Nhịp đập năng lượng ngày 28/9/2023

Vương quốc Anh cho phép khai thác mỏ dầu ở Biển Bắc; Áo và Na Uy ký thỏa thuận khí đốt quan trọng; Pháp đề xuất 2 dự luật mới về năng lượng… là những tin tức nổi bật về năng lượng ngày 28/9/2023.

Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn

Vương quốc Anh cho phép khai thác mỏ dầu ở Biển Bắc

Các cơ quan quản lý dầu khí của Vương quốc Anh ngày 27/9 đã phê duyệt kế hoạch phát triển dự án dầu khí Rosebank ở Biển Bắc, mở đường cho nhà điều hành Equinor tiến hành đầu tư 3,8 tỷ USD vào mỏ này. Vấn đề này đã gây tranh cãi ở Anh trong bối cảnh các cuộc tranh luận về sự cần thiết của dự án dầu khí mới.

Sau khi có sự đồng ý phát triển từ cơ quan quản lý, Equinor và đối tác Ithaca Energy đã đưa ra quyết định đầu tư cuối cùng để tiến hành Giai đoạn 1 của Rosebank, với mức đầu tư 3,8 tỷ USD. Nguồn tài nguyên có thể thu hồi tại mỏ Rosebank ước tính vào khoảng 300 triệu thùng dầu, trong đó Giai đoạn 1 nhắm mục tiêu khoảng 245 triệu thùng dầu.

Equinor có kế hoạch phát triển mỏ với các giếng dưới biển gắn liền với một tàu bốc dỡ và lưu trữ nổi (FPSO) được triển khai, dự kiến khởi động vào năm 2026-2027. Dầu sẽ được vận chuyển đến các nhà máy lọc dầu bằng tàu chở dầu con thoi, trong khi khí đốt sẽ được xuất khẩu qua hệ thống Đường ống phía Tây Shetland đến đất liền Scotland.

Áo và Na Uy ký thỏa thuận khí đốt quan trọng

Ngày 27/9, công ty năng lượng OMV của Áo thông báo đã ký hợp đồng với tập đoàn năng lượng Equinor của Na Uy để đối tác này cung cấp khí đốt trong thời hạn 5 năm - một phần trong chiến lược đa dạng hóa nguồn cung của OMV.

Theo hợp đồng vừa ký, Equinor sẽ cung cấp 12 Terawatt giờ (TWh) khí đốt tự nhiên, bắt đầu từ 1/10, cũng là thời điểm bắt đầu mùa khí đốt mùa đông ở châu Âu, qua đó sẽ bổ sung vào lượng giao dịch theo các hợp đồng hiện có giữa hai bên. Khí đốt sẽ được giao tại trung tâm giao dịch ảo THE của Đức cho danh mục đầu tư ở châu Âu của OMV và được định giá "theo các điều kiện thị trường".

OMV hiện đang mua khí đốt từ chính các nguồn của công ty này tại Na Uy và Áo thông qua các hoạt động cung cấp khí tự nhiên hóa lỏng tại nhà ga Dutch Gate và theo cơ chế mua chung khí đốt của Liên minh châu Âu (EU). Công ty này hiện vẫn còn các hợp đồng dài hạn đã ký với Gazprom của Nga có hiệu lực đến năm 2040.

Ba Lan và Mỹ hợp tác mở chương mới về năng lượng hạt nhân

Ngày 27/9, Ba Lan đã ký thỏa thuận ban đầu với tập đoàn hạt nhân Westinghouse (Mỹ) để thiết kế nhà máy điện nguyên tử đầu tiên của nước này. Đây là một biện pháp của Ba Lan nhằm tăng cường an ninh năng lượng bằng cách giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Phát biểu tại lễ ký kết hợp đồng, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki nhấn mạnh: “Hôm nay, Ba Lan mở ra một chương mới về năng lượng hạt nhân. Giống như thế kỷ XX thuộc về than và dầu, thế kỷ XXI thuộc về nguyên tử. Chúng ta không thể mạo hiểm sự ổn định của hệ thống năng lượng và toàn bộ nền kinh tế bằng cách dựa vào các nguồn năng lượng không ổn định".

Ba Lan lên kế hoạch xây dựng 3 nhà máy điện hạt nhân, trong đó mỗi nhà máy có ba lò phản ứng, đáp ứng khoảng 30% sản lượng năng lượng của quốc gia này. Nhà máy ở miền Bắc Ba Lan có chi phí xây dựng ước tính khoảng 23 tỷ USD, với lò phản ứng đầu tiên sẽ đi vào hoạt động vào năm 2033.

Ai Cập đặt mục tiêu nhà sản xuất và xuất khẩu hydro xanh hàng đầu thế giới

Tại Hội nghị Kết nối Năng lượng Toàn cầu (GEIC) năm 2023, được tổ chức tại Thượng Hải (Trung Quốc) trong các ngày 25-27/9, Bộ trưởng Điện lực và Năng lượng Tái tạo Ai Cập Mohamed Shaker cho biết nước này dự kiến sẽ triển khai Chiến lược Quốc gia về Năng lượng Bền vững Tích hợp, với mục tiêu đưa đất nước Kim tự tháp trở thành một trong những nhà sản xuất và xuất khẩu hydro xanh hàng đầu thế giới.

Ông Shaker giải thích: "Hydro xanh là nhân tố rất quan trọng để giảm lượng khí thải carbon dioxide và thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng xanh. Hydro xanh sẽ trở thành nguồn năng lượng toàn cầu quan trọng trong tương lai gần".

Ông Shaker cho biết chiến lược quốc gia nói trên của Ai Cập sẽ thúc đẩy khả năng cạnh tranh của nước này nhằm đạt được các kế hoạch đầy tham vọng trong lĩnh vực hydro, với mục tiêu chiếm 8% thị trường thương mại hydro xanh toàn cầu vào năm 2040.

Pháp đề xuất 2 dự luật mới về năng lượng

Chính phủ Pháp dự định sẽ đệ trình 2 dự luật về năng lượng từ đây đến cuối năm 2023: một về an toàn hạt nhân và còn lại nhằm giải quyết vấn đề giá điện và điều chỉnh hoạt động sản xuất năng lượng phù hợp với các cam kết về khí hậu của Pháp.

Dự luật đầu tiên liên quan đến việc hoàn thành một dự án đang bị phản đối mạnh mẽ, do chính phủ khởi xướng nhằm sáp nhập Viện Bảo vệ Bức xạ và An toàn Hạt nhân (IRSN), chuyên về an toàn kỹ thuật, vào Cơ quan An toàn Hạt nhân (ASN), cơ quan quyết định số phận của các nhà máy điện.

Về dự luật thứ hai, Bộ Năng lượng Pháp Agnès Pannier mong muốn thiết lập "một cơ chế bền vững giúp duy trì mức giá thấp nhất ở châu Âu đồng thời ngăn chặn tình trạng tăng giá trong những tháng qua".

H.T (t/h)

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhip-dap-nang-luong-ngay-2892023-695375.html