Nhịp đập năng lượng ngày 30/9/2023

62/68 dự án điện gió chuyển tiếp được phê duyệt giá tạm; Hội đồng Liên bang Đức thông qua luật sưởi ấm; Transneft, Kazakhstan ký thỏa thuận vận chuyển dầu thông qua Nga vào năm 2024… là những tin tức nổi bật về năng lượng trong nước và quốc tế ngày 30/9/2023.

Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn

62/68 dự án điện gió chuyển tiếp được phê duyệt giá tạm

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, đến ngày 29/9/2023, đã có 81/85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp với tổng công suất 4.597,86 MW gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện (EVNEPTC) để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện, không tăng thêm dự án nào so với thống kê đến ngày 23/9.

Trong đó, có 68 dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp với tổng công suất 3.949,41 MW đã đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá (theo Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 7/1/2023 của Bộ Công Thương). EVN và chủ đầu tư các dự án điện chuyển tiếp đã hoàn thành đàm phán giá và ký tắt hợp đồng mua bán điện (PPA) với 62/68 dự án; trong đó Bộ Công Thương đã phê duyệt giá tạm cho 62 dự án với tổng công suất 3.399,41 MW, tăng thêm 2 dự án so với tuần trước.

Số lượng dự án chuyển tiếp đã hoàn thành thủ tục COD, chính thức được phát điện thương mại lên lưới là 20 dự án/phần dự án điện gió, điện mặt trời với tổng công suất 1.171,72 MW. Sản lượng điện phát từ các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp đến ngày 21/9/2023 đạt 625 triệu kWh.

Indonesia sản xuất methane sinh học từ dầu cọ vào năm 2025

PGN (công ty con của tập đoàn dầu khí quốc gia Indonesia Pertamina) và 3 công ty Nhật Bản đang tìm cách sản xuất khí methane sinh học từ nước thải nhà máy dầu cọ (POME) nhằm đáp ứng nhu cầu khí đốt tự nhiên ngày càng tăng và giảm lượng khí thải methane.

Liên doanh PGN, JGC Holdings Corporation, Osaka Gas và Inpex Corporation đang nghiên cứu thương mại hóa sản phẩm này tại Indonesia vào năm 2025, dựa vào mạng lưới phân phối khí đốt tự nhiên của PGN. Nguyên liệu thô sẽ được lấy từ các đồn điền trồng cọ dầu ở tỉnh Nam Sumatra.

Dự án nhằm mục đích thu hồi khí methane thải vào khí quyển từ POME, tinh chế thành khí methane sinh học và cung cấp cho khách hàng thông qua đường ống dẫn khí đốt tự nhiên và cơ sở hạ tầng hiện có khác.

Bước đi mới của EU trong chuyển đổi xanh, giảm phụ thuộc Trung Quốc

Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) sẽ gặp nhau vào tuần tới tại Tây Ban Nha để thảo luận về một trong những thách thức địa kinh tế cấp bách nhất của khối: giảm sự phụ thuộc nặng nề vào Trung Quốc về pin, tấm pin mặt trời và các công nghệ sạch khác.

Một số chuyên gia phương Tây cho rằng, việc đa dạng hóa hoạt động sản xuất công nghệ xanh của EU để thoát khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc là điều cần thiết trong bối cảnh địa chính trị đầy biến động ngày nay. Hiện EU có rất nhiều tiềm năng để thực hiện điều này.

Khi nói đến các ngành công nghiệp xanh, sự phụ thuộc của EU vào Trung Quốc là đáng kinh ngạc. Ngay cả khi được thực hiện, kế hoạch giảm rủi ro của châu Âu khó có thể dẫn đến việc tách rời toàn diện khỏi Trung Quốc. Tuy nhiên, các chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng với những mục tiêu cụ thể sẽ góp phần giải quyết bài toán này.

Hội đồng Liên bang Đức thông qua luật sưởi ấm

Ngày 29/9, Hội đồng Liên bang Đức đã thông qua Đạo luật năng lượng cho các tòa nhà (GEG) sửa đổi, còn được gọi là “luật sưởi ấm”, một trong những dự án lớn nhất và gây tranh cãi nhất của liên minh cầm quyền kể từ khi Chính phủ của Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhậm chức tới nay. Trước đó, cách đây 3 tuần, đạo luật đã được Quốc hội Đức thông qua.

