Nho Quan: Giải phóng mặt bằng dự án tuyến đường Đông - Tây chậm tiến độ

Dự án xây dựng tuyến đường Đông - Tây được khởi công đúng dịp chào mừng 200 năm danh xưng Ninh Bình và 30 năm tái lập tỉnh. Đây là công trình trọng điểm có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nói chung và của các địa phương khu vực miền núi nói riêng. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, dự án sẽ hoàn thành thông xe kỹ thuật trong năm 2023. Tuy nhiên, đến thời điểm này công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) trên địa bàn huyện Nho Quan vẫn còn chậm tiến độ, ảnh hưởng đến việc thi công của nhà thầu.

Người dân mong muốn Nhà nước nhanh chóng thực hiện công tác thu hồi, đền bù, GPMB.

Người dân mong muốn Nhà nước nhanh chóng thực hiện công tác thu hồi, đền bù, GPMB.

Đồng chí Phạm Quốc Chính, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Ninh Bình, đại diện chủ đầu tư cho biết: Dự án xây dựng tuyến đường Đông-Tây có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là mở ra dư địa để thu hút đầu tư vào khu vực khó khăn ở Tam Điệp, Nho Quan. Dự án có tổng mức đầu tư là 1.486 tỷ đồng với chiều dài 23km, trong đó phạm vi dự án trên địa bàn huyện Nho Quan có chiều dài 16,323km đi qua 5 xã là: Văn Phong, Văn Phương, Cúc Phương, Kỳ Phú, Phú Long; diện tích đất bị ảnh hưởng là 128,65 ha; số hộ gia đình bị ảnh hưởng là 843 hộ; số hộ có nhu cầu tái định cư là 131 hộ.

Khảo sát tuyến đường trên địa bàn một số xã bị ảnh hưởng có thể thấy công tác GPMB ở địa phương đang còn nhiều khó khăn, trên toàn tuyến chỉ có vài điểm được nhà thầu thi công. Ông Bùi Đình Chi, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Phong cho biết: Xã Văn Phong có 21 hộ có nhu cầu tái định cư. Hiện xã đã xác định vị trí tái định cư tại khu dân cư Thượng Đồng.Vị trí bố trí tái định cư giáp trục đường giao thông hiện có, thuận tiện về giao thông. Tuy nhiên khu tái định cư vẫn là một cánh đồng đang cấy lúa, vẫn chưa thể tiến hành các bước còn lại để làm hạ tầng cho người dân trong diện tái định cư được xây dựng nơi ở mới.

Bày tỏ quan điểm của mình về việc Nhà nước thu hồi đất thực hiện Dự án tuyến đường Đông-Tây, ông Nguyễn Văn Nam, thôn Thượng Đồng, xã Văn Phong nói: Gia đình tôi đã nắm được chủ trương của Nhà nước về việc thu hồi đất thực hiện Dự án tuyến đường Đông - Tây từ 2 năm nay. Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ và đồng thuận với chủ trương này để phục vụ mục đích phát triển kinh tế- xã hội. Trong thời gian đợi Nhà nước thu hồi đất, chúng tôi không thể thực hiện việc xây dựng, cơi nới, sản xuất trên đất bị thu hồi. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình nên tôi mong muốn Nhà nước sớm thực hiện đền bù GPMB để ra nơi ở mới ổn định cuộc sống.

Theo báo cáo của chủ đầu tư, đến ngày 8/3, Hội đồng bồi thường hỗ trợ, GPMB huyện Nho Quan đã bàn giao được 13,64km/16,3km đất nông nghiệp thuộc các xã: Phú Long, Kỳ Phú, Cúc Phương, Văn Phương, Văn Phong. Tuy nhiên, trong phạm vi bàn giao còn vướng 3 tuyến đường điện dân sinh đi qua, thuộc xã Phú Long; 8 vị trí tài sản, vật kiến trúc thuộc xã Cúc Phương; 1 đường dây điện 35KV thuộc xã Văn Phương.

Đối với công tác kê khai kiểm đếm đến nay được 607/607 hộ đất nông nghiệp (đạt 100%) và 264/264 hộ đất ở (đạt 100%). Ngày 6/3/2023, UBND huyện Nho Quan đã trình Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt giá đất cụ thể (phần đất ở) làm căn cứ tính tiền bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án đầu tư tuyến đường Đông - Tây, tỉnh Ninh Bình (giai đoạn 1) đoạn qua các xã Kỳ Phú, Cúc Phương, Văn Phong, Văn Phương, Phú Long. Đối với đất ở trong khu tái định cư, huyện đang phối hợp với đơn vị tư vấn triển khai xác định giá đất ở tại các khu tái định cư.

