Nhớ thời hoàng kim những sạp báo in

Cái thời đấy cũng không quá xa, lúc đó, Internet mới chỉ phổ cập ở vài đô thị lớn. Cũng đã nhiều người Việt sử dụng điện thoại di động, thứ mà giới trẻ ngày nay gọi là 'cục gạch' hoặc 'stupid-phone' (điện thoại đần), vì nó không có hệ điều hành thông minh như mấy cái 'smart-phone' (điện thoại thông minh) nhan nhản bây giờ. Muốn biết tin tức thật nhanh, thì ngoài lợi hại truyền hình, người ta thường giữ thói quen nghe đài hay đọc báo in.

Sạp báo nhỏ số 222 Hàng Bông năm 1986 (nhiếp ảnh gia người Mỹ William E Crawford)

Sạp báo nhỏ số 222 Hàng Bông năm 1986 (nhiếp ảnh gia người Mỹ William E Crawford)

Nghe đài là nếp quen của các cụ về hưu, còn đâu bất kể tuổi, thú vui lớn nhất vẫn là đọc báo in. Vào những dịp có sự kiện “hót”, kiểu như “uôn cúp” (World Cup) bóng đá chẳng hạn, thì quanh các sạp bán báo, bạt ngàn nam phụ lão ấu. Đám đông háo hức đọc rồi phừng phừng bình luận, trăm người nghìn ý. Cho dù chỉ là bài tường thuật khá vội vàng chưa tới nghìn chữ, mà đa phần dịch từ báo nước ngoài thì hoặc có người khen “tay viết” tuyệt hay đúng là cao thủ. Lại có kẻ thì bĩu môi, câu chữ cũng tàm tạm, nhưng “trình” còn non lắm. Quả đó việt vị lè lè ra, thế mà cứ a dua theo gã trọng tài mắt mù phán là phạt đền.

Tôi thề là không bao giờ đọc tờ báo này nữa. Và tờ mờ rạng sáng hôm sau, người ta vẫn thấy cái ông thề độc hôm qua, mắt đỏ đòng đọc bởi thức đêm xem trực tiếp trận bán kết trên tivi, đang xông xáo ở hàng đầu cố sống cố chết mua bằng được đúng cái tờ báo đấy. Thiếu nữ xinh như mộng đứng sạp báo gần Văn Miếu, cách tòa soạn của tờ An ninh Thủ đô chừng trăm mét đang phụ mẹ bán cười tươi, khuyến mại thêm cho ông khách quen một tờ lem nhem in nửa xanh nửa đỏ lịch thi đấu. Có lẽ cô bé đang hạnh phúc ở mối tình đầu, nên ngây thơ nghĩ rằng, tất cả đàn ông quen mồm thề thốt thì phần lớn là người chung thủy. Chao ôi, cái thời báo chí rưng rưng hoàng kim, hầu hết “tia-ra” (số lượng phát hành) của mọi tờ báo in đều lên tới vài vạn.

Ở đâu thì không biết, nhưng ngay từ thời báo chí còn manh nha (khoảng thập niên 20-30 của thế kỷ trước), Hà Nội đã có quá đông kẻ “nghiện” đọc báo. Trong vô vàn độc giả cần mẫn thì có lẽ đông nhất vẫn là đám công chức văn phòng làm ở “sở Tây”. Đại loại đó là những ông phán ông ký “sáng cắp ô đi chiều cắp về”, mà vỉa hè quá quen với hình ảnh một trung niên phẳng phiu tay trái xách cặp da nhầu nhĩ. Ở phía sâu trong là cái khăn mặt ố vàng, một lọ ruốc bông trắng ngà, còn tay phải thì cầm một vài tờ báo.

Mấy bà vợ tuy ở nhà, nhưng cứ gần xong bữa quà sáng thì không cần phải sai, thằng nhỏ người ở đã biết ý phóng như bay ra sạp báo quen đầu phố mua về cho bà chủ một tờ “Đàn bà mới” hay “Phụ nữ tân văn” gì đấy. Có cầu ắt có cung, đầu năm 1933, tòa thị chính thành phố đã khởi động xây chừng 25 cái ki-ốt ở vị trí đắc địa như góc phố Hàng Than, đoạn giao phố Hàng Khoai - Hàng Giấy gần ngay chợ Đồng Xuân rồi giữa phố Hàng Khay ven Bờ Hồ… mỗi cá nhân có thể đấu thầu một hay nhiều ki-ốt trong thời hạn hai năm để bán đủ loại sách báo cả Tây lẫn ta.

Nó thường có hình lục giác, đôi khi lên tới tám cạnh, diện tích mặt sàn không được vượt quá 1,5 mét vuông và phần mái không cao quá 2 mét. Thỉnh thoảng đứng bán là một thiếu nữ đang tuần cập kê. Môi cắn chỉ, răng đen hạt na, cổ cao ba ngấn, vấn tóc đuôi gà bằng lụa trắng, mặc yếm trắng áo năm thân cổ đứng cài khuy.

