Nhớ những ngày làng nuôi quân Nam tiến

Những ngày cuối tháng 4, miền Trung như đổ lửa, chúng tôi tìm về xã Dương Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) nơi được biết đến là địa phương có nhiều đơn vị đóng quân, hành quân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Đi dọc bờ Đâu Giang (một nhánh của sông Kiến Giang), ông Ngô Trung Thông (SN 1955) Chi hội Cựu chiến binh thôn Tây Thiện, xã Dương Thủy cho biết, từ năm 1965 đến năm 1975, trên địa bàn xã Dương Thủy có hàng chục đơn vị bộ đội, thanh niên xung phong đóng quân và hành quân qua.

Xã Dương Thủy được biết đến là địa phương có nhiều đơn vị đóng quân, hành quân qua trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Trong đó, phải kể đến lực lượng của Trường Quân chính Trị Thiên - H52, Tiểu đoàn 45 bộ đội địa phương Quảng Bình, Đại đội 361, Ban chỉ huy Quân sự huyện Lệ Thủy… Thời điểm cao nhất, toàn xã có khoảng 2.000 cán bộ, chiến sỹ đóng quân. Riêng Trường Quân chính Trị Thiên - H52 lúc nào cũng có trên 1.000 cán bộ, chiến sỹ thực hiện công tác huấn luyện trước khi tăng cường vào chiến trường miền Nam.

Ngày đó, mỗi nhà dân ở Dương Thủy đều tham gia nuôi quân. Nhân dân xã Dương Thủy ra sức lao động sản xuất và can trường cùng tham gia chiến đấu trong điều kiện khó khăn.

Quân và dân xã Dương Thủy trong những năm kháng chiến (nguồn internet).

"Nhà nuôi nhiều nhất có gần 10 người, nhà nuôi ít cũng phải 2 người. Đông nhất là lực lượng chiến đấu từ chiến trường miền Nam trở ra. Dân có thể thiếu ăn nhưng vẫn có gắng để bộ đội no cái bụng có sức tập luyện, chiến đấu. Nhân dân địa phương xem bộ đội như anh em trong gia đình", ông Thông kể.

Phát hiện có nhiều bộ đội tại Dương Thủy, giặc Mỹ huy động máy bay bắn phá ác liệt. Theo thống kê, suốt từ 1965 - 1975, quân Mỹ dùng không quân đánh phá vào địa phương này 354 lần, trong đó có 27 lần ác liệt. Chúng ném xuống đây này 1.372 quả bom các loại, 2.010 quả đạn. Quân và dân nơi đây vừa chiến đấu, vừa sản xuất, nuôi quân, chi viện cho chiến trường miền Nam.

"Nhân dân bám đất sản xuất, bám làng chiến đấu. Các hợp tác xã điều chỉnh lại quy mô sản xuất, chia nhỏ các tổ, đội cũng như việc nuôi nhốt trâu, bò, cất giữ lúa gạo để tránh gây thiệt hại lớn", ông Thông cho biết thêm.

Ông Ngô Trung Thông thường xuyên tìm hiểu, sưu tầm những câu chuyện chiến đấu anh dũng của nhân dân xã Dương Thủy trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ.

Ông Trần Văn Sóc (SN 1965), Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Dương Thủy cho biết, bộ đội, thanh niên xung phong có mặt khắp nơi trong xã, ngôi nhà nhỏ của gia đình ông Sóc cũng có 4-5 người lính đến cùng ăn ở, chiến đấu. Nhiều thương binh trở về điều trị rồi lại tiếp tục vào chiến trường. Cùng với đó, nhiều người cũng vượt bom, đạn để chèo thuyền đưa quân, vũ khí, lương thực qua sông vào chiến trường miền Nam.

"Ngày đó tôi còn nhỏ nhưng vẫn nhớ rõ sự khốc liệt của đạn bom, sự kiên cường của quân và dân Dương Thủy. Nhà ít thì vài anh bộ đội, nhiều thì tới chục người, họ cùng ăn, ở, tập luyện, sản xuất và chiến đấu cùng dân làng. Đang đi chăn trâu bên bờ sông cứ có báo hiệu máy bay địch tới là chúng tôi dắt trâu xuống hào rồi trốn vào hầm mà bộ đội giúp dân đào. Đến giờ tôi vẫn nhớ phần lương khô ít ỏi mà các chú bộ đội tặng để chống đói. Trong cái khó, cái khổ của chiến tranh nó trân quý lắm", Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Dương Thủy chia sẻ.

Trong hồi ức, ông Ngô Trung Thông còn nhớ, trước năm 1975, quân và dân Dương Thủy thành công bắn rơi máy bay tiêm kích của Mỹ trên đồi 26, phối hợp cùng xã bạn bắt sống tên phi công lái máy bay tiêm kích này.

"Tôi nhớ có những thời điểm địch đánh phá ác liệt cả ngày, người dân phải lao động sản xuất vào ban đêm, vai đeo súng, tay cầm cày. Sau đó không lâu tôi cũng lên đường nhập ngũ, rời làng tham gia chiến đấu ở chiến trường Bình – Trị - Thiên", ông Thông chia sẻ.

Ông Nguyễn Xuân Trọng (SN 1933), từng làm Xã đội trưởng và Chủ tịch UBND xã Dương Thủy trong những năm chống Mỹ.

Rồi những ngày đoàn quân rời Dương Thủy để vào Nam chiến đấu, dân làng ai cũng buồn vì phải chia tay những người con, người em không chung máu mủ tới chiến trường để giành lấy độc lập, tự do của Tổ quốc.

"Ngày các anh, các chú rời làng ai cũng bịn rịn vì trong thời gian sống, chiến đấu xem nhau như người trong gia đình. Nhiều người dân vượt bom đạn đưa đò cho bộ đội qua sông. Chúng tôi chúc các chú mạnh khỏe lên đường, sớm có tin thắng trận từ tiền tuyến", ông Sóc nhớ lại.

Sự nỗ lực, gan dạ của nhân dân Dương Thủy góp phần cùng nhân dân cả nước trong những năm tháng gian khổ để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Từ những trang sử hào hùng được tiền nhân viết nên, nhân dân Dương Thủy hôm nay đang từng bước xây dựng quê hương phát triển, giàu đẹp.

Hùng Trần

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nho-nhung-ngay-lang-nuoi-quan-nam-tien-169240428180437114.htm