Nhớ kỷ niệm xưa, Xuân Mậu Thân 1968

Ngày 15-12-1967, tôi có mặt nhận nhiệm vụ ở Ban Tham mưu Trung đoàn 29 thuộc Mặt trận Bắc Quảng Trị (sau đổi thành Đoàn 8 Quân khu Trị Thiên). Tôi tham gia chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, bắt đầu từ ngày 31-1-1968 tại Thành phố Huế khi vừa bước sang tuổi 20.

Hành quân giữa mùa xuân

Tham mưu trưởng Nguyễn Hoán dẫn tôi sang bàn giao cho anh Ngô Trí Thướng-Trưởng Tiểu ban Quân lực. Cơ quan tham mưu lúc bấy giờ toàn những người hơn tuổi tôi. Các anh lãnh đạo đều là bộ đội từ hồi chống Pháp. Các anh trợ lý cũng đều là lớp trên tôi. Cả cơ quan chỉ có Trương Tấn Phượng hơn tôi hai tuổi, mới được điều từ Đại đội 12,7mm lên làm Trợ lý bảo mật. Hai “tân binh” chúng tôi trở thành đầu sai của cơ quan trong các công việc đòi hỏi đến sức khỏe. Phượng trầm tĩnh, cẩn thận, chắc chắn; bù lại tôi tháo vát, nhanh nhẹn, xông xáo. Bởi thế, tôi và Phượng thân nhau ngay từ những ngày đầu gặp gỡ. Phượng quê ở làng Quảng Cư, xã Xuân Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, đang học dở lớp 9 năm 1965 thì đi bộ đội.

Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu.

Tôi lên Trung đoàn được 3 ngày, thì cả đơn vị bắt đầu hành quân đi chiến đấu. Lần này, Trung đoàn không trở lại chiến trường Đường 9 mà hành quân vào sâu hơn. Lệnh của trên là cả Trung đoàn phải hành quân cấp tốc. Tôi nhớ hôm vượt qua phà Long Đại, ở đây có quy định các đơn vị chỉ được qua phà lúc trời đã tối hẳn, đề phòng lộ bến máy bay Mỹ phát hiện oanh tạc. Đơn vị đi đầu của Trung đoàn đến bến lúc 4 giờ chiều. Anh chỉ huy trưởng bến phà, nói giọng Khu 5 rất gay gắt, dứt khoát không cho qua. Anh ấy nói như quát:

- Việc qua phà vào ban ngày là vi phạm kỷ luật chiến trường. Ai muốn qua, phải bước qua xác tôi.

Căng quá. Thậm chí đưa cả điện khẩn tối mật của cấp cao nhất cho anh ấy đọc và nói thế nào cũng không được. Các anh chỉ huy Trung đoàn đang lúng túng chưa biết tính sao, thì anh Lê Văn Dánh, Phó chính ủy Trung đoàn nói:

- Lúc này mệnh lệnh hành quân chiến đấu là trên hết. Chậm trễ thì không hoàn thành nhiệm vụ. Thuyết phục không được, phải cưỡng bức!

Nói rồi, Anh Dánh giao cho mấy anh em trinh sát giữ chặt anh trưởng bến phà lại. Chờ đến khi cả Trung đoàn qua sông xong thì thả ra. Đó là cách làm lưỡng tiện. Trung đoàn chúng tôi kịp hành quân theo mệnh lệnh của trên mà Chỉ huy trưởng bến phà cũng không vi phạm quy định. Cả Trung đoàn vượt Đèo 1001, Dốc Chè. Sáng Mồng một Tết Mậu Thân, khi vượt Sông Bồ đi về Hương Trà-Thừa Thiên, qua Đài Phát thanh được nghe Thơ Chúc tết của Bác Hồ: “Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua/ Thắng trận tin vui khắp nước nhà/ Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ/ Tiến lên!Toàn thắng ắt về ta”.

