rét thì sương phủ kín lối, con đường đến trường của Dua lại khó khăn gấp đôi. Dáng người nhỏ nhắn cứ thế lầm lũi trong sương, mang theo vài củ sắn, đôi gói mì tôm làm hành trang đi học con chữ.

Được đến trường là ước mơ, là hy vọng của Dua và ông ngoại nhưng điều ước Dua khao khát bấy lâu nay lại chẳng biết khi nào mới có thể thành hiện thực. Dua nói: “Em ước mẹ có thể về thăm em!”. Chao ôi! Điều ước giản dị sao mà xa vời quá…

Mặc cho bầu trời có phủ đầy sương mù, hạt mưa có rơi trắng trời thì bước chân nhỏ bé của các em vẫn băng rừng, vượt suối đến trường đi tìm con chữ. Từ đỉnh núi Pha Luông, những mầm non tương lai ấy vẫn đặt trọn niềm tin và ước mơ của mình về một ngày mai tươi sáng để giúp bản làng thoát nghèo.

Con đường đến trường của các em học sinh tại bản Suối Thín.

Năm 1999, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, bà con người Mông ở bản Pha Luông và Suối Thín thuận lòng xuống núi, định cư ở bản mới cách đó hơn 15km nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, ở bản mới đất đai đa số là đất cát, khó để trồng lúa nên đồng bào lại lũ lượt kéo nhau về bản cũ, chấp nhận với cuộc sống 4 không (không đường, không điện, không trạm, không trường).

(còn nữa)

Bài, ảnh: HỒNG PHÚC

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/nhoc-nhan-bam-chu-duoi-chan-nui-pha-luong-bai-1-duong-den-truong-duong-ve-ban-khong-lui-buoc-764339