Nhịp đập năng lượng ngày 26/11/2023

Chương trình điện sạch của Mỹ đối mặt với những trở ngại lớn; Châu Âu phê duyệt kế hoạch trị giá 5,7 tỉ euro của Ý; Brazil đầu tư 100 tỉ đô la để trở thành cường quốc dầu mỏ toàn cầu… là những tin tức nổi bật về năng lượng ngày 26/11/2023.

Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn

Chương trình điện sạch của Mỹ đối mặt với những trở ngại lớn

Đã một năm sau khi thông qua Đạo luật về biến đổi khí hậu lớn nhất trong lịch sử Mỹ. Đằng sau lời hứa hẹn giúp bùng nổ phát triển trong ngành năng lượng sạch của Mỹ, là một thực tế kinh tế đang làm suy yếu chương trình nghị sự của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Nhiều dự án điện gió ngoài khơi bị hủy bỏ, các nhà máy năng lượng mặt trời gặp rủi ro, nhu cầu xe điện giảm…

Trao đổi với Reuters, các chuyên gia năng lượng sạch cho biết: Trở ngại ngày càng tăng cao, gây cản trở khả năng đạt được các mục tiêu khử carbon đầy tham vọng của Mỹ vào giữa thế kỷ này, vì tình hình đang ngày một trở nên khó khăn hơn. Nhiều trở ngại bắt nguồn từ việc không thể giải quyết được hàng tỉ khoản tín dụng thuế trong khuôn khổ Đạo luật Giảm Lạm phát (IRA).

Ông Ali Zaidi - Cố vấn khí hậu quốc gia của Nhà Trắng, khẳng định trong một cuộc phỏng vấn rằng Mỹ sẽ đáp ứng các mục tiêu về khí hậu của mình. Ông nói: “Tuy nền kinh tế vĩ mô xuất hiện nhiều làn gió ngược, gây ảnh hưởng đến khả năng đưa quyết định, chúng tôi vẫn giữ vững được lộ trình của mình”.

Nga hy vọng sớm đạt được thỏa thuận về khí đốt với Thổ Nhĩ Kỳ

Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết hôm 25/11 rằng, Moscow và Ankara sẽ đạt được thỏa thuận về việc tạo ra một nền tảng khí đốt tự nhiên ở Thổ Nhĩ Kỳ trong tương lai gần.

Ông cho biết công ty Gazprom của Nga và công ty Botas của Thổ Nhĩ Kỳ đã hợp tác chặt chẽ và thảo luận về lộ trình dự án. “Tôi chắc chắn rằng các thỏa thuận về việc triển khai thực tế dự án này sẽ đạt được trong tương lai gần”, ông Novak nói trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Rossiya 24.

Năm ngoái, Nga đã đề xuất thành lập một trung tâm khí đốt ở Thổ Nhĩ Kỳ để bù đắp cho khoản doanh thu bị mất tại thị trường châu Âu. Cuộc đàm phán không đạt được nhiều tiến triển khi Thổ Nhĩ Kỳ hứng chịu trận động đất tàn khốc vào tháng 2 và tập trung vào cuộc bầu cử vào tháng 5. Hai nguồn tin quen thuộc với dự án nói với Reuters rằng những bất đồng về việc ai sẽ chịu trách nhiệm cũng làm trì hoãn các cuộc đàm phán.

Châu Âu phê duyệt kế hoạch trị giá 5,7 tỉ euro của Ý

Trong bối cảnh cần có hành động khẩn cấp vì khí hậu, Ủy ban châu Âu đã thực hiện một bước quan trọng bằng cách phê duyệt một dự án lớn của Ý, với trị giá lên đến 5,7 tỉ euro. Dự án tập trung vào hỗ trợ sản xuất và tự tiêu thụ điện tái tạo, với tính chất hoàn toàn phù hợp với các mục tiêu chiến lược của Thỏa thuận Xanh châu Âu.

Kế hoạch Phục hồi và Thích ứng (RRF) của Ý, chuyên về củng cố hiệu quả đầu tư và thúc đẩy kinh tế, sẽ tài trợ một phần cho sáng kiến này. Phần nội dung do RRF tài trợ sẽ có hiệu lực đến ngày 31/12/2025. Phần còn lại của chương trình sẽ kéo dài cho đến ngày 31/12/2027.

Kế hoạch nhằm hỗ trợ thành lập các cơ sở sản xuất năng lượng tái tạo mới và mở rộng cơ sở hạ tầng hiện có. Đối tượng được hưởng lợi chủ yếu sẽ là các dự án có quy mô nhỏ, với công suất tối đa 1 MW. Bằng cách hỗ trợ các cộng đồng năng lượng và những dự án lắp đặt nhỏ, chương trình này nêu bật tầm quan trọng của việc thu hút người dân tham gia tích cực vào quá trình chuyển dịch sang năng lượng xanh.

Brazil đầu tư 100 tỉ đô la để trở thành cường quốc dầu mỏ toàn cầu

Petrobras, tập đoàn dầu khí do nhà nước Brazil kiểm soát, tuyên bố đầu tư 102 tỉ đô la Mỹ trong giai đoạn từ 2023-2028 để đưa nền kinh tế lớn nhất Nam Mỹ trở thành một trong những cường quốc dầu mỏ lớn nhất thế giới.

Kế hoạch đầu tư, được CEO Jean Paul Prates của Petrobras công bố cuối ngày 23/11, cao hơn 31% so với mức 78 tỉ đô la mà tập đoàn vạch ra trước đó trong chương trình đầu tư 5 năm 2023-2027. Theo kế hoạch mới, hơn 70% ngân sách đầu tư nói trên sẽ được chi cho hoạt động sản xuất và thăm dò dầu mỏ.

Petrobras giải thích mức tăng này chủ yếu là do các dự án kinh doanh mới, bao gồm các thương vụ thâu tóm tiềm năng, và tái hợp nhất các tài sản mà chính quyền trước đó đã bán, cũng như chi phí lạm phát đang ảnh hưởng đến toàn bộ chuỗi cung ứng. Petrobras cũng cho biết sẽ phân bổ 11,5 tỉ đô la từ ngân sách trên cho các sáng kiến carbon thấp, cao hơn gấp đôi so với kế hoạch trước đó.

Ukraine tuyên bố đủ năng lượng đáp ứng nhu cầu trong nước

Thứ trưởng Bộ Năng lượng Ukraine Svitlana Hrynchuk cho biết, tính đến ngày 25/11, sản lượng điện đủ để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, không cần thiết phải cắt điện theo lịch trình ở bất kỳ khu vực nào trên đất nước.

Trước đó, vào ngày 23/11, Ukraine cho biết không thể sản xuất đủ điện để đáp ứng nhu cầu sưởi ấm ngày càng tăng và đang hướng đến tìm sự trợ giúp của các nước láng giềng thuộc Liên minh châu Âu (EU). Ông Hrynchuk cho biết thêm sự thiếu hụt xảy ra trong hệ thống điện trong 2 ngày mới đây có liên quan đến việc sửa chữa khẩn cấp tại các tổ máy nhiệt điện.

Thứ trưởng Hrynchuk nhấn mạnh: "Nguyên nhân đang được điều tra nhưng hầu hết các tổ máy đều đã được sửa chữa, hiện tại chúng tôi chưa yêu cầu nhập khẩu điện khẩn cấp. Chúng tôi có đủ nguồn điện để đáp ứng tất cả các nhu cầu".

H.T (t/h)

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhip-dap-nang-luong-ngay-26112023-700344.html