Luật mới sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2024, quy định hệ thống sưởi ấm trong các tòa nhà ở Đức sẽ phải thân thiện hơn với môi trường và thay thế dần các hệ thống sưởi ấm bằng dầu và khí đốt hiện nay. Luật mới quy định rõ mọi hệ thống sưởi ấm lắp đặt mới sẽ phải được vận hành bằng 65% năng lượng tái tạo. Quá trình chuyển đổi sẽ diễn ra theo lộ trình và phải tuân thủ các quy định liên quan. Tuy nhiên, việc chuyển đổi này sẽ được hỗ trợ bằng nguồn ngân sách nhà nước.

Hiện nay, theo thống kê của Bộ Kinh tế Đức, gần một nửa trong số khoảng 41 triệu hộ gia đình ở Đức hiện đang sưởi ấm bằng khí đốt tự nhiên; 25% sưởi ấm bằng dầu; còn lại là dùng hệ thống sưởi vùng (hệ thống từ xa, chiếm 14%), sưởi bằng điện hay bơm nhiệt.

Transneft, Kazakhstan ký thỏa thuận vận chuyển dầu thông qua Nga vào năm 2024

Transneft và Kazakhstan đã ký thỏa thuận vận chuyển dầu Kazakhstan qua Nga vào năm 2024, công ty Nga cho biết trong một tuyên bố sau chuyến thăm của phái đoàn tới Kazakhstan. Tuyên bố cho biết: “Một thỏa thuận cung cấp dịch vụ vận chuyển dầu Kazakhstan qua lãnh thổ Nga vào năm 2024 và một bản ghi chú sửa đổi về hợp tác giữa Transneft và KazTransOil đã được ký kết sau cuộc đàm phán”.

Dầu Kazakhstan chảy qua Nga qua Makhachkala theo hướng Novorossiysk, cũng như qua đường ống dẫn dầu Atyrau-Samara để vào hệ thống chính của Transneft, rồi dầu tiếp tục được phân phối theo hướng các cảng Novorossiysk, Ust-Luga, cũng như để quá cảnh qua Druzhba đến Đức.

Trong chuyến thăm, cuộc gặp giữa Giám đốc điều hành Transneft Nikolay Tokarev và Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev đã được tổ chức. Công ty Transneft cho biết: “Tại cuộc họp, các vấn đề hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực vận chuyển tài nguyên năng lượng, đặc biệt là tình trạng và triển vọng hợp tác trong các hoạt động của Caspian Pipeline Consortium cũng đã được thảo luận”.

Nga có thể áp dụng hạn ngạch xuất khẩu nhiên liệu ra nước ngoài

Phát biểu tại cuộc họp giữa đại diện các công ty dầu mỏ và các cơ quan chức năng ngày 29/9, Phó Thủ tướng Novak nói: “Việc tăng giá là không thể chấp nhận được. Nếu tình hình không thay đổi, các biện pháp quản lý nghiêm ngặt sẽ được thực hiện, giống như những biện pháp đang được thực hiện trên thị trường phân bón”.

Ông Novak cũng đề nghị các nhà sản xuất dầu mỏ xem xét biện pháp cấp bách nhằm giảm giá nhiên liệu tại các cửa hàng xăng dầu của các nhà sản xuất và các công ty độc lập.

Điện Kremlin và Bộ Năng lượng Nga cho biết lệnh cấm xuất khẩu nhiên liệu hiện tại được công bố vào ngày 21/9 sẽ vẫn có hiệu lực cho đến khi thị trường nhiên liệu trong nước ổn định. Bất kỳ hạn ngạch xuất khẩu nhiên liệu nào cũng có thể được áp dụng sau khi lệnh cấm xuất khẩu được dỡ bỏ. Hạn ngạch này sẽ tương tự như việc hạn chế buôn bán phân bón xuyên biên giới của Nga.

H.T (t/h)

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhip-dap-nang-luong-ngay-3092023-695520.html