Nhớ những mùa đuông đất

Ngày nay, diện tích đất giồng bị thu hẹp do quá trình 'đô thị hóa'. Hơn nữa, khi trồng giồng nông dân sử dụng thuốc hóa học nên chúng không còn... đất sống! Nên giờ có thèm, ta vác cuốc đi đào đuông, nhiều lắm cũng chỉ được vài chục con. Như thế cũng quý lắm rồi!

Bước vào đầu tháng 10 âm lịch, là bước vào mùa đuông đất (có nơi gọi là con sùng đất) ở quê tôi. Có lẽ, sau đuông dừa, đuông chà là, đuông măng là tới nó. Đuông đất chuyên sống ở nơi có đất cát giồng. Thân nó khi trưởng thành to bằng ngón tay cái người lớn, mập ú và có màu trắng sữa hoặc vàng nghệ. Nếu nơi nó đủ thức ăn (như khoai, mì), thì chất lượng con đuông đất rất cao. Đuông đất có vòng đời sinh trưởng tương đối dài. Từ khi sinh ra và lớn lên trong lòng đất và “hóa thân” thành loài bọ cánh cứng ăn lá cây, mà ở quê người ta gọi tên dân dã là... bọ rầy! Thời gian ấy, khoảng một năm.

Tháng 5 âm lịch, khi những cơn mưa đã già. Lúc ấy, sau hơn một tháng bay lượn và thưởng thức các loại lá cây, những con bọ rầy cũng “mỏi cánh, chồn chân”, nên cùng nhau quay về lòng đất mẹ nơi mà nó sinh ra và lớn lên. Trước khi chết, nó đẻ hàng loạt trứng vùi trong lòng đất. Những trứng này, gặp điều kiện thuận lợi, trứng sẽ thay phiên nhau nở thành những con đuông. Đuông sống nhờ ăn chất mùn của lá mục, rễ các loại cây cỏ hoặc các loại củ. Nhất là củ khoai, củ mì.

Ở quê, nhà ai có miếng đất giồng nhỏ muốn “nuôi đuông” thì canh thời điểm chúng đang lớn, cuốc vài luống đất bỏ củ khoai, củ mì để “dụ” chúng vào. Cuối mùa sẽ thu hoạch được những con đuông mập ú, béo nút nít.

Vào mùa đuông đất, đi đào đuông cũng là một cài thú không kém phần hấp dẫn. Vừa giải trí, vừa có đặc sản thưởng thức. Đi đào đuông tương đối đơn giản chỉ cần một cái cuốc cán ngắn, một cái xô có chứa nước để đựng đuông và với hai người là đủ. Người đào, người “ngắt đít” đuông bỏ vào xô nước cho chúng… tự rửa cát. Cứ thế, người kia đào mệt thì người nọ vô thế. Nếu “trúng mánh” gặp miếng đất đuông nhiều, chừng 2 tiếng đồng hồ, hai người sẽ đào được hơn ký đuông.

Đuông đất rất dễ chế biến. Dân nhậu thường luộc sả, chiên giòn hoặc rang mằn mặn uống bia là hết sẩy. Đuông đất rất giàu dinh dưỡng nhưng cũng có một số người “kỵ” chúng nên ăn không được.

Ngày nay, diện tích đất giồng bị thu hẹp do quá trình “đô thị hóa”. Hơn nữa, khi trồng giồng nông dân sử dụng thuốc hóa học nên chúng không còn... đất sống! Nên giờ có thèm, ta vác cuốc đi đào đuông, nhiều lắm cũng chỉ được vài chục con. Như thế cũng quý lắm rồi!

TRẦN NHẬT HẠ

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/van-hoa-the-thao/nho-nhung-mua-duong-dat-32055.html