Nghe đài là nếp quen của các cụ về hưu, còn đâu bất kể tuổi, thú vui lớn nhất vẫn là đọc báo in

Nghe đài là nếp quen của các cụ về hưu, còn đâu bất kể tuổi, thú vui lớn nhất vẫn là đọc báo in

Tất nhiên, đấy là các sạp báo chỉn chu theo kiểu “Nhà nước”, còn những sạp trước đó đều bán tại tư gia, đơn giản là mấy đợt gỗ kê bằng cửa lùa hơi nhô ra vỉa hè chừng ba gang tay trẻ con. Theo cái nhớ của nhà văn Nguyễn Công Hoan thì những cái sạp ấy ngoài báo ngày hay báo tuần, còn bán linh tinh văn phòng phẩm. Và nhiều nhất là những cuốn kiếm hiệp giá ba xu một quyển. Bọn học trò thèm khát lượn lờ nhìn, dãi nhỏ tong tong, nhiều đứa liều lĩnh giả cách tìm mua ngòi bút rồi nằn nì chị chủ xin đọc “cọp”.

Đương nhiên nhiều người bán báo, nhưng vì vài lý do, họ không thể sở hữu nổi một sạp. Có phải vậy chăng mà ngày xưa ở Hà thành, bất kể thời nào cũng có rất đông những người bán báo dạo. Lực lượng chủ yếu là đám trẻ ngoại tỉnh cơ nhỡ, tuổi khoảng từ mười ba đến mười sáu. Ở giai đoạn văn chương đặc sắc 30-45, khắp các con phố trung tâm Hà Nội, từ sáng đến tận gần trưa luôn lanh lảnh vang tiếng bọn trẻ rao báo. “Báo mới báo mới đây, tiểu thư con quan tổng đốc bỏ nhà theo trai”. Hoặc nữa, “công nhân nhà máy dệt Nam Định nhịn đói tiếp tục đình công”.

Tin tức thời sự thường linh tinh, đủ loại thượng vàng hạ cám. Có điều khá cảm động, trong đám trẻ lanh lợi vất vả đấy, đã vài cô cậu bé thâm niên làm liên lạc bí mật cho Việt Minh. Sau ngày lễ mùng 2 tháng 9, trong lớp cán bộ đầy nhiệt huyết đầu tiên của Cách mạng, không ít người có một đoạn xuất xứ từ đánh giầy bán báo.

Có lẽ báo viết thịnh nhất là vào hồi cả nước hân hoan Đổi Mới, khoảng sau năm 1986. Nó kéo dài chừng hơn hai thập kỷ cho tới lúc “in-tờ-nét” (Internet) hợm hĩnh đắc thời đắc thế. Đó là thời báo in trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng. Chưa bàn tới nội dung mà chắc hẳn hay hơn bây giờ, chỉ nhìn hình thức thôi đã thấy sáng mắt sáng lòng.

Không kể những sạp báo ngồi thành dãy như ở Hàng Trống (trước cửa Tòa soạn Báo Nhân dân) hay Phan Huy Chú bên hông Thông tấn xã rồi Phan Đình Phùng liền ngay trụ sở tờ Quân đội nhân dân… thì hầu như chỉ cần loanh quanh vài con phố ngắn là thấy ngay một sạp. Mỗi một sạp báo có một lượng khách quen riêng, chỉ cần ông khách tà tà lượn xe máy gần sát vỉa hè, thì người bán đã thoăn thoắt chọn đúng số báo ông ta cần. Hôm nay ông ta lấy thêm vài tờ lạ, chủ sạp cười hiền, thấu hiểu.

Lại đi đâu xa à, chơi hay công tác. Vâng, cái chỗ sẽ đến khiếp quá, ai đời một thị trấn lớn đến như thế mà đi nát cả chân cũng không kiếm nổi một sạp báo. Ăn sáng xong mà không có tờ báo để đọc thì cốc cà phê có đậm, điếu thuốc lá có “xịn”, mồm miệng vẫn cứ nhạt hoét. Có thể nói không ngoa rằng, với đa phần đám trung niên thị dân, thú đọc báo buổi sáng quan trọng không kém gì bát phở tái nạm gầu.

Thế nhưng dăm năm lại đây, những sạp báo thân thương đã rơi rụng đi quá nhiều. Hôm nọ hiện hình trên tivi, có một ông loay hoay nói về quy hoạch văn hóa cho phố đi bộ, chẳng thấy nhắc gì đến những sạp báo. Việc bảo tồn phố cổ đã và đang có nhiều thành tựu. Cùng với các quán quà rong đặc trưng điển hình, phố Hà Nội sẽ tinh tế càng Hà Nội khi có thêm vài sạp báo rêu phong mùi thời gian.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nho-thoi-hoang-kim-nhung-sap-bao-in-post543537.antd