Nhớ nhà báo Nguyễn Ngọc - Cây đại thụ của làng báo Khánh Hòa

Hôm 20-6-2023 nhân kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, Báo Khánh Hòa mời nguyên lãnh đạo Báo qua các thời kỳ đến gặp mặt. Nhân dịp này, Báo Khánh Hòa khai trương mô hình “Tòa soạn hội tụ” và Phòng Studio cho Báo Khánh Hòa điện tử. Trước ngày gặp mặt, Tổng Biên tập Báo Khánh Hòa Thái Thị Lệ Hằng còn cẩn thận gọi điện thoại cho từng người và không quên dặn: Anh cố gắng đến nhé, dịp này Báo Khánh Hòa sẽ có một tấm ảnh lịch sử khi đầy đủ 5 đời Tổng Biên tập gặp nhau. Thế nhưng, khi mọi người có mặt thì chú Nguyễn Ngọc (Tổng Biên tập Báo Phú Khánh và Tổng Biên tập Báo Khánh Hòa từ 1989 đến 1995) đến giờ chót không đến được vì lý do sức khỏe.

Ban Biên Tập Báo Khánh Hòa có sáng kiến: muốn có tấm ảnh lịch sử của 5 đời Tổng Biên tập thì 4 chúng tôi gồm 3 nguyên Tổng Biên tập: Nguyễn Thị Bích Thủy, Lương Kiên Định, Trần Duy Hưng và Tổng Biên tập Thái Thị Lệ Hằng vẫn đứng chụp tấm ảnh dưới logo của Khánh Hòa Online nhưng để trống chiếc ghế giữa khi nào chú Nguyễn Ngọc sức khỏe tốt hơn, Tòa soạn sẽ mời chú đến, ngồi vào vị trí ghế trống chụp tấm hình rồi bằng kỹ thuật vẫn có được tấm ảnh 5 đời Tổng Biên tập.

Thế nhưng, tấm ảnh lịch sử đó mãi mãi không có được vì sáng nay 16-8 chú Nguyễn Ngọc đã ra đi. Chiếc ghế trống vẫn còn, nhưng trong tâm khảm của chúng tôi vẫn sáng ngời hình ảnh của một Tổng Biên tập đáng kính, một Tổng Biên tập vừa có TÂM lại vừa có TẦM.

Tấm ảnh chụp hôm 20-6-2023 các lãnh đạo Báo Khánh Hòa qua các thời kỳ với chiếc ghế trống trân trọng để dành chờ nguyên Tổng Biên tập Nguyễn Ngọc

Tấm ảnh chụp hôm 20-6-2023 các lãnh đạo Báo Khánh Hòa qua các thời kỳ với chiếc ghế trống trân trọng để dành chờ nguyên Tổng Biên tập Nguyễn Ngọc

Nhớ lại, năm 1983, chân ướt chân ráo về Tòa soạn, khi đó là Báo Phú Khánh. Tổng Biên tập Nguyễn Ngọc gọi tôi vào phòng và giao nhiệm vụ: cháu là phóng viên mới, nhưng là Đảng viên trẻ, được rèn luyện trong Quân đội nên chú giao cho cháu ra công tác tại cơ quan thường trú của Báo tại thị xã Tuy Hòa, khi nào cháu giúp đỡ kết nạp đồng chí Tổ trưởng vào Đảng thì cháu về lại Nha Trang. Ngày đó tỉnh Phú Khánh kéo dài từ đèo Cù Mông đến giáp Ninh Thuận, dài hơn 200km. Phương tiện giao thông khó khăn nên việc Báo Phú Khánh thành lập cơ quan thường trú của Báo tại phía bắc tỉnh nhằm đảm bảo nhiệm vụ phản ánh kịp thời tình hình thời sự, kinh tế, xã hội của tỉnh. Ngày đó, Báo Phú Khánh là tờ báo địa phương duy nhất của cả nước có cơ quan thường trú. Nhưng Tổng Biên tập Nguyễn Ngọc còn có tầm nhìn xa hơn khi chính văn phòng thường trú của Báo Phú Khánh đặt tại vựa lúa Tuy Hòa lại là nơi cung cấp lương thực, thực phẩm cho cả Tòa soạn trong những năm chế độ bao cấp khó khăn.