Đánh giá về công tác GPMB trên địa bàn huyện Nho Quan, tại Thông báo số 22 của Văn phòng UBND tỉnh ngày 14/2 đã nêu rõ: Đến cuối năm 2023 dự án xây dựng tuyến đường Đông - Tây sẽ thông xe kỹ thuật nhưng công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn huyện Nho Quan rất chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu. Mặt bằng mới bàn giao được 10,318 km xôi đỗ các đoạn chủ yếu là phần đất nông nghiệp. Còn khoảng 6 km chưa được bàn giao vướng mắc vào phần đất ở và tài sản trên đất.

Nguyên nhân tập trung vào một số việc cụ thể như: Công tác kê khai, kiểm đếm chậm dẫn đến chưa xong phân loại các loại đất để đền bù, trong khi loại đất ở và tài sản trên đất có quy trình, thủ tục để thu hồi dài hơn đất nông nghiệp. Bên cạnh đó, công tác lựa chọn các vị trí để lập quy hoạch, hoàn thiện thủ tục đầu tư xây dựng các khu tái định cư chậm. Hiện nay, UBND tỉnh mới phê duyệt được 1 dự án cơ sở hạ tầng khu tái định cư Văn Phương cho 17 hộ, còn lại 3 khu tái định cư chưa được phê duyệt... Công tác rà soát, thống kê các hạng mục công việc di chuyển hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án hiện chưa được thực hiện.

Khu tái định cư xã Văn Phong vẫn đang là ruộng cấy của người dân chưa thể thi công hạ tầng.

Để dự án được triển khai đúng tiến độ, thông xe kỹ thuật vào cuối năm 2023, việc giải phóng mặt bằng bàn giao cho Chủ đầu tư phải được hoàn thành sớm. UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Nho Quan, các sở, ngành, chủ đầu tư và đề nghị Thường trực Huyện ủy Nho Quan tập trung thực hiện, chỉ đạo sát sao Hội đồng GPMB xây dựng lại kế hoạch, tiến độ chi tiết; tổ chức thực hiện hoàn thành bàn giao toàn bộ mặt bằng trên địa bàn huyện cho Chủ đầu tư trước ngày 30/5/2023.

Huyện Nho Quan bám sát, chỉ đạo quyết liệt đẩy nhanh tiến độ hoàn chỉnh thủ tục đầu tư và tổ chức triển khai thi công ngay các khu tái định cư, làm cơ sở bố trí các hộ khi thu hồi đất theo quy định pháp luật; phối hợp với Chủ đầu tư và các đơn vị có liên quan xây dựng phương án hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng được thuê ở tạm khi Nhà nước thu hồi đất trong trường hợp chưa xây dựng xong khu tái định cư theo đúng quy định pháp luật. Đồng thời, huyện chủ trì, phối hợp với chủ công trình và các đơn vị có liên quan rà soát, thống kê để thực hiện di chuyển hạ tầng hạ tầng kỹ thuật ra ngoài phạm vi dự án; thời gian hoàn thành xong trước ngày 30/4/2023.

Đồng chí Phạm Quốc Chính, đại diện Chủ đầu tư cho biết: Với tinh thần có mặt bằng đến đâu thi công đến đó, nhất là những vị trí trọng yếu, hiện các đơn vị thi công đang triển khai thi công phần nền đường trên địa bàn thành phố Tam Điệp và các vị trí đã GPMB trên trên địa bàn huyện Nho Quan. Tuy nhiên để dự án đảm bảo thời gian thông xe vào cuối năm 2023 thì hiện nay khó khăn lớn nhất là mặt bằng chưa đảm bảo. Vì vậy, Chủ đầu tư đề nghị UBND huyện Nho Quan đẩy nhanh tiến độ triển khai các khu tái định cư để xây dựng giá đất ở và công tác di chuyển hạ tầng kỹ thuật bị ảnh hưởng bởi dự án để hoàn trả bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư.

Nguyễn Thơm - Anh Tuấn

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/nho-quan-giai-phong-mat-bang-du-an-tuyen-duong-dong-tay-cham/d2023031316363551.htm