Nhớ ngày Bác Hồ về Làng Sảo

Ngày 2/4/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các cơ quan đầu não kháng chiến về đến Làng Sảo, xã Hợp Thành, huyện Sơn Dương. Đây là nơi ở, làm việc đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người trở lại Việt Bắc để cùng Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ lãnh đạo cuộc kháng chiến của dân tộc ta chống thực dân Pháp xâm lược. Dù thời gian ở đây không lâu, nhưng những tình cảm mà Bác dành cho Làng Sảo năm ấy vẫn còn mãi trong những câu chuyện của người dân nơi đây.

Mảnh đất lịch sử

Theo tài liệu của Bảo tàng tỉnh và nhân chứng lịch sử thì ngay những ngày tháng đầu tiên của cuộc kháng chiến, Bác Hồ, Trung ương Đảng và Chính phủ đã về Làng Sảo, xã Hợp Thành, huyên Sơn Dương. Đó là đêm ngày 2/4/1947. Làng Sảo xưa chỉ là một xóm nhỏ với khoảng hơn chục nóc nhà của đồng bào dân tộc Tày. Nơi này vốn chủ yếu là rừng rậm, nhưng có nhiều đường mòn đi lại thuận tiện cả trong vùng ATK - Tân Trào, sang Đại Từ, Định Hóa (Thái Nguyên).

Tại đây, những ngày đầu Bác Hồ ở và làm việc tại nhà ông Ma Văn Hiến. Đến cuối tháng 4/1947, Bác Hồ chuyển lên ở và làm việc tại căn lán nhỏ của gia đình bà Đinh Thị Tư ở cánh đồng Củ Đại, sát chân núi Lim. Để đảm bảo an toàn, thuận tiện cho việc sinh hoạt và làm việc, nhân dân địa phương, các đồng chí cận vệ đã dựng một căn lán nhỏ trên đồi cách cánh đồng Củ Đại hơn 100 m. Đầu tháng 5/1947, Bác Hồ chuyển đến ở và làm việc tại căn lán này. Ngày nay vị trí lán được xây dựng thành Di tích Bác Hồ ở Làng Sảo. Tại đây, Bác Hồ đã chủ trì các phiên họp của Chính phủ, đặc biệt quan tâm đến công tác quốc phòng và tình hình chiến sự. Ngày 25/4/1947, Bác Hồ đã ký Sắc lệnh số 45/SL, thiết lập Tòa án binh tối cao và quy định thành phần, thẩm quyền của Tòa án này.

Di tích lịch sử Quốc gia Làng Sảo.

Di tích lịch sử Quốc gia Làng Sảo.

Cuối tháng 10 đầu tháng 11 năm 1947, tại Làng Sảo, Bác Hồ cùng Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị bí mật “Hội nghị Thanh Sơn” đề ra chỉ thị phá tan cuộc tấn công Thu đông năm 1947 của giặc Pháp; và trực tiếp chỉ đạo một cuộc họp bí mật của Trung ương Đảng đề ra phương hướng chỉ đạo cuộc kháng chiến của quân dân ta, chống cuộc càn quét của thực dân Pháp lên căn cứ địa Việt Bắc, giành thắng lợi, đập tan âm mưu đánh nhanh, thắng nhanh của chúng.

Ở thôn Làng Sảo, ngoài lán còn có lán Bộ Tài chính, trụ sở Phủ Thủ tướng, nơi ở và làm việc của đồng chí Phạm Văn Đồng, và một số cơ quan đóng trụ sở làm việc như Bộ Tư pháp, Kho cất giấu ngân khố quốc gia, báo Cứu quốc... Ngày nay, tại thôn Làng Sảo, ngoài điểm di tích chính còn có tất cả 12 bia đá ghi dấu những địa điểm đóng trú của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ, cơ quan bộ ngành giúp việc cho Bác.

Trong thời gian ở Làng Sảo, Bác Hồ cùng Thường vụ Trung ương Đảng tiếp tục hoàn chỉnh đường lối chiến lược của cuộc kháng chiến cứu nước. Những hoạt động của Người cùng Trung ương Đảng, Chính phủ trong thời gian này đã chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khó để đứng vững và phát triển, đưa cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc ta đến thắng lợi hoàn toàn. Với vị trí chiến lược quan trọng, cùng với lòng dân tuyệt đối tin tưởng vào cách mạng, Làng Sảo đã góp một phần nhỏ bé đưa sự nghiệp cách mạng vượt qua những ngày tháng cam go nhất của cuộc kháng chiến.

Làng Sảo ngày nay

Những căn lán nhỏ, nơi ở và làm việc của Bác Hồ, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ năm xưa nay đã trở thành di tích lịch sử quan trọng. Ngôi nhà cũ của ông Ma Văn Hiến, Bác Hồ đã ở và làm việc ngày đầu về Làng Sảo đã được thay bằng ngôi nhà mới khang trang. Duy chỉ có chiếc giếng nước Bác Hồ thường ra lấy nước, tắm giặt là vẫn còn nguyên vẹn. Năm 2010, Khu di tích Làng Sảo đã được phục hồi, bảo tồn, gồm: xây dựng nhà bia tổng thể, các bia ghi dấu sự kiện Bác Hồ đã ở, làm việc tại gia đình ông Ma Văn Hiến, lán Bác và các cơ quan, bộ, ngành Trung ương đã từng ở đây.