Ngày đó Báo Phú Khánh cũng là tờ báo địa phương đầu tiên trong cả nước tổ chức Hội thảo, gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm của các hợp tác xã nông nghiệp trong toàn tỉnh tại vựa lúa Tuy Hòa để thực hiện chức năng của Báo là "Người tuyên truyền tập thể, người tổ chức tập thể”.

Dấu ấn của Tổng Biên tập Nguyễn Ngọc được thể hiện rõ nhất khi năm 1989 tỉnh Phú Khánh được tách ra thành hai tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên. Khi tách tỉnh, biết tỉnh mới Phú Yên gặp khó khăn vì phải làm từ đầu nên Tổng Biên tập Nguyễn Ngọc nhường hẳn nhà in của Báo cho Phú Yên (ngày đó Báo Phú Khánh cũng là tờ báo địa phương đầu tiên của cả nước có nhà in riêng).

Tách tỉnh ngay sau thời kỳ đổi mới, Tổng Biên tập Nguyễn Ngọc cũng là người đi tiên phong trong việc đổi mới báo Đảng địa phương.

Ngay sau khi tách tỉnh, Báo Khánh Hòa ngoài 2 số báo thường trong tuần còn xuất bản báo Khánh Hòa Chủ Nhật (đây cũng là một trong số ít báo Đảng địa phương có báo Chủ Nhật). Ngày đó Báo Khánh Hòa đổi mới cả nội dung và hình thức nên được bạn đọc đón nhận, số lượng phát hành lên tới trên 10 nghìn bản và được bày bán trên các đại lý báo chí và phát hành ra cả ngoài tỉnh. Báo Khánh Hòa cũng hiện đại hóa khi có hệ thống máy vi tính để chế bản điện tử tại Tòa soạn.

Lãnh đạo Báo Khánh Hòa qua các thời kỳ đến thăm nguyên Tổng Biên tập Nguyễn Ngọc dịp 21-6-2023

Lãnh đạo Báo Khánh Hòa qua các thời kỳ đến thăm nguyên Tổng Biên tập Nguyễn Ngọc dịp 21-6-2023

Không chỉ quan tâm phát triển tờ báo. Tổng Biên tập Nguyễn Ngọc còn ghi dấu ấn trong việc sưu tầm tư liệu và tổ chức Hội thảo để tìm ra lịch sử phát triển của báo chí tỉnh nhà. Với cương vị là Chủ tịch Hội nhà báo tỉnh, chính ông là người đề xướng tổ chức ra Giải báo chí Khánh Hòa hàng năm để đến nay Giải báo chí Khánh Hòa đã phát triển thành giải truyền thống có uy tín như hiện nay.

Không chỉ có công trong việc phát triển báo chí Khánh Hòa, Tổng Biên tập Nguyễn Ngọc còn là một trong những người khởi xướng và tổ chức “Hội thảo báo Đảng địa phương khu vực Miền Trung và Tây Nguyên” để Hội thảo sau này đã trở thành truyền thống và là nơi giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm của các Báo Đảng địa phương.

Tổng Biên tập Nguyễn Ngọc nổi tiếng là người nghiêm khắc, nhưng ông lại sống rất có tình và đầy lòng nhân ái. Ông luôn lo lắng cho đời sống của cán bộ, phóng viên. Thời bao cấp khó khăn ông còn đi cơ sở mua gạo, thịt về chia cho anh em. Ông còn nhận thêm việc bên ngoài về để cán bộ công nhân viên làm thêm có thu nhập để cải thiện đời sống. Đặc biệt ông rất chăm lo đào tạo đội ngũ cán bộ vừa có trình độ chuyên môn nghiệp vụ vừa có trình độ và bản lĩnh chính trị và đạo đức của người làm báo.

Tổng Biên tập Nguyễn Ngọc ra đi để lại bao nhiêu tiếc thương cho gia đình, anh em bạn bè và đồng nghiệp. Lịch sử báo chí Khánh Hòa sẽ mãi mãi ghi tên ông là một trong những người đặt nền móng cho sự phát triển của báo chí Khánh Hòa. Một nhà báo vừa có TÂM, vừa có TẦM.

LƯƠNG KIÊN ĐỊNH
Nguyên Tổng Biên tập Báo Khánh Hòa

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202308/nho-nha-bao-nguyen-ngoc-cay-dai-thu-cua-lang-bao-khanh-hoa-31644d1/