Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 2/4/2023

Nga vẫn là nhà cung cấp dầu hàng đầu cho Thổ Nhĩ Kỳ; Iraq khánh thành nhà máy lọc dầu mới; Kyrgyzstan tăng cường mua điện từ Nga… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng ngày 2/4/2023.

Quang cảnh các công trình lắp đặt tại Nhà máy lọc dầu Karbala vào ngày nhà máy này bắt đầu hoạt động. Ảnh: AFP

Quang cảnh các công trình lắp đặt tại Nhà máy lọc dầu Karbala vào ngày nhà máy này bắt đầu hoạt động. Ảnh: AFP

Nga vẫn là nhà cung cấp dầu hàng đầu cho Thổ Nhĩ Kỳ

Cơ quan quản lý thị trường năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ (EPDK) ngày 1/4 công bố số liệu cho biết, Nga vẫn là nhà xuất khẩu dầu thô hàng đầu sang Thổ Nhĩ Kỳ trong tháng 1 năm nay.

Cụ thể, Thổ Nhĩ Kỳ đã nhập khẩu 1,18 triệu tấn dầu thô và các sản phẩm hóa dầu từ Nga. Tiếp theo là Iraq và Kazakhstan với lần lượt 917.656 tấn và 683.740 tấn. Trong khi đó, tổng lượng dầu thô nhập khẩu vào Thổ Nhĩ Kỳ trong tháng 1/2023 đã giảm 3,64% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống 3,45 triệu tấn.

Các chuyên gia nhận định, nhập khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ có thể giúp bù đắp sự sụt giảm xuất khẩu sản phẩm dầu mỏ của Nga do ảnh hưởng từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Theo công ty thống kê dữ liệu tài chính và thị trường Refinitiv, xuất khẩu dầu diesel của Nga sang Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ và châu Phi trong tháng 3/2023 dự kiến đạt mức kỷ lục, trong bối cảnh các doanh nghiệp tìm kiếm thị trường mới cho các sản phẩm dầu của Nga.

Iraq khánh thành nhà máy lọc dầu mới

Iraq ngày 1/4 đã khánh thành nhà máy lọc dầu tại thành phố miền Trung Karbala có công suất 140.000 thùng/ngày. Dự án Nhà máy lọc dầu Karbala được Chính phủ Iraq kỳ vọng sẽ giúp giảm sự phụ thuộc vào các nguồn nhập khẩu.

Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq Hayan Abdel Ghani cho biết nhà máy do tập đoàn Hyundai của Hàn Quốc xây dựng, có thể sản xuất 9 triệu lít nhiên liệu mỗi ngày, tương đương hơn một nửa lượng nhiên liệu nhập khẩu 15 triệu lít/ngày của Iraq. Nhà máy cũng có khả năng sản xuất 200 MW điện.

Mặc dù là quốc gia có trữ lượng dầu khí khổng lồ, Iraq vẫn phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu năng lượng trong nước. Iraq xuất khẩu trung bình 3,3 triệu thùng dầu mỗi ngày, đóng góp 90% nguồn thu của chính phủ. Hiện nước này có 3 nhà máy lọc dầu khác đang hoạt động, đáp ứng khoảng 50% nhu cầu trong nước đối với các sản phẩm tinh chế.

Kyrgyzstan tăng cường mua điện từ Nga

Một quan chức năng lượng cấp cao ở Kyrgyzstan cho biết, chính phủ nước này sẵn sàng đạt được thỏa thuận với Nga để nhập khẩu 875 triệu kWh điện trong năm 2023-2024, tương đương với hơn 5% mức tiêu thụ quốc gia hàng năm. Thỏa thuận này là một phần trong kế hoạch lớn hơn của Kyrgyzstan nhằm nhập khẩu tới 2,2 tỷ kWh điện trong năm nay.

Mặc dù việc sử dụng điện trong công nghiệp và giao thông vận tải dường như không mấy dao động trong những năm qua, nhu cầu của các hộ gia đình lại không ngừng tăng lên. Vào tháng 2, Stanislav Pritchin, nhà nghiên cứu kinh tế của Viện Hàn lâm Khoa học Nga, đưa ra dự báo rằng mức tiêu thụ điện hàng năm ở Kyrgyzstan dự kiến sẽ tăng lên 20 tỷ kWh vào năm 2030.

Mức giá mới được đề xuất áp dụng từ ngày 1/5 tới sẽ làm tăng chi phí sử dụng điện, đặc biệt đối với những người tiêu dùng vượt ngưỡng nhất định. Tuy nhiên, các điều khoản đang được thực hiện để bảo vệ các đối tượng dễ bị tổn thương khỏi các hóa đơn tăng đột biến.

Đức đẩy mạnh điều tra vụ phá hoại các đường ống Dòng chảy phương Bắc

Báo Thế giới Chủ Nhật (WaS) của Đức ngày 1/4 đưa tin, Cục Hình sự liên bang Đức (BKA) đang đẩy mạnh điều tra các vụ nổ làm hư hại các đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1) và Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) dưới Biển Baltic hồi năm ngoái.

Đến nay, đầu mối quan trọng nhất của vụ án trên là chiếc du thuyền thuê có tên "Andromeda". Tháng 1/2023, các nhà điều tra BKA đã tìm kiếm chiếc du thuyền này và phát hiện trong cabin có dấu vết chất nổ giống như loại được phát hiện ở hiện trường vụ nổ các đường ống Nord Stream. Tuy nhiên, các nhà điều tra không loại trừ khả năng đây chỉ là manh mối được cố tình tạo dựng để đánh lạc hướng.

Cũng liên quan vụ các đường ống Nord Stream bị phá hoại, Cơ quan Năng lượng Đan Mạch ngày 29/3 thông báo nước này đã hoàn tất việc trục vớt một vật thể, được cho là phao khói, gần đường ống Nord Stream 2 bị hư hại dưới đáy biển Baltic. Vật thể được trục vớt ở độ sâu 73 mét, hình trụ, dài khoảng 40 cm, được cho là một phao khói rỗng và được sử dụng để đánh dấu quang học.

H.T (t/h)

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhip-dap-thi-truong-nang-luong-ngay-242023-681835.html