Nhớ Tết hòa bình đầu tiên

Người Hà Nội, người Việt Nam có lẽ sẽ không bao giờ quên cái Tết năm ấy. Tết Quý Sửu năm 1973 vẫn được coi là cái Tết hòa bình đầu tiên mặc dù phải đến 2 năm sau, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước mới hoàn toàn thắng lợi, đất nước mới hoàn toàn thống nhất.

Và với thế hệ chúng tôi, những người đang ở độ tuổi U70, Tết Quý Sửu 1973 càng là một cái Tết đáng nhớ.

Ấm áp Tết sẻ chia

Năm ấy, người Hà Nội và cả nước ăn một cái Tết “to”, dù vật chất chẳng mấy sung túc. Những ngày cuối tháng chạp năm 1972, Hà Nội cùng các tỉnh thành phía Bắc như Hải Phòng, Hải Hưng, Hà Nam Ninh, Hà Bắc… đã lập nên kỳ tích chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, đánh bại trận tập kích chiến lược bằng B52 mang tên Leinebeker II của không quân Mỹ, buộc chính quyền Nixon phải quay lại bàn hội nghị ở Paris và ký kết Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Vừa trải qua sự khốc liệt của đạn bom, mất mát, người Hà Nội cùng người dân các thành phố, thị xã lân cận như Nam Định, Hải Dương, Hải Phòng… càng hiểu rõ sự quý báu của hòa bình, niềm vui sum họp và hạnh phúc được đón cái Tết cổ truyền của dân tộc với hy vọng vào một tương lai tốt đẹp. Khi chỉ mấy ngày nữa là bước sang năm con Trâu, ngày 27.1.1973, Hiệp định Paris được ký kết. Ngày 28.1 các báo Nhân Dân, Quân đội Nhân dân đăng toàn văn Hiệp định, nhiều người cầm trang báo mà mắt nhòa lệ…

Để có được ngày vui hôm ấy, người dân Hà Nội và cả nước đã trải qua bao đau thương mất mát. Chỉ trong đêm 26.12.1972, nhiều tốp máy bay B52 đã ồ ạt trút khoảng một nghìn quả bom xuống khu vực Khâm Thiên. Vệt bom kéo dài hơn cây số đã khiến cả khu phố tan tác, chìm trong khói lửa. Trạm y tế, cửa hàng lương thực, thực phẩm, nhiều cơ sở sản xuất và gần 550 ngôi nhà đã bị bom phá hủy. 1.200 ngôi nhà bị hư hỏng nặng. Gần 300 người, trong đó có nhiều cụ già, trẻ em và phụ nữ bị sát hại, hơn 260 người bị thương.

Người dân Hà Nội trước một căn nhà đang xây dựng lại trên phố Khâm Thiên năm 1973 (ảnh tư liệu)

Người dân Hà Nội trước một căn nhà đang xây dựng lại trên phố Khâm Thiên năm 1973 (ảnh tư liệu)

Người dân Khâm Thiên đã đứng dậy, vượt qua đau thương mất mát, tạo dựng lại cuộc sống từ cảnh đổ nát, hoang tàn bởi trận bom B52 kinh hoàng. Với những sẻ chia, giúp đỡ của các cấp, ngành, Tết Quý Sửu năm 1973, người dân Khâm Thiên có đủ bánh chưng, mứt Tết để cúng ông bà tổ tiên, người thân đã mất trong những căn nhà tranh tre dựng tạm nhờ sự hỗ trợ của bà con các địa phương lân cận. Từng hỗ trợ, đùm bọc, sẻ chia với người dân Hà Nội sơ tán chống chiến tranh phá hoại, người dân các vùng quê Hà Tây, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương… lại gom góp từng cây tre, tấm tranh giúp bà con Khâm Thiên dựng những ngôi nhà tạm trên nền đất bị bom Mỹ tàn phá. Từng cân gạo nếp, bó lá dong, những gánh rau tươi, thực phẩm… từ các miền quê lân cận được chuyển về hỗ trợ người Hà Nội đón Tết. Nhiều gia đình tạm biệt nơi sơ tán trong sự lưu luyến để về Thủ đô đón cái Tết đầu tiên miền Bắc im tiếng đạn bom sau nhiều năm giặc Mỹ bắn phá…

