Nhớ người thầy thuốc giàu lòng nhân ái Nguyễn Tài Thu

Tôi đã nhiều lần được gặp gỡ, làm việc với Giáo sư Nguyễn Tài Thu, trong đó lần gặp đầu năm 1996 đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng sâu sắc.

Buổi gặp gỡ, làm việc với Giáo sư tại Viện Châm cứu Việt Nam ở Vĩnh Hồ, Thái Thịnh – Hà Nội còn có họa sĩ Đỗ Ngọc Dũng, Ủy viên Thường trực Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phú (sau này nhiều năm là Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh Phú Thọ).

Đến nơi, chúng tôi phải chờ khoảng 15 phút vì sau khi bế mạc Hội nghị khoa học, giáo sư lại bận tiếp một đoàn khách quốc tế đến tham quan, học tập kinh nghiệm.

Trong căn phòng làm việc giản dị của Giáo sư có một tủ sách với hàng trăm cuốn sách, tạp chí bằng các thứ tiếng: Việt, Anh, Pháp, Trung Quốc... Đó là các công trình khoa học, y học của các tác giả trong và ngoài nước nói chung, của giáo sư Nguyễn Tài Thu nói riêng.

Lướt nhìn trên giá sách, chúng tôi thấy nhiều cuốn đề tên Giáo sư Nguyễn Tài Thu như: Nghiên cứu châm tê trong phẫu thuật, Tân châm, Châm cứu chữa bệnh, Thủy châm – nhĩ châm – mai hoa châm, Châm tê trong phẫu thuật (tiếng Pháp)...

Giáo sư Nguyễn Tài Thu.

Giáo sư Nguyễn Tài Thu.

Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi trong buổi gặp gỡ này là tình cảm chân thành, thái độ niềm nở, tác phong làm việc nhanh nhẹn, khoa học của Giáo sư bác sĩ Nguyễn Tài Thu.

Với gương mặt phúc hậu, nước da trắng hồng, giọng nói nhỏ nhẹ tình cảm, trông giáo sư có vẻ trẻ hơn tuổi 65 của mình.

- Xin giáo sư cho biết một vài kỷ niệm về thời kỳ học tập tại trường THPT Hùng Vương (Phú Thọ)? – Biết giáo sư là học sinh cũ trường Hùng Vương, họa sĩ Đỗ Ngọc Dũng đã mở đầu cuộc trò chuyện bằng câu hỏi đó. Giáo sư vui vẻ trả lời:

- Tôi là học sinh trường Hùng Vương khóa học 1947-1949, thời kỳ nhà trường sơ tán ở Yên Luật, Văn Bán. Vừa qua, chúng tôi về dự lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập trường. Buổi lễ thật đông vui và cảm động. Các thế hệ thầy trò, ông cháu, cha con, bạn bè đã gặp nhau trong cuộc gặp mặt lớn của trường trong thế kỷ XX – Dừng lại một chút, Viện trưởng Nguyễn Tài Thu nói tiếp:

- Tôi vô cùng xúc động và vinh dự mỗi khi nghe nhắc tới tên trường Hùng Vương yêu quý! Những tháng ngày của tuổi niên thiếu sống dưới mái trường đơn sơ của trường, bên tình thân yêu của các thầy, các cô chẳng ai quên được như: thầy Toại, thầy Tuấn, cô Nhu, thầy Bỉnh... luôn luôn ghi sâu trong lòng tôi những hình ảnh vô cùng tươi sáng của thầy và trò trường Hùng Vương lịch sử.

Chính những hình ảnh đó là nguồn cổ vũ động viên chúng tôi trong những ngày gian khổ chống Pháp, chống Mỹ và cả trong quá trình học tập, nghiên cứu, sáng tạo và lao động để có những thành tựu khoa học ngày nay. Bản thân tôi cũng như những bạn bè thuở xưa ấy ở Hùng Vương đã được rèn luyện và trưởng thành là nhờ có sự dạy bảo, thương yêu, chăm sóc của các thầy, các cô. Công ơn ấy không bao giờ có thể quên được.

Giáo sư Nguyễn Tài Thu không kể về quá trình công tác và thành tích của mình, nhưng qua đồng nghiệp và các thế hệ học trò của giáo sư, chúng tôi được biết:

Giáo sư Nguyễn Tài Thu sinh năm 1931, quê ở Vân Canh, Hoài Đức, Hà Tây (nay là Thành phố Hà Nội). Cuối năm 1949 ông cùng hàng trăm học sinh trường trung học Hùng Vương – Phú Thọ xung phong lên đường nhập ngũ, tham gia Vệ Quốc đoàn, trở thành “Anh bộ đội Cụ Hồ”. Năm 1952 khi đang học Đại học Y khoa thì ông được cử sang Trung Quốc học tiếp. Năm 1958 tốt nghiệp bác sĩ y khoa và từ năm 1960 đến nay, bác sĩ Nguyễn Tài Thu trực tiếp làm chuyên môn, chuyên ngành châm cứu.

Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “Lương y như từ mẫu”, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Tài Thu luôn yêu thương, chăm sóc, tận tụy với người bệnh. Ngoài các bệnh nhân người lớn, mỗi tháng chữa và nuôi trên 100 bệnh nhi tàn tật, hết lòng cứu chữa người bệnh không quản ngày đêm, xa xôi, không phân biệt giàu nghèo, cấp bậc, thầy thuốc Nguyễn Tài Thu đã cứu chữa được hàng nghìn bệnh nhân khỏi bệnh tật hiểm nghèo... Do đó, ở trong nước và ở nước ngoài, bác sĩ Thu đều được bệnh nhân xa gần tin tưởng, yêu mến, ngưỡng mộ...

Chỉ trong 3 năm (1990-1993), Giáo sư Nguyễn Tài Thu đã tổ chức, giảng dạy và kết hợp giảng dạy với các giáo sư khác, mở được 70 lớp, nâng cao kỹ thuật và đào tạo cho 3.833 thầy thuốc châm cứu trong toàn quốc (trong đó có 415 thầy thuốc nước ngoài). Ngoài việc mở lớp ở Viện Châm cứu Trung ương, giáo sư còn trực tiếp đến giảng dạy ở các lớp xa xôi như: Lào Cai, Sơn La, Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang, Lạng Sơn, Nghệ An, Đà Nẵng, Gia Lai, Đắk Nông, Đắk Lắc...

Đặc biệt đã chủ trì cùng các giáo sư đồng nghiệp, đào tạo được nhiều lớp chuyên khoa cấp I, II châm cứu để chuẩn bị cho đội ngũ nòng cốt tương lai, trong đó giáo sư đã bồi dưỡng giúp đỡ nhiều bác sĩ thi đỗ nghiên cứu sinh làm thạc sĩ, tiến sĩ châm cứu. Hàng ngàn thầy thuốc châm cứu cộng đồng và hơn 5.000 bác sĩ nước ngoài đã được ông tham gia đào tạo, huấn luyện tại Việt Nam cũng như ở nước ngoài. Ông đã được nhận 28 Bằng danh dự của các nước.

Không những hoàn thành xuất sắc công tác quản lý (Viện trưởng Viện châm cứu Việt Nam, Chủ tịch Hội Châm cứu Việt Nam, Phó chủ tịch Hội Châm cứu Thế giới, Chủ tịch Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam...), GS, bác sĩ Nguyễn Tài Thu còn có nhiều công trình khoa học được đánh giá cao vì có giá trị, được áp dụng rộng rãi, mang lại hiệu quả cao trong việc bảo vệ sức khỏe cho nhân dân như các công trình: Châm tê trong phẫu thuật, Châm tê chữa di chứng liệt do tai biến mạch máu não, Công trình nghiên cứu thủy châm, Châm cứu chữa liệt trẻ em, Chữa câm điếc, Chữa giảm thị lực, Chữa các chứng đau... Các công trình này đã và đang được áp dụng rộng rãi, có hiệu quả trong nước và nhiều nước khác trên thế giới.

Với 20 công trình khoa học về châm cứu và trên 20 cuốn sách, ông cùng đồng nghiệp đã nâng ngành châm cứu Việt Nam lên một tầm cao mới khiến bạn bè quốc tế ngưỡng mộ.

Giáo sư Nguyễn Tài Thu đã kể cho chúng tôi nghe một vài kỷ niệm trong các chuyến đi công tác, giảng dạy và châm cứu tại: Pháp, Bỉ, Hà Lan, Liên Xô (cũ), Ba Lan, Cuba... Ở đâu giáo sư cũng được đón tiếp long trọng, được yêu mến và ngưỡng mộ.

Đồng hồ chỉ 18 giờ. Một giờ trò chuyện bổ ích và lý thú đã trôi qua. Chúng tôi xin phép ra về. Trước khi chia tay, giáo sư tặng chúng tôi bức ảnh chụp ở Italia và tập sách châm cứu, trong đó có lời đề từ “Y đức là cái gốc sâu vững của tài năng”.

Sau năm 1996, tôi còn được gặp Giáo sư trong Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động, Nhà nước phong tặng Giáo sư Nguyễn Tài Thu ngày 30-3-2000 tại Hà Nội, gặp giáo sư trong Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động của trường THPT Hùng Vương, Phú Thọ ngày 1-1-2004, song buổi gặp mặt lần đầu năm 1996 đã để lại trong tôi kỷ niệm đẹp và những ấn tượng sâu sắc về người thầy thuốc của nhân dân.

Ngày 14-2-2021, GS Nguyễn Tài Thu – Anh hùng Lao động, Thầy thuốc Nhân dân – đã qua đời, thượng thọ tuổi 90. Giáo sư ra đi là một mất mát lớn đối với ngành y học Việt Nam và thế giới, để lại bao tiếc thương đối với các y, bác sĩ, các thế hệ học trò và nhân dân cả nước.

GS, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Tài Thu đã đi xa, chúng tôi còn nhớ mãi buổi nói chuyện và hình ảnh đẹp về một Thầy thuốc Nhân dân tiêu biểu, trên nửa thế kỷ trực tiếp làm chuyên môn y tế, gắn liền cuộc đời mình với sự phát triển của ngành châm cứu Việt Nam; một thầy thuốc tài năng, giàu lòng nhân ái, có phẩm chất trong sáng và y đức cao đẹp nhưng cũng rất đỗi khiêm tốn, bình dị, chan hòa với mọi người...

Nguồn: Quân đội nhân dân

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/353886-nho-nguoi-thay-thuoc-giau-long-nhan-ai-nguyen-tai-thu