Nhịp đập năng lượng ngày 26/6/2023

Các hồ thủy điện lớn hạn chế phát điện để dự phòng; Nhu cầu dầu sẽ đạt 110 triệu thùng mỗi ngày vào năm 2045; Saudi Aramco bắt tay Total Energies xây dựng tổ hợp hóa dầu trị giá 11 tỷ USD… là những tin tức nổi bật về năng lượng trong nước và quốc tế ngày 26/6/2023.

Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn

Các hồ thủy điện lớn hạn chế phát điện để dự phòng

Mặc dù mực nước về các hồ thời gian qua tăng đã nhanh nhưng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn lưu ý, miền Bắc không có công suất điện dự phòng nên thời gian tới vẫn có thể xảy ra tình huống cực đoan dẫn đến phải điều chỉnh phụ tải, tiết giảm điện. Do đó, việc tiết kiệm điện phải được đặt lên hàng đầu.

Theo số liệu của Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0), ngày 25/6, công suất đỉnh hệ thống ở mức 31.025,5 MW, giảm 8.732MW so với ngày 24/6. Phụ tải toàn hệ thống ngày 25/6 đạt 676,6 triệu kWh, trong đó miền Bắc ước khoảng 314,9 triệu kWh, miền Trung khoảng 72,3 triệu kWh, miền Nam khoảng 288,8 triệu kWh.

Trong ngày 25/6/2023, tổng sản lượng huy động từ thủy điện khoảng 154,8 triệu kWh, (miền Bắc là 86,2 triệu kWh). Nhiệt điện than huy động 365 triệu kWh (miền Bắc 226,1 triệu kWh). Tuabin khí huy động 68,9 triệu kWh. Điện năng lượng tái tạo đạt 51 triệu kWh.

Nhu cầu dầu sẽ đạt 110 triệu thùng mỗi ngày vào năm 2045

Phát biểu khai mạc hội nghị Năng lượng châu Á được tổ chức tại Kuala Lumpur, thủ đô của Malaysia, ông Haitham Al Ghais, Tổng thư ký Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cho biết: “Dầu mỏ là thứ không thể thay thế trong tương lai gần”.

“Trong triển vọng toàn cầu của chúng tôi, chúng tôi nhận thấy nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng lên 110 triệu thùng/ngày vào năm 2045”, ông Haitham Al Ghaischo biết và nói thêm rằng, dầu sẽ vẫn chiếm khoảng 29% hỗn hợp năng lượng vào thời điểm đó.

Tổng thư ký OPEC nói thêm rằng, việc đầu tư dưới mức vào ngành dầu mỏ sẽ chỉ thách thức khả năng tồn tại của các hệ thống năng lượng hiện tại và dẫn đến “sự hỗn loạn năng lượng”.

Tăng trưởng năng lượng tái tạo chưa thể lấn át nhiên liệu hóa thạch

Báo cáo thường niên Đánh giá Thống kê Năng lượng Thế giới công bố ngày 26/6 cho thấy nhu cầu năng lượng toàn cầu tăng 1% trong năm ngoái và đà tăng trưởng cao kỷ lục của năng lượng tái tạo không làm lay chuyển vị thế vượt trội của nhiên liệu hóa thạch, vốn vẫn chiếm 82% nguồn cung năng lượng.

2022 là một năm đầy bất ổn với các thị trường năng lượng, sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Căng thẳng này đã khiến giá khí đốt và than đá tăng lên các mức cao kỷ lục tại châu Âu và châu Á.

Các sản phẩm dầu, khí đốt và than đá tiếp tục củng cố vị thế dẫn đầu trong việc đáp ứng phần lớn nhu cầu năng lượng trong năm 2022, dù công suất năng lượng tái tạo đã tăng tổng cộng 266 gigawatt, mức tăng lớn nhất từ trước đến nay, trong đó đứng đầu là năng lượng mặt trời.

