Nhịp đập năng lượng ngày 5/8/2023

79/85 dự án năng lượng tái tạo gửi hồ sơ đàm phán giá điện; OPEC+ tiếp tục siết nguồn cung; Brazil nối lại nhập khẩu điện từ Venezuela… là những tin tức nổi bật về năng lượng trong nước và quốc tế ngày 5/8/2023.

Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn

79/85 dự án năng lượng tái tạo gửi hồ sơ đàm phán giá điện

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tính đến ngày 4/8 đã có 79/85 dự án năng lượng tái tạo (NLTT) chuyển tiếp với tổng công suất 4.449,86MW gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện; trong đó có 67 dự án (tổng công suất 3.849,41MW) đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá.

EVN và chủ đầu tư đã hoàn thành đàm phán giá và ký tắt hợp đồng mua bán điện (PPA) với 59/62 dự án; Bộ Công Thương đã phê duyệt giá tạm cho 58 dự án với tổng công suất 3.181,41MW. Có 17 nhà máy/phần nhà máy với tổng công suất 907,12MW đã hoàn thành thủ tục COD, phát điện thương mại lên lưới. Sản lượng điện phát lũy kế của các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp tính từ thời điểm COD đến ngày 3/8 đạt khoảng 234,9 triệu kWh; trong đó, sản lượng điện phát trung bình ngày chiếm khoảng 0,4% tổng sản lượng nguồn điện được huy động.

21 dự án đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nghiệm thu công trình/một phần công trình; 29 dự án đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực toàn nhà máy/một phần nhà máy; 38 dự án đã có quyết định gia hạn chủ trương đầu tư. Hiện còn 6 dự án với tổng công suất 284,70MW chưa gửi hồ sơ đàm phán.

OPEC+ tiếp tục siết nguồn cung

Theo Reuters, tại cuộc họp trực tuyến ngày 4/8, Ủy ban giám sát chung cấp bộ trưởng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh (nhóm OPEC+) đã quyết định giữ nguyên chính sách sản lượng hiện nay của liên minh này. Ủy ban trên nêu rõ sẽ tiếp tục đánh giá cẩn thận các điều kiện thị trường, đồng thời kêu gọi các nước thành viên tuân thủ đầy đủ cam kết cắt giảm sản lượng.

Nhóm OPEC+ đã đạt được nhất trí về việc hạn chế nguồn cung tại cuộc họp chính sách hồi tháng 6 vừa qua. Mức cắt giảm sản lượng của OPEC+, không bao gồm số cắt giảm tự nguyện bổ sung của Ả Rập Saudi, Nga và Algeria, đã lên tới 3,66 triệu thùng/ngày, tương đương 3,6% nhu cầu toàn cầu.

Nguồn cung dầu bị thắt chặt đã khiến giá “vàng đen” tăng hơn 14% trong tháng 7 và hiện được giao dịch gần 86 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 4. Ngoài lo sợ về nguồn cung ít thì nhu cầu tăng cũng đã góp phần nâng giá dầu trong bối cảnh những lo ngại về tác động của lãi suất tăng và lạm phát cao đối với đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang dần hạ nhiệt.

Brazil nối lại nhập khẩu điện từ Venezuela

Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva ngày 4/8 đã ký sắc lệnh cho phép nhập khẩu điện từ Venezuela. Theo sắc lệnh trên, Brazil sẽ mua điện được sản xuất tại nhà máy thủy điện Guri của Venezuela để cung cấp cho bang Roraima nằm ở cực Bắc của Brazil.

Đây là lần đầu tiên Brazil nối lại hoạt động này kể từ khi chính phủ của Tổng thống tiền nhiệm Jair Bolsonaro quyết định “ngắt kết nối” nguồn cung điện từ quốc gia láng giềng vào năm 2019.

Cho đến năm 2019, phần lớn năng lượng tiêu thụ ở Roraima được nhập khẩu từ Venezuela, song nguồn cung bị gián đoạn do những bất đồng giữa chính phủ của cựu Tổng thống Jair Bolsonaro với Caracas. Kể từ đó, tình trạng cắt điện diễn ra thường xuyên ở địa phương này.

Nga kỳ vọng thu thêm 11 tỷ USD từ năng lượng vào năm 2023

Nga kỳ vọng sẽ thu được một nguồn doanh thu khổng lồ từ năng lượng vào cuối năm nay bất chấp mức trần giá dầu do G7 đặt ra, Bloomberg đưa tin. Trong 5 tháng cuối năm 2023, tổng số tiền thu được thêm từ việc bán dầu khí ước tính sẽ được nâng lên 1 nghìn tỷ rúp (11 tỷ USD), theo hai người giấu tên thân cận với chính phủ. Con số này cao hơn mức dự báo thu ngân sách.

Bộ Tài chính muốn dùng khoản thu nhập tăng thêm đó để bù đắp thâm hụt ngân sách. Theo một quy tắc tài khóa được thiết kế để bảo vệ nền kinh tế khỏi sự biến động của thị trường hàng hóa, doanh thu bất ngờ nên được sử dụng để tăng dự trữ ngoại tệ của Quỹ Phúc lợi Quốc gia. Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, “Chính phủ có thể xem xét giảm việc sử dụng Quỹ Phúc lợi Quốc gia để tài trợ cho các khoản chi ngân sách liên bang bổ sung trong giai đoạn chuyển tiếp 2023-2024”.

Bà Olga Belenkaya, một nhà kinh tế tại Finam cho rằng điều đó có thể có nghĩa là Bộ sẽ sử dụng doanh thu năng lượng bổ sung và xem xét cơ chế ngân sách được đưa ra trong năm nay để giảm bớt tác động từ các đòn trừng phạt. Bà nói: “Việc sửa đổi quy tắc ngân sách quá thường xuyên để đáp ứng với hoàn cảnh thay đổi có thể làm suy yếu niềm tin của thị trường. Nó có thể làm suy yếu ý tưởng chính của nó, đó là tránh sử dụng các khoản thu từ dầu mỏ và khí đốt để tài trợ cho chi tiêu vượt quá giới hạn của Quỹ Phúc lợi Quốc gia”.

H.T (t/h)

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhip-dap-nang-luong-ngay-582023-691130.html