Những người đã từng chứng kiến khoảng thời gian Bác Hồ ở và làm việc tại Làng Sảo nay đều đã không còn, nhưng những câu chuyện về Bác ở Làng Sảo vẫn được người dân nhắc đến. Ông Hoàng Văn Sơn, con trai của ông Hồ Văn Trường và bà Vi Thị Hồi là người còn ghi nhớ nhiều những câu chuyện về Bác. Ông Sơn kể lại, bố ông là Hồ Văn Trường (ông họ Hoàng nhưng lấy họ của Bác) chính là một trong những người cận vệ được Bác Hồ đặt tên Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, định, Thắng, Lợi. Trong thời gian theo Bác về Làng Sảo, ông Trường đã đem lòng yêu cô gái Tày là Vi Thị Hồi. Đám cưới của ông Trường và bà Hồi được tổ chức ngay tại Làng Sảo và được Bác Hồ tặng quà cưới cho hai người. Ông Sơn được bố kể, đầu nhà ông Ma Văn Hiến trước đây có cây dừa lớn để lại dấu tích nhiều vết đạt bắn, đó là thời điểm địch phát hiện ra vị trí Bác ở, chúng cho máy bay áp sát và bắn vào ngôi nhà. Rất may trước đó, ông Trường nhận thấy nguy cơ địa điểm có thể bị lộ nên đã đưa Bác sớm vào ở lán bên trong cách đó khoảng 200 m.

Điểm di tích nhà ông Ma Văn Hiên, nơi Bác Hồ đã ở những ngày đầu tiên trở lại Tuyên Quang.

Điểm di tích nhà ông Ma Văn Hiên, nơi Bác Hồ đã ở những ngày đầu tiên trở lại Tuyên Quang.

Căn nhà của gia đình ông Vi Văn Mạnh nằm ngay dưới chân di tích điểm Di tích Làng Sảo. Ông bồi hồi, theo các cụ trong thôn kể lại, thời gian Bác Hồ ở đây, đường đi vô cùng vất vả, chủ yếu là đường mòn nhỏ thường xuyên lầy lội. Bà con thương Bác phải đi lại vất vả cho Bác mượn con trâu để cưỡi. Bà con trong thôn cũng thường đem lương thực đến tiếp tế cho Bác và các đồng chí cán bộ, Bác từ chối không nhận nhưng nể tình cảm của bà con, Bác nhận rồi lại bảo các đồng chí cận vệ đem biếu lại những hộ còn khó khăn trong thôn. Bà con ít được gặp trực tiếp Bác nhưng những buổi đêm thường thấy Bác thức rất khuya ngồi viết bên ngọn đèn dầu trước lán.

Thôn Làng Sảo trước đây được chia tách thành 2 thôn gồm Làng Sảo và Cây Sấu. Cây đa đầu thôn Làng Sảo và Cây Sấu vẫn còn đó kể từ ngày Bác Hồ về đây, nơi này cũng đã từng ghi dấu chiến tích đội quân cách mạng chặn đánh quân Nhật. Từ hơn chục ngôi nhà của đồng bào Tày trước đây 75 năm, giờ thôn Làng Sảo và Cây Sấu đã có hơn 200 hộ dân, riêng thôn Làng Sảo có 116 hộ. Người dân Làng Sảo ngoài người Tày bản địa còn có đồng bào người Kinh từ Ninh Bình, Nam Định lên đây khai hoang lập nghiệp. Năm 2021, thôn Làng Sảo cùng với các thôn khác của của xã Hợp Thành đã hoàn thành xã nông thôn mới.

Về thôn Làng Sảo hôm nay có nhiều đổi mới với những ngôi nhà mới khang trang, những con đường bê tông trải dài từ đầu làng đến cuối xóm, chạy quanh những quả đồi cao, thấp. Ông Nguyễn Duy Biền, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Làng Sảo cho biết, đến nay thôn đã hoàn thành tất cả các tiêu chí nông thôn mới. Bà con trong thôn luôn ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc xây dựng xây nông thôn mới, nếp sống văn minh. Hiện thu nhập bình quân đầu người của thôn đạt trên 4 triệu đồng/người/tháng, thôn nhiều năm liền đạt danh hiệu Thôn văn hóa, gần 100% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa, gần 100% gia đình trong thôn đều có lò đốt rác, xử lý rác thải đảm bảo vệ sinh môi trường.

Đồng chí Hoàng Thế Mạnh, Chủ tịch UBND xã Hợp Thành cho biết, bà con nhân dân thôn Làng Sảo luôn tự hào, phát huy truyền thống cách mạng, nhất là nơi Bác Hồ đã từng ở và làm việc. Trong những năm qua, người dân Làng Sảo luôn phát huy tinh thần đó và luôn là một trong những thôn đi đầu của xã trong xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội.

Bài, ảnh: Thanh Phúc

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/chinh-tri/trong-tinh/nho-ngay-bac-ho-ve-lang-sao-155548.html