Hạnh phúc đoàn viên

Xuân Quý Sửu ấy, chợ hoa Tết Cống Chéo Hàng Lược, một nét đẹp truyền thống của Hà Nội vẫn được duy trì ngay cả trong những năm chiến tranh ác liệt, dường như lại càng đông vui. Người bám trụ chiến đấu công tác ở thành phố, người từ nơi sơ tán về, người từ chiến trường ra, người các tỉnh về sắm Tết… cùng nhau hồ hởi nơi chợ hoa xuân. Năm ấy chợ hoa Tết Hà Nội bắt đầu từ cuối phố Hàng Cót, qua Cống Chéo Hàng Lược, xuôi đến ngã năm, nơi gặp nhau của các con phố cổ Hàng Mã, Hàng Lược, Chả Cá, Thuốc Bắc, chợ hoa Tết tràn sang các phố lân cận Phùng Hưng, Hàng Khoai, Hàng Rươi rồi ngược lên vườn hoa Hàng Đậu, sang phố Lý Nam Đế. Dư dả thì sắm cành đào, chậu quất… Bình dân thì dăm bông thược dược kèm nắm violet hay hoa chân chim. Nhà nào cũng có hoa tươi. Có cảm giác như năm Quý Sửu ấy, đào Nhật Tân thắm hơn, quất Quảng Bá vàng hơn, lay ơn, thược dược… rực rỡ hơn, violet tím ngát hơn để mừng Tết Hòa bình. Hội tụ về chợ hoa Tết năm ấy, gương mặt người Hà Nội cùng người dân khắp nơi về thăm Thủ đô dù chưa phai nét khắc khổ của những ngày gian khó vẫn bừng lên niềm hy vọng khi Tết đến, xuân về.

Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không cuối năm 1972 đã buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam vào ngày 27.1.1973. Trong ảnh: Cô gái tưới hoa bên xác máy bay B52 Mỹ bị bắn rơi ở hồ Hữu Tiệp, làng Ngọc Hà (Hà Nội)Ảnh tư liệu

Năm ấy, người Hà Nội còn rủ nhau đến Ngọc Hà, một công đôi việc, vừa ngắm hoa, mua hoa ngay tại làng hoa truyền thống, vừa được tận mắt chứng kiến xác B52 rơi xuống làng hoa mà cụ Nguyễn Tuân trong một bài bút ký gọi rất hóm là những “cục Mỹ”. Cụ Nguyễn cũng thuật lại trong thiên bút ký ấy lời người dân làng hoa: Từ sau ngày Thủ đô đánh thắng B52, nhất là sau 27.1, hoa Ngọc Hà nở không kịp bán. Và nghe đâu, một gốc đào Nhật Tân rất đẹp còn có mặt ở trại David, trụ sở của phái đoàn quân sự ta ở Sài Gòn…

Có một điều đem lại niềm vui cho nhiều gia đình ở hậu phương miền Bắc trong Tết Quý Sửu năm ấy. Đó là chẳng biết có phải vì Hiệp định hòa bình đã được ký kết mà năm ấy có nhiều người lính được về phép ăn Tết. Trong không khí náo nức của Tết hòa bình ấy, hình ảnh những người lính từ chiến trường trở về luôn được chú ý. Dù ở đâu, những người lính cũng nhận được ánh mắt trìu mến, ấm áp của mọi người. Năm ấy, từ nguồn viện trợ của các nước Đông Âu, mậu dịch tung ra bán loại vải sợi tổng hợp gọi là vinilon, và người Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương… có mốt mặc áo khoác vinilon trần quả trám. Một hình ảnh thường thấy trong mùa xuân ấy là một chàng lính trẻ tinh tươm trong bộ quân phục màu cỏ úa, đèo sau xe đạp một cô gái diện áo vinilon màu hạt dẻ, tay cầm bó hoa, cả hai đều cười rất tươi trong nắng nhẹ chiều xuân.

Có một câu chuyện khá thú vị mà một bạn đồng ngũ quê Hải Dương năm ấy cũng được nghỉ phép về ăn Tết kể lại. Cũng như các địa phương khác ở miền Bắc, thị xã Hải Dương những ngày đón Tết Quý Sửu năm ấy rất hồ hởi, đông vui. Bà con dân phố nô nức đi mua bức tranh Tết của họa sĩ Tạ Thúc Bình, có hình cháu bé ngồi trên lưng trâu giơ cành tre buộc dây pháo tép nổ tưng bừng, bên dưới là dòng chữ: "Năm Trâu đốt pháo mừng Xuân/ Bắc Nam thắng lợi, quân dân nức lòng"…

Vậy mà tròn nửa thế kỷ đã trôi qua, cũng đã mấy bận đất nước đón Tết con Trâu, nhưng ký ức đậm đà về cái Tết Quý Sửu cách nay 50 năm với niềm tin, sức mạnh và hy vọng vẫn còn tươi rói, như một trong những động lực đưa đất nước vượt bao gian nan, thử thách, vươn tới những mùa xuân hạnh phúc, đủ đầy.

VIỆT ANH

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/doi-song/nho-tet-hoa-binh-dau-tien-224008