Indonesia vạch lộ trình chiến lược sử dụng hydro đến năm 2060

Tại Hội nghị thượng đỉnh quốc tế về hydro năm 2023, Cơ quan Nghiên cứu và Đổi mới quốc gia Indonesia (BRIN) cho biết đang tiến hành đánh giá lộ trình chiến lược quốc gia trong việc sử dụng hydro đến năm 2060.

Lộ trình trên nhấn mạnh sự cần thiết xây dựng một hệ sinh thái hỗ trợ sử dụng hydro ở Indonesia. Lộ trình này được chia làm ba phân đoạn, gồm triển khai các dự án hoặc nhà máy thí điểm; thương mại hóa hydro và thúc đẩy thâm nhập thị trường; và nâng cao giá trị kinh tế gia tăng.

BRIN khuyến khích xây dựng một chiến lược hydro quốc gia không chỉ bao gồm tiềm năng mà còn cả chuỗi sản xuất, phân phối và sử dụng ở Indonesia, qua đó đảm bảo khu vực tư nhân về cam kết của chính phủ. Theo BRIN, khoảng 20 dự án của nhiều công ty đã triển khai nghiên cứu tiền khả thi về công nghệ hydro ở các khu vực Sumatra, Kalimantan, Sulawesi, Java, Sumba, Đông Nusa Tenggara và Papua.

Pertamina (Indonesia) lên kế hoạch xây nhà máy lọc dầu ở Kenya

Trong một tuyên bố mới đây, Bộ trưởng Điều phối Hàng hải và Đầu tư Luhut Binsar Pandjaitancao cho biết mới đây tiết lộ hãng dầu khí quốc gia Indonesia Pertamina có kế hoạch mở rộng kinh doanh sang Đông Phi với việc xây dựng nhà máy lọc dầu ở Kenya.

“Pertamina sẽ đầu tư vào Kenya sau khi được đề nghị xây dựng một nhà máy lọc dầu ở đó. Chúng tôi cũng nhận thấy cơ hội đưa dầu thô từ Kenya sang Indonesia”, vị bộ trưởng cho biết.

Ông Luhut khẳng định rằng lựa chọn đưa dầu của Kenya đến Indonesia nhằm đáp ứng nhu cầu lớn đối với mặt hàng này. Tuy nhiên, ông Luhut thừa nhận chưa nắm được tiềm năng năng lực sản xuất của nhà máy lọc dầu mà Pertamina có kế hoạch xây dựng ở Kenya. Dự án này vẫn đang trong quá trình thảo luận và hoàn thiện.

Saudi Aramco hợp tác với Total Energies xây dựng tổ hợp hóa dầu trị giá 11 tỷ USD

Tập đoàn năng lượng Saudi Aramco của Saudi Arabia và tập đoàn năng lượng Total Energies của Pháp vừa ký kết các hợp đồng để triển khai xây dựng tổ hợp hóa dầu Amiral trị giá 11 tỷ USD tại Saudi Arabia. Dự kiến sẽ bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2027

Tổ hợp hóa dầu này mang tên Amiral sẽ được sở hữu, vận hành và kết nối với nhà máy lọc hóa dầu hiện có của công ty chung giữa hai tập đoàn là Saudi Aramco Total Refining and Petrochemical Co. ở thành phố Jubail trên bờ biển phía Đông của quốc gia vùng Vịnh Saudi Arabia.

Tổ hợp hóa dầu này khi hoàn thiện cho phép nhà máy này chuyển đổi hỗn hợp hydrocarbon lỏng và ethane do Saudi Aramco cung cấp thành các hóa chất có giá trị cao với công suất 1,65 triệu tấn ethylene và các loại khí công nghiệp khác mỗi năm. Dự án còn bao gồm 1 nhà máy nghiền thức ăn chăn nuôi hỗn hợp, các đơn vị sản xuất polyetylen, butadien và các sản phẩm liên quan khác…

H.T (t/h)

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhip-dap-nang-luong-ngay-2662023-688083.html