Từng đoàn quân trên đường ra trận khí thế ngất trời. Chúng tôi mừng vô cùng. Bầu không khí rầm rập, rạo rực bao trùm cả đội hình hành quân. Lúc này hình như không còn giữ bí mật nữa. Cả đoàn quân đi náo nức, oai hùng. Mấy anh cán bộ mang đài bán dẫn mở hết cỡ. Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Phát thanh giải phóng liên tục đưa tin thắng trận ở thành phố Huế, Sài Gòn và trên khắp chiến trường. Cả miền Nam bắt đầu cuộc tổng tấn công và nổi dậy đồng loạt. Chúng tôi như bay, như nhảy trên đường hành quân…

Mặt trận Huế 1968 và những điều đọng lại

Trung đoàn 29 chúng tôi được giao nhiệm vụ vào tham gia chiến đấu ở Huế. Trung đoàn đổi tên là Đoàn 8 (đến tháng 1-1969, khi vào đội hình của Sư đoàn 324 thì Đoàn 8 lại đổi là Trung đoàn 3). 23 giờ 33 phút ngày 30-1-1968, các đơn vị: Trung đoàn 6 và Tiểu đoàn 12 Đặc công Quân khu bắt đầu nổ súng tấn công các mục tiêu trong nội thành Huế; Trung đoàn 9 tấn công các mục tiêu ở phía nam Huế.

Chiều tối Mồng một Tết, Đoàn 8 chúng tôi hành quân qua ngã ba Hương Trà, xuống miếu Ông Ầm, các tiểu đoàn rẽ đi các hướng theo nhiệm vụ chiến đấu được giao. Sáng ngày mồng hai Tết, Tiểu đoàn 7 dưới sự chỉ huy của anh Phan Hà-Tiểu đoàn trưởng, anh Ngô Đình Nựu-Chính trị viên và anh Tăng Văn Miêu-Tiểu đoàn phó đánh vào cửa Chánh Tây, phát triển về phía chợ Đông Ba. Tiểu đoàn 9 dưới sự chỉ huy của anh Trần Phồn-Tiểu đoàn trưởng và anh Khương Bá Cành-Chính trị viên đánh vào An Hòa, phát triển về ngã tư Cường Để. Sáng ngày mồng bốn Tết, Tiểu đoàn 8 dưới sự chỉ huy của anh Nguyễn Văn Ninh-Tiểu đoàn trưởng, anh Lê Hoàng Các-Chính trị viên và anh Nguyễn Văn Chước đánh vào La Chữ, Quế Chữ (Hương Chữ )-ngoại thành Huế. Trời mưa phùn gió lạnh!

Những ngày đầu, ta bất ngờ tấn công, đánh chiếm hầu hết các mục tiêu quan trọng của thành phố Huế. Địch bị thất bại nặng nề, chỉ còn trụ lại được ở cứ điểm Mang Cá. Nhưng sau đó chúng đã được tăng viện, liên tiếp phản kích chiếm lại những vị trí đã mất.Trận chiến giữa ta với địch giằng co quyết liệt từng góc phố, con đường.

Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu (thứ hai, từ trái sang) trong lần gặp mặt đồng đội từng tham gia chiến đấu trong Mậu Thân 1968.

Trong suốt thời kỳ chiến đấu 25 ngày đêm ở Huế, Trung đoàn chúng tôi được bổ sung 8 đợt tân binh. Theo sự chỉ đạo của thủ trưởng trung đoàn, Ban Tham mưu phân phối quân số bổ sung cho các đơn vị tùy thuộc vào hai yếu tố: Số lượng thương vong trong chiến đấu và nhiệm vụ được giao của từng đơn vị, nhất là các đơn vị đang trực tiếp chiến đấu trong thành nội. Có anh em bổ sung vào đơn vị lúc chập tối, chưa biết phiên hiệu đơn vị, thậm chí chưa biết mặt, biết tên thủ trưởng trực tiếp, cứ thế lao vào chiến đấu. Bộ đội chiến đấu bị thương ở các hướng đưa về phía sau cũng nhiều loại, nhiều kiểu. Thương binh nặng thì cáng lên Đội điều trị, rồi Bệnh xá ông Thường hoặc lên Bệnh viện Quân khu ở phía sau xa mặt trận hơn. Thương binh vừa và thương binh nhẹ thì bố trí đến các Đội điều trị hoặc các viện dã chiến. Phần đông thương binh vừa và thương binh nhẹ, trừ trường hợp bị thương vào chân, đều tự đi đến cơ sở điều trị theo sự chỉ dẫn của anh em tải đạn, tải thương.

