Nhớ về một nhà văn

Mọi người vẫn nhớ đến ông, một con người đạo đức và tài năng. Thời gian dòng sông trôi đi, trôi mãi nhưng dòng đời và dòng người còn lưu giữ hình ảnh về một con người. Đó là nhà văn Nguyễn Khoa Đăng.

Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng (giữa) tháng 2-2021

Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng (giữa) tháng 2-2021

Ông sinh ra trên mảnh đất Thái Bình - nơi có những cánh đồng lúa vàng trĩu bông cùng với người nông dân chân chất, thật thà. Từ một thầy giáo làng quê, thầy Khoa dạy toán, sinh vật đã sớm bước vào dòng văn học với những tác phẩm để đời.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa đã có một nhận xét rất hài hước về nhà văn Nguyễn Khoa Đăng: “Bác là chính Khoa còn em là phụ Khoa”. Thể hiện sự kính trọng đối với nhà văn.

Ông sống với mọi người rất chân thật, mộc mạc, gần gũi, mềm mại như lá lúa. Khi phải tranh luận ông thường lắng nghe và nhẹ nhàng góp ý. Ông luôn dành tình cảm ấm áp cho bạn bè. Có chút quà ai biếu, ông lại mang sang bàn trà cùng mọi người chia vui. Ông sống mở lòng với mọi người, không dối lòng. Kể cả chuyện riêng tư, bị bà vợ đập cái laptop của ông vì khi đọc chuyện ông viết tưởng thật. Bởi những chuyện ông viết có lối kể cuốn hút tài tình làm cho người đọc như sống trong câu chuyện.

Ông viết nhiều thể loại: truyện ngắn, tiểu thuyết, truyện thiếu nhi, truyện dài và cả kịch bản phim điện ảnh. Ông có nhiều tác phẩm xuất sắc như bài thơ phổ nhạc Em đi giữa biển vàng được bình chọn là bài hát hay của thế kỷ XX. Bài hát sống qua thế kỷ cho đến cả hôm nay. Có những tác phẩm của ông được lựa chọn đưa vào sách giáo khoa lớp 5 và lớp 9 để giảng dạy (Đi Tết thầy, Cài hoa vào quá khứ). Bài thơ Cây lúa xuân được ca ngợi là “Bài ca đi cùng năm tháng”. Có sinh viên đã dùng tác phẩm của ông để viết luận văn tốt nghiệp.

Nguyễn Khoa Đăng - một nhà văn đa tài, một người còn sống mãi với dòng đời.

Tác phẩm của ông có sức truyền cảm mạnh mẽ, đi vào đời sống. Một gia đình ở Thái Bình, khi người vợ bị bệnh, người chồng đã đọc tác phẩm của nhà văn Nguyễn Khoa Đăng cho vợ nghe để tiếp thêm tinh thần và niềm vui cho người bệnh. Tác phẩm Cài hoa vào quá khứ của nhà văn đến nay vẫn còn là bài học cho ngành giáo dục với bệnh chạy đua lấy thành tích và tệ học vẹt.

Ông đưa đời sống vào văn học một cách tài tình và lại để văn học trở về cuộc sống. Như khi ông được tham gia vào bồi thẩm đoàn bào chữa tại Tòa án hình sự tỉnh Kiên Giang. Ông đã lấy câu thơ của Hồ Xuân Hương “Yếm đào trễ xuống dưới nương long” để dẫn chứng hình ảnh kích thích ham muốn tình dục, tạo điều kiện cho bị hại mắc án dâm. Trường hợp này cô gái có “tài sản” khoe ra nên bị cưỡng đoạt. Lời bào chữa bất ngờ đã giúp thân chủ của ông được tòa giảm án. Ông đã tham gia thành công 216 vụ án hình sự tại tỉnh Kiên Giang. Khi ông tham gia tạp chí chuyên đề về gia đình, ông đã dùng sự hiểu biết và vốn sống phong phú để gỡ rối tơ lòng cho hàng chục gia đình “cơm không lành, canh không ngọt”.

Ông rất tài giỏi trong đời sống văn hóa, ông cũng rất cần cù và có nghị lực sống. Có thời gian ông bị bệnh tật hành hạ nhưng khi từ bệnh viện trở về ông lại cầm bút viết - một số tác phẩm đã ra đời như thế.

Hình ảnh còn in đậm trong tôi chính là lúc ông lâm bệnh nặng khó qua khỏi. Tôi đến thăm ông trên giường bệnh. Ông nắm tay tôi nói qua hơi thở: “Cảm… ơn”. Ông vẫn thế, sống đôn hậu, chu đáo với mọi người. Tôi thấy trong khóe mắt ông long lanh. Có lẽ ông đã cảm nhận sắp phải chia tay mọi người để về thế giới bên kia cuộc đời. Và ông đã đi vào cõi vĩnh hằng vào ngày 25-9-2022, hưởng thọ 82 tuổi. Ông đi để lại muôn vàn thương tiếc cho người thân, bạn bè.

Biết đâu ở thế giới bên kia ông lại được nhìn thấy tác phẩm của mình. Bởi vì, tác phẩm của ông đã có độc giả yêu quý đặt lên bàn thờ gia tiên mong được gửi tới người đã khuất. Đây là một trường hợp rất đặc biệt hiếm có về tác phẩm của một nhà văn. Những tác phẩm của ông còn sống mãi với thời gian bên những độc giả, người thân và bạn bè.

Vũ Đức Vinh

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202311/nho-ve-mot-nha-van-9df4fac/