Theo sự phân công của anh Ngô Trí Thướng, tôi đến các đơn vị để nắm tình hình tổn thất trong chiến đấu, thực lực quân số, trang bị. Tiếp đó, tôi đến các trạm phẫu, đội điều trị và các viện dã chiến để nắm số lượng, danh sách quân nhân bị thương. Hồi đó, tôi được anh Thướng giao cho một tập giấy chứng nhận bị thương đã ký tên anh Nguyễn Hoán, Tham mưu trưởng Trung đoàn có đóng dấu sẵn để kịp thời giải quyết cho những anh em khi bị thương rời đơn vị mà chưa được cấp. Căn cứ vào bệnh án và lời khai của từng người, tôi điền vào giấy rồi trao tận tay cho anh em.

Sau hơn 20 ngày liên tục bám trụ chiến đấu ở Huế, giành giật, chống trả nhiều đợt phản công với quy mô lớn của địch, mặc dù đã được bổ sung mấy đợt liền nhưng vẫn không bù đủ quân số thương vong của trung đoàn. Quân số của trung đoàn ngày một thiếu hụt, vũ khí đạn dược đã cạn kiệt, bảo đảm lương thực khó khăn, không thể duy trì được sức chiến đấu. Đây cũng là tình hình chung của toàn chiến trường miền Nam lúc bấy giờ chứ không phải của riêng trung đoàn tôi.

Ngày 22-2-1968, Bộ tư lệnh Quân khu Trị Thiên lệnh cho Đoàn 8 chúng tôi rút ra khỏi Huế. Nhưng mãi tới ngày 25-2, trung đoàn mới kịp triển khai thu quân, đi về vùng giáp ranh Bình Điền, Hương Trà để củng cố lực lượng, chuẩn bị cho những trận chiến đấu tiếp theo.

Sau này, tại các hội thảo và trên nhiều sách báo, trên từng bình diện khác nhau, đã có những đánh giá về thắng lợi rút ra những bài học kinh nghiệm về sự kiện lịch sử này. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 đã giành được thắng lợi to lớn, toàn diện, có ý nghĩa chiến lược quan trọng. Thắng lợi đó, về cơ bản, đã đánh bại chiến lược “chiến tranh cục bộ”, làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, đã tạo ra một sự đột biến làm thay đổi cục diện chiến tranh, tạo điều kiện và thời cơ tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Tất nhiên, để giành được thắng lợi to lớn đó, về phía ta đã không tránh khỏi những tổn thất nặng nề. Xưa nay, trong mọi cuộc chiến tranh, có chiến công vẻ vang nào mà không phải trả giá bằng những sự hy sinh to lớn. Chiến thắng và hy sinh đã làm nên lịch sử!

Hơn nửa thế kỷ đã qua. Từ một cán bộ trẻ mới bước sang tuổi hai mươi, nay đã là U80. Tôi luôn luôn lấy làm vinh dự vì đã tham gia Chiến dịch Tổng tấn công Mậu Thân 1968 - một cột mốc chói sáng trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta. So với đồng đội cùng trang lứa và cả với các bậc đàn anh, tôi thua họ trên nhiều phương diện. Phần đông trong số đó đã anh dũng hy sinh trong chiến tranh; số còn lại không nhiều nhưng tuổi cao, sức yếu, chịu thiệt thòi trong cuộc sống. Nhân kỷ niệm 56 năm sự kiện Mậu Thân 1968, tôi là người may mắn được nói thay lời các đồng đội và xin được tri ân những con người, những gia đình đã cống hiến, hy sinh cho Tổ quốc.

Trung tướng NGUYỄN MẠNH ĐẨU, nguyên Chính ủy Tổng cục Kỹ thuật

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Tướng lĩnh Việt Nam xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/tuong-linh-viet-nam/nho-ky-niem-xua-xuan-mau-than-1968-763519